Sơ kết công tác Cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2015
Thứ năm - 27/08/2015 03:393470
Ngày 26/8, UBND tỉnh tổ chức Sơ kết công tác Cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2015 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh. Dự và chỉ đạo có các đồng chí Vương Văn Thành, UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Minh Hùng - Vụ trưởng Vụ cải Cách hành chính, Bộ Nội Vụ; đại diện các Sở, ban, ngành, huyện, thành phố cùng tham dự.
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Tiến Tăng - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh đã thông qua báo cáo tóm tắt tình hình cải cách hành chính của tỉnh trong 5 năm qua (2011 - 2015) và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tiếp theo (2016 - 2020). Báo cáo cho thấy trong giai đoạn I, công tác cải cách hành chính đã đạt được những thành tích bước đầu quan trọng, góp phần vào sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Về cơ bản, cải cách hành chính được thể hiện trong nhiều lĩnh vực cải cách thể chế, thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, tài chính công, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ công chức, hiện đại hóa nền hành chính. Công tác tuyên truyền được thực hiện đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung như thông tin cổ động, tin, bài trên Báo Lai Châu, Đài Phát thanh Truyền hình, tờ rơi, tổ chức hội thi…
Trong cải cách thể chế, giai đoạn 2011 - 2015, UBND tỉnh đã ban hành 266 văn bản quy phạm pháp luật. Công tác rà soát, tự rà soát được các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tương đối thường xuyên, nghiêm túc từ đó có biện pháp sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, hủy bỏ những văn bản quy phạm pháp luật không còn hiệu lực và không phù hợp với thực tế.
Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được xem là bước đột phá trong công tác Cải cách hành chính của cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng. Các văn bản quy phạm pháp luật có quy định TTHC do các các cơ quan chủ trì soạn thảo đều được đánh giá tác động theo quy định và có ý kiến cơ quan kiểm soát TTHC trước khi ban hành. Các TTHC thường xuyên được rà soát nhất là nhóm thủ tục hành chính, quy định hành chính có liên quan, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội thuộc các ngành, lĩnh vực (số lượng đối tượng chịu sự tác động lớn, chi phí tuân thủ cao, có nhiều phản ánh kiến nghị về vướng mắc, bất cập đối với các quy định hành chính…). Trong gian đoạn qua, việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông từng bước được triển khai rộng rãi tại 18/21 sở, ban, ngành, 8/8 huyện, thành phố và 108/108 xã, phường, thị trấn. Một số đơn vị cấp huyện, xã đang thực hiện mô hình một cửa điện tử.
Đối với cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, UBND tỉnh tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ, Bộ, ngành trung ương về tổ chức bộ máy. Đến nay, cơ bản tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã đi vào ổn định và hoạt động tốt. Công tác quản lý các tổ chức hội, quỹ được thực hiện chặt chẽ.
Riêng với công tác cải cách hành chính công, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tài chính đã được các cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện khá thuận lợi. Theo đó, nguồn kinh phí tiết kiệm được của các đơn vị ngày càng tăng lên (trung bình mỗi năm được từ 40 - 50 triệu đồng), tạo điều kiện để chi trả thu nhập thêm cho cán bộ, công nhân viên chức (CBCNVC), chi khen thưởng… theo đúng quy định.
Trong giai đoạn 2011 - 2015, dù còn nhiều khó khăn nhưng UBND tỉnh đầu tư xây dựng trụ sở khang trang, đưa hạ tầng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh và triển khai áp dụng ISO 9001 2008. Hệ thống thông tin truyền thông, mạng internet, mạng nội bộ LAN đã được triển khai tới toàn bộ các cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Phềm mềm quản lý văn bản và điều hành điện tử đã thực hiện tại 25 cơ quan hành chính. Toàn tỉnh cũng đã có 112 cơ quan áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam ISO 9001 2008.
Đội ngũ CBCNVC thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành chính, đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ, góp phần đưa tỉnh Lai Châu ngày càng phát triển bền vững.
Trong giai đoạn 2016 – 2020, bằng những mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể tỉnh ta tiếp tục đẩy mạnh công tác Cải cách hành chính thành một hệ thống, thống suốt tới hiện đại, bảo đảm tính dân chủ, công khai, minh bạch. Cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Bộ máy hành chính các cấp trong tỉnh được cải cách tinh gọn nhẹ, phù hợp với quy định của Trung ương và tỉnh.
Phát biểu tại Hội nghị, các đồng chí Phạm Minh Hùng - Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội Vụ và Vương Văn Thành - UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương, đánh giá cao những thành tích tỉnh Lai Châu đạt được trong giai đoạn I, đồng thời chỉ ra những thiếu sót, hạn chế cần khắc phục và nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm cần làm trong thời gian tới. Trước mắt vẫn là tăng cường hơn công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ CCHC. tập trung mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội để đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa nền hành chính, tiến tới nền hành chính điện tử. xác định cán bộ, công chức, viên chức là khâu then chốt thực hiện thắng lợi nhiệm vụ CCHC. Thường xuyên và hiệu quả cơ chế kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện những mô hình, những sang kiến kinh nghiệm hay để nhân rộng và chấn chỉnh khắc phục ngay những hạn chế, yếu kẽm của cấp cơ sở. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều nội dung lẫn hình thức…
Nhân dịp này, UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 13 tập thể, 18 cá nhân có thành tích trong chỉ đạo, tham mưu cải cách hành chính trong giai đoạn 2011 - 2015./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế