Hội nghị cộng tác viên Tạp chí Tuyên giáo và Hội thảo bảo vệ động - thực vật hoang dã, quý hiếm
Thứ hai - 27/06/2016 03:534370
Sáng ngày 23/6, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Lào Cai, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị cộng tác viên Tạp chí Tuyên giáo các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2016. Dự hội nghị có: Tiến sĩ Bùi Thế Đức, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phó giáo sư, Tiến sĩ Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương.
Tới dự còn có các đồng chí Thường trực Tỉnh uỷ Lào Cai; Tổng Biên tập Tạp chí Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí lãnh đạo các vụ thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo Ban Tuyên giáo và cộng tác viên của tạp chí Tuyên giáo Trung ương tại 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Báo cáo đề dẫn có tựa đề “Nâng cao chất lượng các ấn phẩm tạp chí Tuyên giáo, góp phần định hướng thông tin trong tình hình mới” do TS Trần Doãn Tiến, Tổng biên tập Tạp chí Tuyên giáo nêu rõ: Năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, Tạp chí Tuyên giáo với hai ấn phẩm in và điện tử, đã quan tâm đổi mới nội dung, cách thức thông tin tuyên truyền, nâng cao chất lượng các ấn phẩm; mở rộng thành phần cộng tác viên trên khắp mọi miền đất nước. Mảng đề tài phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được đầu tư hơn, nên đã có khá nhiều bài viết sâu sắc, cung cấp thông tin kịp thời cho đội ngũ báo cáo viên, đội ngũ cán bộ tuyên giáo cả nước. Ngoài các chuyên mục truyền thống, Ban Biên tập còn quan tâm đến việc tăng lượng bài thực tiễn kinh nghiệm; các bài viết kết hợp hài hòa giữa lý luận và thực tiễn; thể hiện dưới nhiều thể loại báo chí khác nhau, đáp ứng bước đầu mong muốn của đội ngũ cộng tác viên và bạn đọc cả nước. Hình thức Tạp chí in thay vì in đen trắng, hai màu, từ số ra tháng 12/2015, Tạp chí đã bắt đầu in màu và có những thay đổi theo hướng hiện đại hơn trong cách trình bày, bố cục bài và ảnh... Mỗi tháng, Tạp chí Tuyên giáo duy trì xuất bản 25.000 cuốn; hằng ngày có từ 30 đến 40 vạn lượt truy cập vào Tạp chí điện tử.
Đến nay, Tạp chí Tuyên giáo đã có hàng trăm cộng tác viên trong cả nước, tuy nhiên, đội ngũ cộng tác viên vẫn còn một số hạn chế, đó là: Lượng cộng tác viên đăng ký thì nhiều nhưng thực sự hoạt động hiệu quả thì còn ít. Đối với các tỉnh, thành phía Nam, việc mở rộng đội ngũ cộng tác viên bên ngoài hệ thống tuyên giáo được triển khai tốt hơn so với khu vực phía Bắc. Chất lượng nội dung tin, bài cộng tác viên gửi về Tòa soạn còn chậm về thời gian; nội dung thiên về đưa lại báo cáo, chưa có tính lý luận sâu sắc. Việc định hướng tin, bài từ phía Tòa soạn lại chưa kịp thời...
Tại hội nghị, các đại biểu đã được thảo luận, chia sẻ một số kinh nghiệm viết bài. Trong đó, một số đại biểu cho rằng, để đổi mới và nâng cao chất lượng tin bài, Ban Biên tập Tạp chí cần quan tâm tổ chức các cuộc hội thảo, toạ đàm viết tin bài trong từng lĩnh vực cụ thể; tăng số lượng những bài viết có sự nghiên cứu tổng kết thực tiễn, nâng lên tầm lý luận nghiệp vụ của công tác tuyên giáo; cộng tác viên nên quan tâm viết những bài, những vấn đề mà bản thân đã trải nghiệm từ thực tiễn công việc hằng ngày; tăng cường đăng tải tin bài phản ánh cuộc sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, những gương cá nhân trong ngành Tuyên giáo có nhiều cách làm hay, sáng tạo…
Để nâng cao chất lượng các ấn phẩm, từng bước đáp ứng yêu cầu định hướng thông tin của Ban Tuyên giáo Trung ương, năm 2016 và những năm tới, đồng chí Bùi Thế Đức đề nghị Tạp chí Tuyên giáo cần tiếp tục rà soát lại đội ngũ cộng tác viên, phân loại và nắm chắc các đối tượng để có kế hoạch xây dựng mạng lưới công tác viên đa dạng, phong phú, vừa đông đảo, vừa tinh nhuệ đáp ứng nhiệm vụ đề ra. Chú trọng xây dựng đội ngũ cộng tác viên “chiến lược”; cộng tác viên ở những địa bàn khó khăn, phức tạp, những nơi thường có các diễn biến phức tạp, những nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới; kịp thời bổ sung những địa bàn còn “trống” cộng tác viên. Tạp chí Tuyên giáo cần duy trì các thông tin hai chiều, tạo điều kiện để cộng tác viên được cung cấp thông tin, định hướng thông tin, gợi mở các yêu cầu về nội dung viết bài của từng số đối với Tạp chí in và hàng tuần đối với Tạp chí điện tử. Đối với ban tuyên giáo các cấp, cần tăng cường phối hợp với Tạp chí Tuyên giáo, tạo điều kiện giúp đỡ Tạp chí Tuyên giáo và đội ngũ cộng tác viên xây dựng môi trường thuận lợi để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tại Hội nghị, Tạp chí Tuyên giáo đã tặng bằng khen cho 11 cá nhân đã có nhiều cộng tác tin, bài đối với Tạp chí trong năm 2015 và 05 tháng đầu năm 2016.
Chiều 23/6 và ngày 24/6 Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam triển khai Hội thảo nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo trong công tác tuyên truyền thay đổi hành vi không sử dụng các sản phẩm từ động vật, thực vật hoang dã nguy cấp quý hiếm. Tiến sĩ Bùi Thế Đức, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; bà Madelon Willemsen, Trưởng đại diện Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam chủ trì hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe các chuyên gia, lãnh đạo địa phương giới thiệu và báo cáo phân tích một cách khoa học về vai trò của động, thực vật hoang dã trong cân bằng sinh thái; tìm hiểu thực trạng buôn bán động, thực vật hoang dã tại Việt Nam, khu vực và trên thế giới cũng như những tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội của việc buôn bán bất hợp pháp để từ đó, giúp nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi, thói quen tiêu thụ động, thực vật hoang dã và thái độ ứng xử đối với môi trường thiên nhiên. Tham luận về “Kinh nghiệm của Lào Cai trong việc bảo vệ thiên nhiên và phát triển bền vững kinh tế, đặc biệt là việc bảo tồn các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp quý hiếm, những thuận lợi và khó khăn - Mô hình vườn quốc gia Hoàng Liên”.
Phát biểu tại hội thảo, bà Madelon Willemsen, Trưởng đại Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam cho biết: Ban Tuyên giáo Trung ương có vai trò quan trọng trong việc truyền thông thay đổi hành vi trong toàn xã hội, góp phần định hướng cho cộng đồng có thái độ đúng đắn trong việc chống lại tội phạm về động vật, thực vật hoang dã. Đồng chí Bùi Thế Đức, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều nghị quyết, văn bản pháp luật về bảo vệ tài nguyên và môi trường, bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã. Nhưng trên thực tế, nguồn tài nguyên đa dạng sinh học đang bị suy giảm. Với vai trò và trách nhiệm của mình, Ban Tuyên giáo Trung ương luôn chú trọng đến công tác truyền thông thay đổi hành vi và khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức và người dân từ bỏ niềm tin vào tác dụng không có cơ sở khoa học của động, thực vật hoang dã, hướng tới thể hiện quan điểm không khoan nhượng đối với việc tiêu thụ các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã.
Trong thời gian diễn ra hội thảo, các đại biểu còn được thảo luận nhóm với các nội dung: Cán bộ tuyên giáo phải làm gì để bảo tồn các loài động vật, thực vật hoang dã; làm thế nào để tuyên truyền vận động thay đổi hành vi cộng đồng nói không với các sản phẩm động vật, thực vật hoang dã; đề xuất các ý tưởng, sáng kiến, cách làm hay để bảo tồn các loài động vật, thực vật hoang dã trong giai đoạn tới; công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí và vai trò của đa dạng sinh học, các loài động, thực vật với sự phát triển bền vững của đất nước; tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng trực tiếp làm công tác bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong công tác phòng chống, tội phạm buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã... Đồng thời ngày 24/6 các đại biểu được đi khảo sát thực tế tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên, chứng kiến công tác bảo tồn đa dạng sinh học và tài nguyên môi trường của tỉnh Lào Cai.
Từ kết quả của hội thảo Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ nghiên cứu và đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước ban hành chủ trương, chính sách nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã nói riêng. Đồng chí Bùi Thế Đức, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cơ quan báo đài, các phương tiện thông tin đại chúng các tỉnh cần tăng cường tin, bài, xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền phổ biến kiến thức về bảo vệ động, thực vật hoang dã, bảo vệ tài nguyên và môi trường, góp phần tạo dư luận xã hội lên án nghiêm khắc đối với các hành vi xâm hại động, thực vật hoang dã./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế