Hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII
Chủ nhật - 02/07/2017 02:564220
Ngày 29/6, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII của Đảng. Dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ.
Dự hội nghị còn có Nguyễn Sinh Hùng - Nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc Hội; đồng chí Võ Văn Thưởng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Phạm Minh Chính, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tố chức Trung ương; lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể Trung ương và lãnh đạo chủ chốt 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Về phía điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Khắc Chử - Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Giàng Páo Mỷ - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Đỗ Ngọc An - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí UVBCH Đảng bộ tỉnh, thường trực các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh... với 10 điểm cầu và gần 1000 đại biểu dự Hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh nội dung trọng tâm của 3 Nghị quyết là những định hướng lớn mang tính đột phá về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cơ cấu kinh tế nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân. Đây là những chủ thể quan trọng tạo ra của cải và vật chất chủ yếu của nền kinh tế. Vì vậy, việc triển khai Nghị quyết là rất quan trọng nhằm tạo sự thống nhất trong triển khai và hành động của toàn Đảng, toàn hệ thống, toàn dân, toàn quân, cộng đồng doanh nghiệp. Thời gian tới, để 3 Nghị quyết đi vào cuộc sống Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cấp, nghành từ Trung ương đến địa phương cần nhận thức nội dung cốt lõi của Nghị quyết, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tập trung vào quản lý đất đai để phát triển nông nghiệp; đổi mới chính sách cải cách tiền lương; rà soát tháo gỡ vướng mắc về thể chế kinh tế, kiên quyết xử lý nợ công. Các doanh nghiệp nhà nước cần nâng cao năng lực hoạt động; tập trung xử lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các công trình, dự án không hiệu quả, thua lỗ kéo dài. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng về quốc phòng an ninh, những lĩnh vực mà doanh nghiệp cùng các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững. Chủ động tuyên truyền về Nghị quyết đến đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức người lao động và Nhân dân trong cả nước…
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương giới thiệu những nội dung cơ bản của Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII: Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.Những vấn đề mà ba nghị quyết đã nêu đều là những vấn đề cốt yếu, đặc biệt quan trọng đối với việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm do Đại hội XII đã đề ra về phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với tỉnh ta, để việc học tập, quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) theo tinh thần đổi mới, nâng cao chất lượng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã hướng dẫn cụ thể việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai Nghị quyết đối với từng cấp; thực hiện phân loại đối tượng trong tổ chức học tập, quán triệt, đảm bảo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong các ngành, lĩnh vực liên quan, trực tiếp triển khai thực hiện nghị quyết nào thì được quán triệt sâu và viết bài thu hoạch về nội dung nghị quyết đó.
Đặc biệt, để nâng cao chất lượng, hiệu quả việc học tập, quán triệt Nghị quyết, Tỉnh ủy Lai Châu đã khắc phục các khó khăn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào việc tổ chức học tập, quán triệt. Lai Châu là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước tham gia học tập, quán triệt Nghị quyết bằng hình thức trực tuyến liên thông ba cấp, từ Trung ương đến cấp tỉnh và cấp huyện. Trong Hội nghị này, toàn tỉnh có 10 điểm cầu (01 điểm cầu Tỉnh ủy và 09 điểm cầu của các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc) với tổng số 930 đại biểu. Trong đó Đảng bộ các huyện Than Uyên, Sìn Hồ, Nậm Nhùn vận dụng linh hoạt, bố trí địa điểm phù hợp để tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt cùng hội nghị trực tuyến do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức.
Việc áp dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng học tập, quán triệt các nghị quyết, góp phần tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian và khắc phục những khó khăn về giao thông là một trong những nội dung trong Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XII về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng”.
Để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, Tỉnh ủy đã khẩn trương chỉ đạo các cấp ủy đảng căn cứ nội dung các nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII), nhiệm vụ chính trị và điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện phù hợp, xác định nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình, phân công cụ thể trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị, đảm bảo tính khả thi, thiết thực, hiệu quả; Đảng đoàn MTTQ, các đoàn thể và Ban Thường vụ Tỉnh đoàn xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát việc thực hiện các nghị quyết; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở xây dựng kế hoạch hành động của cá nhân thực hiện Nghị quyết thể hiện quyết tâm, tinh thần đổi mới, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu. Kết quả thực hiện chương trình hành động, kế hoạch của tập thể và kế hoạch hành động của cá nhân là cơ sở quan trọng để kiểm điểm, tự phê bình, phê bình, đánh giá tập thể cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị và cá nhân người đứng đầu hàng năm và cả nhiệm kỳ./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế