Tăng cường đấu tranh phòng, chống thông tin xấu độc trên mạng internet
Chủ nhật - 11/06/2017 02:564620
Internet là một sản phẩm văn minh của công nghệ thông tin, có nhiều tiện ích to lớn trong đời sống hiện đại. Tuy nhiên, các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng Internet để tổ chức các hoạt động chống cách mạng nước ta. Việc nhận diện và phòng, chống âm mưu đó là hết sức cần thiết, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng, ổn định niềm tin của nhân dân.
Thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, với những ưu thế vượt trội, Internet luôn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Chỉ cần một cái máy tính hoặc điện thoại thông minh được kết nối Internet, mọi người đều giống như có trong tay mình một quyển bách khoa toàn thư, có thể tìm kiếm những thông tin mà mình cần. Và với mạng phủ sóng rộng trên toàn cầu, mọi người đều có thể truy cập và cập nhật thông tin hàng giờ, hàng ngày, qua đó đều có thể biết được những gì đang xảy ra xung quanh mình và cả trên thế giới. Đồng thời, qua Internet mọi người có thể cùng nhau trò chuyện, trao đổi thông tin, kinh nghiệm trên các diễn đàn, chia sẻ thông tin, cảm xúc… trên blog. Bên cạnh những tiện ích mà Internet mang lại giúp con người và sự phát triển của xã hội thì Internet cũng mang lại rất nhiều mặt tiêu cực gây ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội.
Đối với nước ta, hiện nay các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đang lợi dụng triệt để những ưu thế của Internet, thông qua các hình thức: Sử dụng các Website, dịch vụ thư điện tử (email), trang mạng xã hội (facebook), Zalo các dịch vụ hội thoại (chat), điện thoại (VoIP)... để tuyên truyền các quan điểm sai trái, tung tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; vu cáo, bịa đặt, bôi nhọ hình ảnh các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, xuyên tạc học thuyết Mác - Lênin, tưởng Hồ Chí Minh, ủng hộ, cổ vũ cho các thế lực quá khích, phản động trong nước, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ Đảng, Nhà nước với Nhân dân, tạo sự bất ổn, “tự diễn biến” trong nội bộ. Thực tế cho thấy thời gian qua không ít thông tin trên mạng đã gây hoài nghi, hoang mang trong xã hội, nhất là một bộ phận trí thức và thanh niên, đối tượng thường xuyên tiếp cận với Internet.
Chúng ta không phủ nhận vai trò của Internet đối với đời sống xã hội, mang lại những tiện ích nhiều mặt cho con người trên toàn cầu, thúc đẩy sự phát triển xã hội trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, Internet cũng như con dao hai lưỡi, nếu chúng ta không biết sử dụng đúng thì nó cũng gây ra rất nhiều hậu quả khó lường, thậm chí nguy hiểm hơn là vô hình trung gián tiếp tán phát những thông tin xấu độc, hoặc rò rỉ thông tin bí mật Nhà nước, gây hại cho cộng đồng; thậm chí tiếp tay cho các đối tượng chống phá Đảng, Nhà nước. Vì vậy, người sử dụng Internet phải luôn tỉnh táo, có bản lĩnh vững vàng để không bị lung lạc, nhất là những thông tin xấu độc chi phối hoặc hùa theo cổ xúy. Để nhận diện đúng âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, tích cực, chủ động và nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống những thông tin xấu, độc, quan điểm sai trái trên mạng Internet, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng, ổn định niềm tin của nhân dân cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng quán triệt và thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm sau:
Một là, Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về phòng chống “diễn biến hòa bình”, tự “diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trọng tâm là Nghị quyết số 04-NQ/TW (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 25/6/2009 của Ban Bí thư về Tăng cường cuộc đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “Diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá; Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030...
Chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước, tiếp tục quán triệt và thực hiện các văn bản quy định của Nhà nước về quản lý mạng Internet, nhất là Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Phát huy tốt vai trò của các cơ quan chức năng trong việc phối hợp thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những tổ chức, cá nhân trong nước vi phạm về Luật báo chí và sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng; phối hợp xử lý, bóc dỡ kịp thời những thông tin, bài viết có nội dung xấu độc, sai phạm trên Internet, các trang mạng có máy chủ đặt ở nước ngoài; không để lọt các bài, các ấn phẩm có nội dung xấu xuất hiện trên các trang mạng chính thống.
Hai là, Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức chính trị, nhận thức pháp luật cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tạo sức đề kháng, chống sự tác động của những thông tin xấu độc, quan điểm sai trái. Chú trọng tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nói chung, việc lợi dụng Internet, các trang mạng xã hội để chống phá cách mạng nước ta, nhằm làm cho mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên có ý thức tự bảo vệ mình và trở thành bộ lọc thông tin, hướng dẫn những người xung quanh nhận biết, sàng lọc các thông tin xấu, thông tin độc hại và thận trọng, cảnh giác khi đăng tải, chia sẻ thông tin trên các trang web, trang mạng xã hội; vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Chủ động thông tin đầy đủ, kịp thời, có định hướng cho xã hội về các sự kiện, hiện tượng và những vấn đề nảy sinh của địa phương, trong nước cũng như trên thế giới, đáp ứng một cách tích cực nhất nhu cầu nhận thức, thị hiếu chính đáng của Nhân dân. Thông qua đó để định hướng tư tưởng, hướng dẫn nhận thức, tạo dư luận xã hội tích cực nhằm thực hiện các nhiệm vụ chính trị xã hội, nâng cao khả năng chống “tự diễn biến”, khả năng “tự đề kháng” với những âm mưu “diễn biến hòa bình”của địch.
Trong bối cảnh thực tế hiện nay, trước sự chống phá của các thế lực thù địch chúng ta phải chủ động cung cấp thông tin một cách kịp thời, thường xuyên, chính xác, đầy đủ, có định hướng là sự phản bác có hiệu quả nhất.
Ba là, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia chống “diễn biến hòa bình” trên mạng Internet: Chống âm mưu “diễn biến hòa bình” là cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc quyết liệt, trong đó đấu tranh chống việc lợi dụng mạng Internet để chống phá Đảng, Nhà nước, dân tộc ta là một nhiệm vụ rất khó khăn và phức tạp. Vì vậy, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, đoàn thể nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp toàn xã hội, toàn dân tham gia cuộc đấu tranh này. Trọng tâm là, quan tâm giải quyết tốt những vấn đề nảy sinh ở cơ sở, nhất là những boăn khoăn, vướng mắc, bức xúc trong nhân dân, không để xảy ra điểm nóng. Triển khai thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, gắn với đẩy mạnh tuyên truyền khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức cảnh giác cách mạng, ý thức tự giác, thành hành động tích cực trong phê phán, đấu tranh chống quan điểm sai trái của các tầng lớp nhân dân.
Phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, giữa Trung ương với địa phương nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các binh chủng trong đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình” nói chung, đấu tranh chống quan điểm sai trái trên mạng Internet nói riêng. Khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân xây dựng các trang blog cá nhân và tham gia trên các trang mạng xã hội như facebook, twitter tạo diễn đàn tranh luận, trực tiếp đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế