Hiệu quả hoạt động của trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện ở Lai Châu
Thứ sáu - 28/12/2018 02:301.8360
Quán triệt và thực hiện Quyết định số 185-QĐ/TW ngày 03/9/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trong 10 năm qua, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến huyện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của Trung tâm BDCT cấp huyện và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp.
Sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quyết định 185-QĐ/TW, Tỉnh ủy Lai Châu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện kịp thời; củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; ban hành Đề án “Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tư tưởng của Đảng bộ tỉnh”, trong đó xác định nhiệm vụ, giải pháp, bố trí nguồn lực để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị tại Trung tâm BDCT các huyện, thành phố; hằng năm ban hành hướng dẫn công tác giáo dục lý luận chính trị trong toàn Đảng bộ tỉnh, tổ chức các hoạt động nâng cao chất lượng giảng viên và thường xuyên nắm bắt tình hình, tập trung giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc tại cơ sở.
Thường xuyên lãnh đạo kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định của Trung ương. Hằng năm, kiểm tra 02 Ban Giám đốc Trung tâm BDCT cấp huyện về việc tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng tại đơn vị. Định kỳ 02 lần/nhiệm kỳ, các huyện, thành ủy chỉ đạo khảo sát, nắm tình hình học viên sau đào tạo, bồi dưỡng để có kết quả khách quan về việc vận dụng các kiến thức vào thực tế.
Tổ chức bộ máy, biên chế được quan tâm, củng cố, kiện toàn, thành lập kịp thời. Trong 10 năm, thành lập mới 02 trung tâm của 02 huyện mới được chia tách, thành lập, đến nay 8/8 huyện, thành phố có Trung tâm BDCT. Hầu hết các trung tâm đảm bảo số lượng (mỗi Trung tâm có từ 3-5 biên chế), vị trí việc làm được xây dựng theo hướng một cá nhân đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ; tổng số cán bộ, viên chức của các trung tâm là 33 đồng chí, trong đó quản lý 15 đồng chí (45,5%), giảng viên chuyên trách 17 đồng chí (38%), hành chính 13 đồng chí (40%). Đội ngũ cán bộ, viên chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị đạt và vượt so với quy định, trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên đạt 94,1%, trình độ lý luận chính trị từ sơ cấp trở lên đạt 100%, trong đó cử nhân, cao cấp đạt 48,4%.
Việc kiện toàn đội ngũ giảng viên kiêm chức được thực hiện thường xuyên; đội ngũ giảng viên kiêm chức là Thường trực cấp ủy, lãnh đạo các ban xây dựng Đảng, MTTQ và các đoàn thể, các cơ quan huyện, đa dạng về chuyên ngành, có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị đảm bảo và vượt so với quy định. Trung bình mỗi năm có khoảng 130 giảng viên kiêm chức, trình độ chuyên môn từ cao đẳng đến tiến sĩ đạt 100%; trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên đạt 100%, trong đó, cao cấp, cử nhân đạt 94,6%. Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW (khóa XII), hiện nay có 8/8 đơn vị đã thực hiện nhất thể hóa chức danh Trưởng Ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm BDCT.
Công tác nghiên cứu khoa học được quan tâm thực hiện, dần đi vào nền nếp, có nhiều sáng kiến mang lại hiệu quả thiết thực. Trong những năm qua, cán bộ, lãnh đạo các trung tâm đã có 76 sáng kiến kinh nghiệm cấp cơ sở, 5 sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh, các sáng kiến được áp dụng trong hoạt động của trung tâm, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên, đoàn viên và hội viên của trung tâm BDCT cấp huyện.
Cơ sở vật chất của các trung tâm tiếp tục được cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu. Hàng năm, UBND các huyện, thành phố bổ sung kinh phí để tu sửa và mua sắm cơ sở vật chất, thiết bị đảm bảo phục vụ dạy và học. Đến nay, 7/8 trung tâm BDCT cấp huyện đã có trụ sở riêng. Các trung tâm cơ bản đáp ứng yêu cầu, tương đối đầy đủ các phòng chức năng (phòng học, hội trường, thư viện), được trang bị đủ các phương tiện, thiết bị (Máy in, máy tính, máy chiếu,... ) phục vụ công tác giảng dạy và bố trí hệ thống phòng ở, phòng ăn, sân chơi phục vụ học viên.
Việc đổi mới phương pháp dạy học tiếp tục được quan tâm thực hiện bằng nhiều hoạt động như: Tổ chức Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi và các lớp bồi dưỡng, tập huấn phương pháp giảng dạy lý luận chính trị; thành lập đoàn cho giảng viên đi học hỏi kinh nghiệm tại các tỉnh bạn; cử lãnh đạo Trung tâm tham gia đoàn kiểm tra do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức để trao đổi, rút kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện tại đơn vị mình...
Các trung tâm chủ động tổ chức hoạt động để nâng cao chất lượng giảng viên, nhiều hoạt động đi vào nền nếp: Phân loại đối tượng học viên để giảng viên lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp; nghiêm túc kiểm tra, phê duyệt nội dung giáo án của giảng viên trước khi lên lớp; thực hiện tương đối nghiêm túc việc dự giờ, thăm lớp và tổ chức đánh giá, nhận xét, rút kinh nghiệm sau khi dự, trong 10 năm các trung tâm tổ chức dự 504 lượt giảng viên, hầu hết các giờ dạy đều được xếp loại khá, giỏi; tổ chức lấy phiếu đánh giá của học viên đối với giảng viên, đa số giảng viên được đánh giá cao về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; duy trì tổ chức sinh hoạt chuyên môn vào đầu năm và dịp 20/11; tham mưu tổ chức hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi cấp huyện vào các năm 2012, 2017.
Các giảng viên tích cực, chủ động, nâng cao chất lượng bài soạn, lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng học viên. Giáo án được chuẩn bị có chất lượng, phản ánh đầy đủ nội dung bài giảng, liên hệ sâu sắc với thực tiễn của địa phương; cập nhật các văn bản mới của Trung ương, của tỉnh và địa phương. Trong giảng dạy, hầu hết giảng viên sử dụng giáo án điện tử; nhiều giảng viên sử dụng linh hoạt các phương pháp dạy học tích cực, kết hợp hài hòa giữa giảng giải và sử dụng các phương tiện dạy học hỗ trợ, giữa lý luận và thực tiễn, tăng cường trao đổi, thảo luận, chú trọng giải quyết các vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn tại cơ sở để phát huy tính tích cực, chủ động của người học. Gắn học tập lý luận với thực tiễn, giảng viên sử dụng bộ câu hỏi tình huống vào các bài dạy và tổ chức cho học viên tham quan các mô hình thực tế.
Xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy chế trong việc ra đề, tổ chức viết bài thu hoạch và chấm bài tại các trung tâm. Nội dung bám sát chương trình giảng dạy và theo hướng mở, liên hệ với thực tiễn nhằm phát huy tính sáng tạo và khả năng vận dụng của học viên. Sau khi hoàn thành chương trình, các trung tâm tổ chức cho học viên thi, viết bài thu hoạch bằng các hình thức phù hợp với từng đối tượng, bên cạnh hình thức viết bài tự luận còn có các hình thức như trắc nghiệm kết hợp với tự luận hoặc thi vấn đáp đối với học viên là cán bộ đoàn thể cơ sở có trình độ hạn chế. Tổ chức chấm bài thu hoạch đảm bảo tính khách quan, đánh giá đúng chất lượng học viên.
Các trung tâm BDCT bám sát kế hoạch, chủ trì phối hợp với các ban, ngành đoàn thể cấp huyện, các tổ chức cơ sở đảng triển khai thực hiện nhiệm vụ nghiêm túc, hiệu quả, hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch. Một số loại hình bồi dưỡng được bố trí theo cụm tại các xã tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng tham gia như: Bồi dưỡng các đoàn thể chính trị, bồi dưỡng chuyên đề giáo dục chủ nghĩa yêu nước và chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... Các lớp học do các trung tâm mở hoặc phối hợp mở đều hoàn thành đầy đủ nội dung, chương trình theo kế hoạch, đồng thời vận dụng quán triệt những chủ trương, chính sách của cấp ủy, chính quyền địa phương sát hợp với từng đối tượng.
Trong 10 năm, toàn tỉnh đã tổ chức 1.919 lớp, với hơn 122.322 lượt học viên với 10 loại hình đào tạo, bồi dưỡng (Đào tạo sơ cấp lý luận chính trị và 9 loại hình bồi dưỡng: Đối tượng kết nạp Đảng; đảng viên mới; các chuyên đề; cán bộ MTTQ và các đoàn thể; cấp ủy, bí thư chi bộ và công tác xây dựng Đảng; công tác Tuyên giáo ở cơ sở; nghiệp vụ tuyên giáo lĩnh vực lý luận; cập nhật kiến thức mới). Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các trung tâm nghiêm túc tổ chức bồi dưỡng chuyên đề “Làm theo lời Bác dặn trong thư gửi đồng bào và cán bộ Lai Châu”, chuyên đề “Phòng, chống tham nhũng”, đúng về đối tượng và cơ bản đảm bảo thời lượng. Chuyên đề “Làm theo Bác dặn trong thư gửi đồng bào và cán bộ Lai Châu” được thực hiện từ năm 2013, bồi dưỡng cho học viên tham gia chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đảng viên mới, một số trung tâm bồi dưỡng thêm cho đối tượng khác, tổ chức được 199 lớp với 12.484 học viên, thời lượng 10 tiết/lớp; chuyên đề “Phòng, chống tham nhũng” được thực hiện từ năm 2018, bồi dưỡng cho học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức được 142 lớp với 9.392 học viên, thời lượng 5 tiết/lớp.
Các Trung tâm phối hợp với Ban Tuyên giáo cấp huyện tổ chức hội nghị báo cáo viên, thông tin thời sự theo quy định. Hội nghị thông tin thời sự lồng ghép vào các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nhất là các lớp mở tại cơ sở; nội dung trọng tâm về tình hình thời sự trong nước và quốc tế, Nghị quyết của Đảng, những vấn đề cốt lõi trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đặc biệt là những vấn đề cấp bách ở địa phương, cơ sở cho cán bộ, đảng viên. Một số đơn vị tổ chức hội nghị báo cáo viên cấp huyện mở rộng với nhiều đối tượng tham gia (Các huyện: Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường và thành phố Lai Châu), một số huyện bước đầu áp dụng công nghệ thông tin vào tổ chức hội nghị báo cáo viên bằng hình thức trực tuyến, 01 lần/quý (các huyện: Nậm Nhùn, Mường Tè, Tam Đường), thông tin nhanh chóng, kịp thời đến nhiều người nghe và tiết kiệm chi phí. Trong 10 năm, các trung tâm đã tổ chức 7.850 hội nghị báo cáo viên, thông tin thời sự với 499.253 lượt người.
Học viên qua học tập, bồi dưỡng ở trung tâm đã trưởng thành hơn về mặt nhận thức, trách nhiệm, phát huy được năng lực của mình trong thực hiện nhiệm vụ ở đơn vị, địa phương. Cán bộ, quần chúng được truyền đạt đầy đủ, chính xác, kịp thời về thông tin thời sự, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, từ đó đồng thuận trong thực hiện.
Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện Quyết định vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như: Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của một số đơn vị có năm chưa cân đối giữa bồi dưỡng nghiệp vụ và tập huấn; công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của một số đơn vị có mặt còn hạn chế; một số giảng viên kiêm chức còn hạn chế về nghiệp vụ sư phạm, nặng về thuyết trình, chưa sử dụng giáo án điện tử trong giảng dạy; một số cấp ủy cơ sở chưa thật sự quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng.
Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm BDCT cấp huyện, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Trung tâm; thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong Đề án của BCH Đảng bộ tỉnh về “Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tư tưởng của Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2016 - 2020” và Kế hoạch của Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 09/02/2018 của Ban Bí thư khóa XII “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”; chỉ đạo xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm theo hướng dẫn của cấp trên, phù hợp với tình hình địa phương, tổ chức thực hiện đảm bảo kế hoạch; đẩy mạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên và học tập của học viên; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện; tiếp tục quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn tổ chức bộ máy và đầu tư trang thiết bị dạy học; đảm bảo nguồn kinh phí hợp lý cho các Trung tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế