Với vai trò là cơ quan tham mưu giúp việc Tỉnh ủy trên lĩnh vực tuyên giáo và dân vận phục vụ công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức,…Ngành Tuyên giáo và Dân vận đã gương mẫu, đi đầu trong tuyên truyền, tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin, xem đây là “khâu đột phá” trong nhiệm vụ chính trị của Ngành, thực hiện chuyển đổi số “tuyên giáo và dân vận số”.
Ngay sau khi Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về "Đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" được ban hành, toàn Ngành đã tích cực tham mưu thực hiện. Đồng thời, ban hành Kế hoạch số 23-KH/BTGDVTU về chuyển đổi số giai đoạn 2025 - 2030 phấn đấu đến năm 2030 bảo đảm thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên giáo và dân vận, hướng tới xây dựng cơ quan hiện đại, thông minh, hoạt động trên nền tảng số; khai thác, ứng dụng hiệu quả công nghệ số vào các lĩnh vực chuyên môn; xây dựng cơ sở dữ liệu số ngành tuyên giáo và dân vận; kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan, đơn vị liên quan; nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ trên môi trường số.
Đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm trong quản lý, triển khai nhiệm vụ; đến nay triển khai Hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp do Văn phòng Trung ương Đảng chuyển giao. Đầu tư, nâng cấp và duy trì hoạt động ổn định phòng họp trực tuyến Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy bảo đảm kết nối với hệ thống họp trực tuyến của Trung ương và các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Đã hoàn thiện kết nối mạng LAN nội bộ và nâng cấp đường truyền Internet tốc độ cao, đáp ứng nhu cầu làm việc trên môi trường số. Các nhóm zalo được thành lập để phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, trao đổi thông tin nhanh chóng, kịp thời.
Tích cực chuyển đổi số, hệ thống các văn bản phát hành đã được thực hiện thông suốt trên môi trường điện tử; 100% văn bản không mật được ký số, gửi, nhận, xử lý trên môi trường số và có thể xử lý trên thiết bị di động mọi lúc, mọi nơi; 100% lãnh đạo Ngành được trang bị chữ ký số theo quy định. 100% cán bộ, công chức xử lý văn bản trên nền tảng "Hệ thống quản lý văn bản và điều hành Tỉnh ủy Lai Châu" và được trang bị máy tính để bàn hoặc máy tính xách tay phục vụ hiệu quả công việc; khuyến khích, động viên cán bộ, công chức tích cực ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Trên 50% cán bộ, công chức đã tiếp cận, nghiên cứu, ứng dụng; trong đó có 15% cán bộ, công chức đã chủ động đầu tư, ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI để hỗ trợ, triển khai các nhiệm vụ chuyên môn, bước đầu đạt được những kết quả tích cực.
Thực hiện việc số hóa tài liệu các hội nghị, hướng tới phòng họp không giấy tờ; đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả việc học tập, quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Thay vì chỉ giới hạn trong các cuộc họp truyền thống, các chủ trương, chính sách từ Trung ương, của tỉnh giờ đây có thể truyền đạt trực tiếp tới cơ sở bằng hình thức trực tuyến. Internet, mạng xã hội và điện thoại thông minh cho phép tương tác hai chiều, giúp người học dễ dàng đặt câu hỏi, đưa ra ý kiến đóng góp vào quá trình xây dựng và ban hành các văn bản, làm cho chủ trương, chính sách sát hợp, đáp ứng nhu cầu mong muốn của các tầng lớp nhân dân.
Các hoạt động trên lĩnh vực Tuyên giáo và Dân dận thường xuyên đổi mới, vận dụng linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tiễn. Tháng 4/2025, toàn tỉnh được nghiên cứu, quán triệt thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII với nhiều nội dung quan trọng do các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước triển khai được kết nối trực tuyến từ Trung ương đến cơ sở với 187 điểm cầu, gần 10.000 đại biểu, cán bộ, đảng viên tham dự. Hội nghị báo cáo viên tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến đến cơ sở đã cung cấp, định hướng kịp thời thông tin cho cán bộ, đảng viên. Từ năm 2024 đến nay, tổ chức Lễ phát động Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Giải báo chí tỉnh Lai Châu về xây dựng Đảng bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến đến điểm cầu 8 huyện, thành phố trong tỉnh, thu hút sự quan tâm theo dõi và tích cực tham gia hưởng ứng của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân.
Toàn Ngành thành lập và duy trì hoạt động của 23 tài khoản facebook, fanpage, kênh youtube; đội ngũ cán bộ tuyên giáo và dân vận, báo cáo viên, tuyên truyền viên đã ứng dụng các nền tảng mạng xã hội để triển khai văn bản, đồng thời chia sẻ, lan tỏa những gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến... có tác dụng định hướng, dẫn dắt các nội dung tuyên truyền trong từng thời điểm cụ thể, không để nhiễu loạn thông tin gây bất lợi cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của tỉnh.
Duy trì hoạt động của Trang Thông tin điện tử Tỉnh ủy, mỗi năm đăng tải trên 2.000 tin, bài, ảnh; Fanpage Thông tin Tuyên giáo và Dân vận Lai Châu mỗi năm đăng tải, chia sẻ trên 1.500 tin, bài, ảnh, infographic, các văn bản chỉ đạo điều hành của tỉnh, kịp thời thông tin tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, thu hút trên trăm nghìn lượt người theo dõi thường xuyên; các huyện, thành phố duy trì hoạt động thường xuyên hiệu quả các các fanpage lan tỏa thông tin tích cực …
Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng việc nắm bắt tình hình tư tưởng và dư luận xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện điều tra xã hội học. Từ năm 2021 đến nay, tổ chức 11 cuộc khảo sát dư luận xã hội bằng hình thức trực tuyến trên GoogleForm với gần 100 nghìn lượt người tham dự/cuộc, qua đó kịp thời tham mưu cấp ủy nắm bắt việc triển khai các chủ trương, nghị quyết từ cơ sở, có giải pháp điều chỉnh kịp thời nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình, dự án, bảo đảm cho các chính sách đi vào cuộc sống, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân…
Những kết quả đạt được trong việc chuyển đổi số đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Tuyên giáo và Dân vận, bảo đảm các nội dung thông tin tuyên truyền kịp thời, sâu rộng đến đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, tạo niềm tin, sự đồng thuận xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Tuy nhiên, kinh phí đầu tư cho chuyển đổi số còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đầu tư đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại; chưa xây dựng được các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; số hóa tài liệu lưu trữ còn hạn chế, chưa được khai thác hiệu quả trên môi trường số…
Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong các hoạt động công tác tuyên giáo và dân vận cần tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu; triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các văn bản của ngành đã ban hành về chuyển đổi số. Tiếp nhận, triển khai các ứng dụng số, cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực tuyên giáo; đổi mới công tác tham mưu các chủ trương, chính sách và giải pháp lớn về công tác dân vận; tập trung phát triển, triển khai cơ sở dữ liệu theo dõi, tổng hợp tình hình nhân dân. Đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức trong thực hiện nhiệm vụ, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động chuyên môn, rút ngắn thời gian thực hiện, tiết kiệm các chi phí; sử dụng hiệu quả hệ thống văn bản chỉ đạo điều hành trên môi trường mạng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy ưu thế của các nền tảng mạng xã hội để tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, quản lý điều hành... góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa của Đảng./.
Tác giả: Mai Hoa