Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá tiếp cận pháp luật luật trên địa bàn huyện, nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, nhân dân; đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin của công dân đối với các quy định của pháp luật. Những năm qua Huyện ủy Than Uyên đã cụ thể hóa và tập trung lãnh đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, trọng tâm là Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân và Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn chuẩn tiếp cận pháp luật; cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với nòng cốt là phòng Tư pháp huyện và công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã làm tham mưu.
Trên cơ sở nguyên tắc lấy kết quả xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là tiêu chí đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới; đảng bộ, chính quyền cấp xã đạt tiêu chuẩn “trong sạch, vững mạnh”; là tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng hằng năm của chính quyền cấp xã và là một trong những tiêu chí, thước đo để đánh giá hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và quản lý xã hội đối với chính quyền cấp xã đã tạo hiệu ứng tích cực từ nhận thức đến hành động của cấp ủy, chính quyền cấp xã trong việc xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Để có sự thống nhất trong triển khai thực hiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; bám sát sự lãnh đạo và định hướng của Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện bám sát cơ sở, tập trung đôn đốc, hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục, đánh giá, chấm điểm các tiêu chí tiếp cận pháp luật. Cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của huyện tích cực chỉ đạo, kiểm tra, rà soát đánh giá các tiêu chí, tiêu chuẩn tiếp cận pháp luật; bố trí phân công công chức tham mưu quản lý, theo dõi việc triển khai thực hiện gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức tư pháp.
Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn về nhiệm vụ xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Huyện ủy đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là cấp xã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quán triệt sâu rộng ý nghĩa, tầm quan trọng và nội dung nhiệm vụ về thực hiện các tiêu chí, tiêu chuẩn xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng, đặc biệt phát huy hiệu quả việc tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh không dây tại các cụm dân cư; tuyên truyền miệng thông qua lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chi bộ, đoàn thể, họp thôn, bản. Qua đó tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở; sự vào cuộc tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp xã; sự đồng thuận của Nhân dân các dân tộc và sự chủ động tham mưu tích cực của công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; trợ giúp pháp lý cho nhân dân được tăng cường, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức tôn trọng, tuân thủ và chấp hành pháp luật của Nhân dân các dân tộc trong huyện. Quyền con người, quyền công dân, quyền được thông tin về pháp luật cơ bản được bảo đảm; kịp thời tháo gỡ mâu thuẫn, tranh chấp, vướng mắc, kiến nghị trong thi hành pháp luật trên địa bàn các xã, thị trấn.
Cùng với đó, việc rà soát, đánh giá, chấm điểm, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp được triển khai nghiêm túc, đúng quy trình. Công chức cấp xã được giao theo dõi các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật có trách nhiệm tự chấm điểm, gửi kết quả đến công chức Tư pháp - Hộ tịch. Căn cứ kết quả tự chấm điểm của công chức cấp xã và kết quả đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính, công chức Tư pháp - Hộ tịch tổng hợp báo cáo, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức họp đánh giá kết quả xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và gửi hồ sơ đề nghị công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đến Phòng Tư pháp cấp huyện; Phòng Tư pháp cấp huyện có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ đề nghị công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện tổ chức họp Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật.
Từ những biện pháp đồng bộ trên công tác xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, gắn với xây dựng nông thôn mới của huyện Than Uyên đạt được những kết quả tích cực, năm 2017 huyện có 10/12 xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đến năm 2019 có 12/12 xã được công nhận (đạt 100%), góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới (năm 2020 huyện có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới). Kết quả xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo cho các tổ chức, cá nhân được thực hiện đầy đủ các quyền của mình, nhất là các nhóm quyền: Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng quy định của pháp luật; quyền được tiếp cận thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật; thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền cấp xã được giải quyết đảm bảo đúng quy định; các tranh chấp, mẫu thuẫn ở cơ sở được giải quyết cơ bản kịp thời thông qua hòa giải; dân chủ cơ sở được pháp huy. Đồng thời thông qua việc thực hiện các tiêu chí và đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật giúp cấp ủy, chính quyền các cấp nắm bắt và nhìn nhận toàn diện, khách quan, đầy đủ hơn về những khó khăn, vướng mắc trong triển khai cải cách hành chính; việc thực hiện quy chế dân chủ; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; công tác hòa giải và hoạt động của các thiết chế tiếp cận pháp luật, cũng như việc chấp hành pháp luật của người dân và việc thực thi pháp luật ở cơ sở, từ đó có biện pháp khắc phục, tháo gỡ và tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của một số xã chưa đồng bộ, chặt chẽ, một số tiêu chí tuy đạt nhưng thiếu bền vững; nhận thức của một bộ phận nhân dân các dân tộc về tiếp cận pháp luật còn hạn chế.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2025 huyện Than Uyên đạt chuẩn nông thôn mới, Đảng bộ huyện xác định: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, trong đó chính quyền cơ sở giữ vai trò nòng cốt; tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các tiêu chí, tiêu chuẩn xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, nhất là những tiêu chí chưa bền vững. Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc về ý nghĩa, tầm quan trọng của xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật để mọi người tự giác, tích cực tham gia và thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình.
Kết hợp chặt chẽ giữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với việc tổ chức thi hành pháp luật. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp; lồng ghép công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với thực hiện các chương trình, phong trào vận động quần chúng, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả. Phát huy tốt vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước cấp huyện trọng việc kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các xã thực hiện các tiêu chí xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với tăng cường thông tin, hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin pháp luật và giám sát chặt chẽ các hoạt động thi hành pháp luật. Chính quyền cơ sở phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, công chức theo dõi, đánh giá các tiêu chí; thường xuyên rà soát các chỉ tiêu, tiêu chí, chủ động tham mưu chính quyền có biện pháp tháo gỡ khó khăn, chỉ đạo thực hiện các tiêu chí chưa đạt hoặc đạt nhưng chưa bền vững.
Phát huy trách nhiệm của các cấp, các ngành trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện; thường xuyên tiến hành sơ, tổng kết, kịp thời động viên khen thưởng những địa phương, đơn vị thực hiện tốt, chấn chỉnh nhưng nơi, những việc thực hiện chưa tốt, kém hiệu quả. Quyết tâm xây dựng Than Uyên ổn định và phát triển, phấn đấu đến năm 2025 huyện đạt chuẩn nông thôn mới./.