Hiệu quả thực hiện nếp sống văn hóa mới trong đồng bào dân tộc Mông huyện Than Uyên
Thứ năm - 27/06/2019 12:199950
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạọ của huyện ủy, HĐND và UBND huyện, việc thực hiện nếp sống văn hóa mới của đồng bào dân tộc Mông huyện Than Uyên đã và đang có những chuyển biến tích cực, góp phần củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, tình hình ANCT-TTATXH trên địa bàn được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc Mông ngày càng được nâng lên.
Hiện nay, toàn huyện Than Uyên có 22 bản, gần 1.400 hộ, trên 7.000 nhân khẩu người Mông sinh sống ở 8 xã. Trước khi việc thực hiện xây dựng đời sống văn hóa mới trong đồng bào dân tộc Mông được triển khai thực hiện. Đa số các thôn bản người Mông trong huyện đều thuộc diện khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhiều hủ tục lạc hậu vẫn còn tồn tại…
Nắm được tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc Mông trong huyện muốn thay đổi để phát triển, sau khi được Đảng bộ, chính quyền huyện thí điểm thành công ở xã Phúc Than, việc thực hiện nếp sống văn hóa mới được nhân rộng đến 100% các thôn bản người Mông trên địa bàn. Giữa muôn vàn khó khăn, cản trở bởi những rằng buộc của những hủ tục...việc xây dựng đời sống văn hóa mới được đưa vào đời sống là kim chỉ nam để người Mông mở hướng phát triển, thoát khỏi sự kìm hãm của những hủ tục, đưa việc lao động sản xuất, phát triển kinh tế vào nề nếp, đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Đồng chí Lò Văn Hương - Phó Bí thư Huyện ủy cho biết: “Sau khi nắm, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người Mông trong huyện. Nhận thấy đồng bào muốn thay đổi nên huyện ủy Than Uyên đã tổ chức cho các thôn bản người Mông họp và tự bàn bạc, xây dựng nên những nội dung nên làm và không nên làm, những gì cần giữ gìn và phát huy, cái gì cần bỏ trong xây dựng nếp sống văn hóa mới. Do đó, sau khi triển khai thì bản cam kết đã thực sự đi vào cuộc sống của đồng bào người Mông trong huyện”.
Qua 1 năm triển khai thực hiện, bản cam kết thực hiện nếp sống mới trong đồng bào dân tộc Mông huyện Than Uyên trên cơ sở “ Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” cho thấy rất phù hợp với truyền thống, phong tục tập quán và bản sắc văn hóa của dân tộc Mông. Do đó, “5 việc nên làm và 5 việc không làm” đã thực sự đi vào cuộc sống của nhân dân, nhận được sự đồng tình, ủng hộ thực hiện, tạo nên tinh thần thi đua trong từng nhà, từng người Mông trong huyện. Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, các làm hay, sáng tạo trong thực hiện nếp sống văn hóa mới được nhân rộng.
Nhờ đó, truyền thống tôn kính, thờ cúng tổ tiên tiếp tục được duy trì; tinh thần đoàn kết, giúp nhau lúc khó khăn, hoạn nạn, giúp nhau phát triển kinh tế được phát huy; các hộ chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Đặc biệt, việc sử dụng, tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, súng săn tự chế giảm mạnh. Trong đồng bào người Mông đã gảm được 20 người nghiện, nhân dân tự giác giao nộp 9 khẩu súng kíp tự chế…Lĩnh vực giáo dục, y tế có chuyển biến rõ nét, tỷ lệ chuyên cần các cấp học đạt 99%, 98% người Mông đã đến trạm y tế khám, chữa bệnh và sinh con. Tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm từ 76 trường hợp trước khi ký cam kết xuống còn 35 trường hợp sau khi ký cam kết; việc tổ chức đám cưới, đám tang được thực hiện đúng theo bản cam kết, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, làm cho nhân dân, nhất là các gia đình khó khăn rất vui mừng, phấn khởi. Trong năm, đã vận động được 21 cặp không đủ tuổi có ý định tảo hôn dừng lại; có 44 đám cưới, 17 đám tang được tổ chức tiết kiệm, tránh lãng phí. Đám tang không để quá 2 ngày và chỉ mổ 1 con trâu, 1 con lợn và thịt gà đủ làm thủ tục. Việc thách cưới, lấy lễ vật cao giảm hẳn, trước đây lấy 30-40 triệu, hiện nay chỉ còn 5 triệu đồng.
Anh Mùa A Mang - bản Tu San, xã Tà Mung, một trong những thành viên tổ tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa mới trong đồng bào dân tộc Mông chia sẻ: “Sau 1 năm thực hiện nhiều hủ tục lạc hậu đã từng bước được loại bỏ. Ý thức, việc làm của nhân dân đã đi vào nề nếp hơn, tình hình an ninh trật tự luôn ổn định. Người dân phấn khởi, yên tâm phát triển kinh tế để giảm nghèo”.
Việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp được chú trọng. Đồng bào dân tộc Mông đã duy trì và đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong các ngày lễ, tết cổ truyền dân tộc như: Múa khèn, thổi khèn lá, khèn môi, đánh tù lu, đẩy gậy, giã bánh dày, các điệu múa…qua đó, góp phần tăng cường tinh thần đoàn kết, cổ vũ, động viên người Mông trong huyện tích cực thi đua lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Nhiều bản đã duy trì hiệu quả mô hình dòng họ tự quản, bản không có ma túy, tình hình an ninh trật tự được giữ ổn định, số vụ trộm cắp giảm 98% so với các năm trước. 96% số hộ đã làm chuồng trại chăn nuôi tập trung, các bản đã đào được gần 90 hố rác, 137 hộ đã xây nhà vệ sinh. Đồng bào người Mông trong huyện đã trồng được trên 20ha cây Mắc Ca, 6ha cây quế, gần 93ha cây Sơn Tra và trên 700ha cây chè…
Bên cạnh đó, việc thực hiện nếp sống văn hóa mới trong đồng bào dân tộc Mông đã tạo động lực thúc đẩy ý chí, nghị lực vươn lên của đồng bào Mông trong huyện. Khơi dậy tính tự giác, ý thức làm chủ của đồng bào dân tộc Mông. Làm thất bại mọi âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần đảm bảo ANTT-TTATXH trên địa bàn huyện, xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân các dân tộc, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mông ngày càng được nâng lên.
Tin tưởng rằng, với sự quan tâm lãnh chỉ đạo của huyện ủy, HĐND, UBND huyện, trong thời gian tới đồng bào dân tộc Mông trong huyện sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn hóa mới, tạo động lực đưa dân tộc Mông ngày càng phát triển, chung sức, đồng lòng cùng với các dân tộc anh em khác trong huyện quyết tâm ra sức thi đua lao động sản xuất xây dựng huyện Than Uyên ngày càng giàu đẹp./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế