Hội Văn học - Nghệ thuật Lai Châu: Đoàn kết - sáng tạo - đổi mới - đậm đà bản sắc dân tộc
Thứ tư - 22/11/2017 23:137130
Trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh lần thứ V (2012-2017), Hội đã phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, xây dựng tổ chức Hội ngày càng phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh và sự nghiệp phát triển văn học - nghệ thuật của cả nước.
Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, đặc biệt là quan điểm chỉ đạo “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”. Các cấp Hội đã quan tâm xây dựng hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền cho hội viên nắm vững định hướng sáng tác theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chương trình, kế hoạch của Ủy ban Toàn quốc các Hội Văn học-Nghệ thuật Việt Nam, các hội văn học-nghệ thuật chuyên ngành Trung ương; về vai trò, ý nghĩa của văn học-nghệ thuật trong tình hình mới; tăng cường nắm tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, hội viên. Củng cố, kiện toàn tổ chức Hội (14 đồng chí Ủy viên BCH, 02 đồng chí Thường trực Hội, 01 Chủ tịch, 01 Phó Chủ tịch); hiện Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh có 13 chi hội trực thuộc (07 chi hội cấp huyện; 04 chi hội chuyên ngành Trung ương: văn nghệ dân gian, dân tộc thiểu số, nhạc sỹ, mỹ thuật; 02 chi hội chuyên ngành địa phương: mỹ thuật, nhiếp ảnh); 5 năm qua đã kết nạp mới 48 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên 170.
Hội đã chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chất lượng sáng tạo cho hội viên thông qua việc tổ chức các trại sáng tác, các chuyến đi thực tế, các lớp tập huấn và một số hoạt động khác; kịp thời phát hiện, bồi dưỡng cộng tác viên có khả năng sáng tác làm lực lượng kế cận (đã cử trên 60 lượt hội viên tham dự 03 trại sáng tác do UBTQ Liên hiệp các Hội VH-NT Việt Nam tổ chức; 01 trại sáng tác Mỹ thuật/25 hội viên; 02 trại bồi dưỡng lý luận, nghiệp vụ và phương pháp điền dã sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian/50 hội viên, 60 cộng tác viên; tổ chức hội nghị chuyên đề “Công tác giảng dạy ngữ văn trong trường phổ thông hiện nay” cho 45 giáo viên và học sinh trên địa bàn Thành phố Lai Châu; 21 lớp tập huấn, bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ và đi thực tế sáng tác dài ngày tại cơ sở/300 lượt hội viên, cộng tác viên. Tổ chức cho 25 lượt hội viên tham gia 05 liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc; trên 30 lượt hội viên tham gia 04 triển lãm Mỹ thuật khu vực).
Thực hiện tốt các chế độ chính sách, bảo vệ quyền và lợi ích cho cán bộ, hội viên đảm bảo dân chủ, công khai, công bằng (xét nâng lương thường xuyên cho 13 đồng chí, nâng lương trước thời hạn cho 05 đồng chí); thông báo, tạo điều kiện hội viên tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ kết hợp với thực tế sáng tác dài ngày tại các trại sáng tác và tham gia các cuộc thi sáng tác, triển lãm của Trung ương, địa phương, các tỉnh bạn. 5 năm qua, tỉnh Hội đã đón tiếp 15 đoàn văn nghệ sỹ của Trung ương, các tỉnh đến thăm, làm việc, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm sáng tác, hoạt động; tổ chức cho một số đồng chí Ủy viên BCH, hội viên giao lưu với Hội Văn học-Nghệ thuật, văn nghệ sỹ các tỉnh.
Hoạt động sáng tạo văn học-nghệ thuật tiếp tục có nhiều đổi mới và đạt được kết quả quan trọng. Tạp chí Văn nghệ Lai Châu xuất bản 78.650 cuốn, đăng tải trên 3.200 tác phẩm thơ, nhạc, truyện ngắn, ký, ghi chép văn học, nhiếp ảnh, nghiên cứu, sáng tác dân gian, phê bình văn học, nghệ thuật, mỹ thuật… Lĩnh vực sáng tác văn, thơ có nhiều khởi sắc, đã bám sát hơi thở cuộc sống, nhất là các sự kiện chính trị-xã hội, các sự kiện kỷ niệm để tuyên truyền, cổ vũ (với hàng trăm tác phẩm được công bố), nổi bật là tác giả Hà Mạnh Phong với tập truyện ngắn-tuỳ bút "Chim lang Ló kêu tiếng buồn", Ẩm thực Thái, Truyện thơ Dân tộc Thái. Nhiều tác phẩm âm nhạc đã được giải thưởng, bằng khen của Hội nhạc sỹ Việt Nam, các chuyên ngành Trung ương, tỉnh và được đăng tải trên các Tạp chí Trung ương, địa phương, dàn dựng cho các đội văn nghệ quần chúng biểu diễn trong các ngày lễ lớn, cuộc thi văn nghệ quần chúng. Với gần 20 nhiếp ảnh gia hoạt động chủ yếu ở các cơ quan báo chí, tuyên truyền và các dịch vụ, đã có hàng nghìn bức ảnh được sáng tác, trong đó có nhiều tác phẩm chất lượng tốt, được sử dụng đăng tải trên các báo, tạp chí địa phương, Trung ương (01 hội viên được Hội Nghệ sỹ Nhiếp ánh Việt Nam tặng Huy Chương đồng tại Triển lãm Nhiếp ảnh Khu vực Miền núi phía Bắc năm 2017). Đẩy mạnh việc bảo tồn, phổ biến, giới thiệu văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc (đã hỗ trợ cho 144 lượt tác giả, nhóm tác giả hoàn thiện 144 công trình, tác phẩm sưu tầm, giới thiệu và nghiên cứu di sản văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Thái, Mông, Dao, Lự, Pú Nả (Giáy), Hà Nhì, Si La; các chi hội đã phối hợp với các xã tổ chức 06 lớp truyền dạy cho các câu lạc bộ bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian. Chi hội Mỹ thuật tỉnh (thành lập tháng 2/2017) với 24 hội viên, trong đó có 05 hội viên là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, đã tổ chức nhiều đợt thực tế sáng tác tại huyện Than Uyên, Sìn Hồ, Phong Thổ; nhiều tác phẩm đã tham gia triển lãm và đạt giải cao (tác phẩm “Góc khuất” của Nguyễn Hùng Cường (giải C), tác phẩm “Thiên nhiên chinh phục” của hội viên Cao Sỹ Thăng (giải khuyến khích) tại triển làm Mỹ thuật khu vực III Tây Bắc-Việt Bắc tại Lai Châu).
Vai trò của Hội đồng nghệ thuật Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh đã được phát huy, nhất là trong việc thẩm định, đánh giá các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật đảm bảo khách quan, công minh, chính xác (nhiệm kỳ 2012-2017, Hội đồng nghệ thuật đã 05 lần thẩm định, đánh giá 144 tập bản thảo tác phẩm, công trình của 144 tác giả, nhóm tác giả và trên 140 tác phẩm văn học, nghệ thuật tham gia giải thưởng văn học-nghệ thuật Lai Châu lần thứ 2).
Triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Đề án hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các hội văn học-nghệ thuật địa phương của Chính phủ (đã hỗ trợ cho trên 144 lượt tác giả là hội viên hoàn thiện 144 công trình, tác phẩm thuộc loại hình văn học, bút ký, thơ, âm nhạc, nhiếp ảnh, mỹ thuật, văn nghệ dân gian, trong đó 11 tác phẩm, công trình đã được sửa chữa, hoàn chỉnh, xuất bản, phổ biến), được UBTQ Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật Việt Nam đánh giá là một trong những đơn vị đứng đầu về số lượng và chất lượng tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật được phát hành, phổ biến trong nhiệm kỳ 2012-2017.
Với những nỗ lực, niềm say mê trong hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật, nhiều tập thể, cán bộ, hội viên đã được tặng thưởng các danh hiệu cao quý (Huân chương lao dộng hạng ba: 01 đồng chí, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ: 01 đồng chí, Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh: 02 lượt cá nhân, Bằng khen của UBND tỉnh: 06 lượt cá nhân, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp VH-NT Việt Nam và Bằng khen của UBTQ Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật Việt Nam: 17 cá nhân; Cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh cho Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh, Bằng khen của UBND tỉnh: 06 lượt tập thể, Bằng khen của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cho Chi Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tỉnh Lai Châu./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế