Dự Phiên họp tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Lê Văn Lương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan, lực lượng vũ trang tỉnh.
Trong năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, cả hệ thống chính trị chủ động vào cuộc để phòng chống thiên tai. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo được thực hiện quyết liệt từ sớm, từ xa với phương châm chỉ đạo “Chủ động, quyết liệt, phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất, sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu nhất”. Công tác khắc phục hậu quả thiên tai được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả với tinh thần đại đoàn kết, tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, giúp các gia đình sớm ổn định cuộc sống. Dù vậy, tình hình thiên tai diễn ra hết sức khốc liệt, gây thiệt hại về người và tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của Nhân dân.
Chỉ tính riêng trong năm 2024, thiên tai xảy ra với nhiều loại hình trên khắp các vùng miền trên cả nước: 10 trận bão, 240 trận mưa lớn, ngập úng, lũ, lũ quét, sạt lở đất, 278 trận dông lốc, sét, mưa đá, 409 trận sạt lở và hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long, 472 trận động đất, 4 đợt rét hại, 19 đợt gió mạnh trên biển, 17 đợt nắng nóng… Thiên tai làm 519 người chết, mất tích (gấp hơn 3 lần so với năm 2023) thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 91.622 tỷ đồng (gấp 10 lần so với năm 2023). Riêng từ đầu năm 2025 đến nay, một số đợt thiên tai nghiêm trọng cũng đã xảy ra làm 114 người chết, mất tích; thiệt hại về kinh tế ước tính trên 553 tỷ đồng.
Dự báo thời gian tới, thiên tai có thể xảy ra, do đó cả nước tiếp tục tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai; lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, dự án đầu tư của các bộ, ngành địa phương; xây dựng kế hoạch và phối hợp tổ chức diễn tập đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập; diễn tập đảm bảo an toàn tàu thuyền khi bão đổ bộ. Tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác phòng, chống thiên tai, tăng cường khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, nhất là các khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng đáp ứng yêu cầu trong điều kiện thiên tai ngày càng bất thường, cực đoan. Nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
Tham luận tại Phiên họp, các đại biểu chia sẻ thêm về công tác dự trữ, điều tiết hàng hóa thiết yếu và bình ổn giá sau bão Yagi; công tác đảm bảo an ninh, trật tự và tham gia cứu nạn, cứu hộ trong thiên tai; công tác chỉ đạo đảm bảo an toàn giao thông khi xảy ra thiên tai; nhận định về tình hình thiên tai năm 2025. Đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động gửi thông tin chi tiết về các hoạt động dân sinh, kinh tế, xã hội, các công trình nhạy cảm có khả năng chịu ảnh hưởng của thiên tai trên địa bàn các tỉnh về Cục Khí tượng Thủy văn để kịp thời dự báo, cảnh báo hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành, phòng chống thiên tai. Các địa phương sớm kiện toàn hệ thống tổ chức phòng, chống thiên tai ở cấp cơ sở, đặc biệt tại cấp xã, xác định rõ đầu mối tiếp nhận thông tin dự báo, xử lý và tổ chức lực lượng phản ứng nhanh khi có cảnh báo thiên tai.
Phát biểu tại Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, BCĐ Phòng thủ dân sự quốc gia cần tiếp tục thực hiện tốt trong thời gian tới. Tăng cường phối hợp giữa cơ quan phòng, chống thiên tai, phòng thủ dân sự các cấp với các đơn vị khí tượng thủy văn tại địa phương, bảo đảm thông tin dự báo, cảnh báo được tiếp cận đầy đủ, đúng đối tượng và được sử dụng hiệu quả trong công tác chỉ huy ứng phó. Các địa phương phải bám sát địa bàn, có phương án ứng phó nhanh với mọi tình huống, cung cấp lương thực, thực phẩm cho nhân dân ngay khi cần thiết, báo cáo tình hình kịp thời lên cấp trên. Các cơ quan thông tấn báo chí quan tâm tuyên truyền chính xác, kịp thời về các thông tin, giải pháp ứng phó với thiên tai.