Tham gia buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các sở, ngành: Nội vụ, Tài chính, Công an tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo và phòng chuyên môn Sở Khoa học và Công nghệ; đại diện lãnh đạo và phòng chuyên môn các doanh nghiệp viễn thông…
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ đã báo cáo nhanh một số nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Toàn tỉnh hiện có 5 nhà cung cấp dịch vụ điện thoại bao gồm Vinaphone “VNPT”, Viettel, MobiFone, Vietnamobile và MobiCast. Tính đến ngày 04/7/2025, tổng số thuê bao điện thoại đạt 390.046 thuê bao; thuê bao Internet đạt 57.239 thuê bao gồm hình thức ASDL, xDSL và FTTH; ngoài ra còn có Internet thông qua thiết bị 3G, 4G. Tổng số thiết bị trạm thu phát sóng thông tin di động BTS trên địa bàn tỉnh là 2.021 thiết bị trạm. Tổng số km cáp quang: 15.843 km.
Về cơ bản, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương triển khai nhiều hoạt động thiết thực, phục vụ công tác quản lý, điều hành cũng như thúc đẩy chuyển đổi số. Đảm bảo kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng tới 100% các xã/phường, hỗ trợ triển khai hệ thống hội nghị trực tuyến từ tỉnh đến xã. Các hệ thống phần mềm như quản lý văn bản điều hành, hệ thống dịch vụ công, trung tâm điều hành thông minh... cũng được triển khai và vận hành hiệu quả.
Việc triển khai hạ tầng viễn thông – internet trên địa bàn tỉnh còn khó khăn do điều kiện về địa lý và hạ tầng kỹ thuật ảnh hưởng tới quá trình khảo sát, vận chuyển thiết bị, thi công lắp đặt trạm BTS và kéo cáp quang; mưa lũ, sạt lở thường xuyên làm hư hỏng hạ tầng mạng, đứt gãy đường truyền cáp quang; việc bố trí mặt bằng xây dựng trạm BTS tại các địa phương còn vướng do thiếu quỹ đất; nhân lực kỹ thuật tại chỗ còn thiếu…
Tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp viễn thông, đại biểu các sở, ngành cũng làm rõ một số khó khăn trong quá trình triển khai các biện pháp thúc đẩy chuyển đổi số cũng như thể hiện quyết tâm nỗ lực phối hợp cùng chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số.
Kiến nghị, đề xuất: Cung cấp danh sách hộ nghèo được sử dụng viễn thông công ích; ban hành văn bản để việc lắp đặt các trạm BTS đảm bảo đúng quy định theo hành lang pháp lý; có cơ chế chính sách hỗ trợ người dân thiết bị di động thông minh tại khu vực vùng sâu, vùng xa; đầu tư thêm trang thiết bị đồng bộ để phục vụ nhiệm vụ chuyển đổi số...
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Văn Lương - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, tỉnh còn nhiều khó khăn, trong bối cảnh Trung ương đang quyết liệt chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, Lai Châu cần phải nỗ lực, quyết tâm, khắc phục khó khăn để tổ chức thực hiện. Đối với kiến nghị của các doanh nghiệp viễn thông và các đại biểu giao Văn phòng UBND tỉnh có văn bản giao nhiệm vụ cho cơ quan tham mưu để nghiên cứu, thực hiện ban hành văn bản theo quy định.
Về mặt hạ tầng, giao Sở Khoa học và Công nghệ trao đổi với các đơn vị liên quan có kiến nghị cụ thể với Tập đoàn, Tổng Công ty viễn thông ưu tiên cho tỉnh Lai Châu nội dung này. Về chất lượng mạng, đề nghị Sở cùng với các nhà mạng kiểm tra để cung cấp cho người sử dụng; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường cung cấp danh sách hộ nghèo cho các doanh nghiệp theo đúng quy định. Nghiên cứu để nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã, khắc phục khó khăn về hạ tầng cơ sở, trang thiết bị. Giao Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Tài chính, các xã, phường rà soát, xây dựng đề cương cụ thể về thiết bị, tham mưu phương án đầu tư trang thiết bị đồng bộ nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Giao Văn phòng UBND tỉnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức làm việc tại Trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã; đề nghị các nhà mạng phối hợp với các xã, phường nâng cao chất lượng sóng, chất lượng dịch vụ, phục vụ nhu cầu chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị...