Để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đưa nông nghiệp trở thành kinh tế chủ lực, tận dụng tối đa thuận lợi về diện tích đất đai, nguồn lực lao động tại chỗ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/HU ngày 31/12/2020 về phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định mục tiêu và nhiệm vụ giải pháp, chú trọng hình thành các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung nâng cao giá trị sản phẩm và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Nhằm quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, các xã, thị trấn đã xây dựng và ban hành các căn bản cụ thể hóa việc triển khai thực hiện. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung. Qua đó, tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc chuyển đổi từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung dựa trên điều kiện thế mạnh của từng địa phương. Nâng cao giá trị của các sản phẩm nông nghiệp chủ lực (Mật ong, cà gai leo, cá lồng,.…).
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực vươn lên của người dân trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đến nay, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện đem lại nhiều kết quả tich cực. Hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp tiếp tục được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất nông nghiệp, tăng hiệu suất đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh và địa bàn, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của Nhân dân.
Đã hình thành vùng sản xuất lúa tập trung tại bản Nậm Cầy, xã Nậm Hàng, diện tích 120 ha, đạt 100% so với mục tiêu của Nghị quyết, tổng sản lượng 3,5 năm ước đạt 2.214 tấn (sản lượng năm 2021 là 550 tấn; năm 2022 là 520 tấn, năm 2023 là 520 tấn; 5 tháng năm 2024 là 624 tấn). Tổng doanh thu là 19.926 triệu đồng.
Chăm sóc duy trì các mô hình, dự án trồng cây ăn quả theo hướng hàng hóa. Diện tích cây Xoài 317,29 ha, diện tích cho thu hoạch 142,5ha, năng suất đạt 40tạ/ha, sản lượng đạt 570 tấn; giá trị sản xuất trung bình đạt 40 triệu đồng/ha. Cây Nhãn 30,7ha, năng suất đạt 60 tạ/ha, sản lượng ước đạt 184,2 tấn; giá trị sản xuất trung bình 90 triệu đồng/ha. Cây Dứa 36,6ha, năng suất ước đạt 25 tấn/ha, sản lượng ước đạt 915 tấn; nhân dân tiếp tục nhân rộng trồng dứa tại các xã: Lê Lợi, Nậm Pì, Nậm Hàng để tăng thu nhập, giá trị sản xuất trung bình đạt 125 triệu đồng/ha.
Tiếp tục duy trì, chăm sóc, bảo vệ 2.057,4 ha diện tích cây cao su, diện tích khai thác đến hết tháng 5/2024 là 1.876,6 ha, sản lượng 1.726,4/2.200 tấn khô, đạt 78,47% so với mục tiêu Nghị quyết.
Chăn nuôi được chú trọng phát triển theo hướng tập trung, tốc độ tăng đàn gia súc đạt 4,8/5%, hiện có 29 cơ sở chăn nuôi tập trung. Tổng đàn đại gia súc tính đến tháng 5/2024 đạt 15.066 con, sản lượng thịt hơi trâu, bò xuất chuồng khoảng 678 tấn, giá trị thu nhập trên 32 tỷ đồng. Hình thành 02 cơ sở chăn nuôi lợn quy mô trên 150 con. Đã phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Lai Châu với 525 lồng chủ yếu nuôi cá trắm, chép, rô phi và cá lăng; tổng doanh thu ước đạt khoảng 143.325 triệu đồng; sản lượng cá lồng nuôi đều được các thương lái thu mua, mang đi tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, hiện không có hàng tồn đọng.
Nghề nuôi ong được quan tâm phát triển, có 2.347 thùng, sản lượng đạt trên 10.500 lít/năm, doanh thu đạt trên 9.156 triệu đồng.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đã được các xã đẩy mạnh thực hiện; có 01 cơ sở chế biến cao, túi lọc cà gai leo tại xã Nậm Hàng. Toàn huyện có 12 sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, tham gia sản phẩm OCOP đạt 240% so với mục tiêu Nghị quyết. Có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới Mường Mô, Lê Lợi, Pú Đao; bình quân tiêu chí đạt 11,5 tiêu chí/xã, trong đó: xã Nậm Hàng đạt 14 tiêu chí đang phấn đấu về đích nông thôn mới vào năm 2025; xã Nậm Manh đạt 08 tiêu chí, xã Nậm Chà đạt 08 tiêu chí, xã Nậm Ban đạt 06 tiêu chí, xã Trung Chải đạt 09 tiêu chí, xã Hua Bum đạt 08 tiêu chí, xã Nậm Pì đạt 05 tiêu chí.
Ngoài nguồn lực đầu tư từ nguồn Ngân sách Nhà nước, huyện Nậm Nhùn đã tăng cường kêu gọi, khuyến khích các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện. Hiện tại đã có một số nhà đầu tư như: Tập đoàn Đại Nam Sơn, Công ty cổ phần nông nghiệp và dược liệu Tây Bắc; Viện rau củ quả trung ương; Công ty Cổ phần Quốc tế Xanh Việt Nam….đang đề xuất khảo sát, lập dự án đầu tưvào lĩnh vực trồng rừng, trồng cây dược liệu (cây sâm Lai Châu, Đẳng sâm), trồng cây ăn quả... Hiện Tập đoàn Đại Nam Sơn đang liên kết với người dân trên địa bàn các xã: Nậm Hàng, Pú Đao, Nậm Ban, Trung Chải, Hua Bum trồng cây Đẳng sâm.
Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất đã quy hoạch nhưng chưa được triển khai thực hiện đồng bộ, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích còn thấp, diện tích cây ăn quả đã đầu tư nhưng việc thâm canh còn hạn chế. Vùng sản xuất lúa hàng hóa hiện nay chưa tạo được vùng sản xuất theo chuỗi giá trị cung cầu, chưa có doanh nghiệp, hợp tác xã làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm.
Thời gian tới, để tiếp tục khai thác hiệu quả, hợp lý tiềm năng để thúc đẩy nông nghiệp phát triển cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp kiên trì, thúc đẩy sản xuất cây trồng, vật nuôi theo mục tiêu đã đề ra. Tiếp tục đầu tư hạ tầng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng tập trung; tranh thủ các chính sách hỗ trợ của tỉnh, cùng với đó khuyến khích doanh nghiệp và Nhân dân tiếp tục chủ động đầu tư, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc các loại sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt đối với vùng sản xuất lúa tập trung và các vùng cây ăn quả, tiếp tục mở rộng diện tích để tăng sản lượng, đảm bảo chất lượng, mẫu mã theo quy chuẩn để mở rộng thị trường; khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài địa bàn huyện vào phát triển các dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản. Vận dụng các chính sách hỗ trợ gắn với mỗi xã ít nhất 01 mô hình chăn nuôi để phát triển sản xuất điển hình; tuyên truyền, vận động nhân dân mạnh dạn triển khai các mô hình như: Dê, cừu, ngựa, gia cầm dưới tán rừng….Đồng thời, thực hiện mô hình liên kết mỗi xã một mô hình như Dưa lưới, Ớt, bí… tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển./.