Chính sách kịp thời đến đội ngũ người có uy tín
Huyện Sìn Hồ có 22 xã, thị trấn; dân số hơn 17.800 hộ, có 14 dân tộc cùng sinh sống. Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 90%, trong đó, dân tộc Mông chiếm 33,2%, dân tộc Thái chiếm 29%, dân tộc Dao chiếm 22,6%... Thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số” và các văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh Lai Châu, UBND huyện Sìn Hồ đã ban hành các văn bản hướng dẫn, giao nhiệm vụ cụ thể cho cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn trong tổ chức thực hiện. Giai đoạn 2021- 2025, các ngành chức năng liên quan của huyện và UBND các xã phối hợp rà soát, bổ sung người có uy tín đảm bảo về số lượng và chất lượng. Hiện nay, toàn huyện có 185 người có uy tín, trong đó 182 người nam, 3 người nữ được đề cử với nhiều thành phần dân tộc như: Mông, Dao, Khơ Mú, Mảng, Lự, Kháng... Họ là bí thư chi bộ, trưởng bản, cán bộ hưu trí, già làng, trưởng dòng họ, người sản xuất giỏi, người có chức sắc tôn giáo và các thành phần khác.
Bà Lý Thị Na - Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ cho biết: “Động viên, khích lệ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, huyện chỉ đạo thực hiện tốt chế độ, chính sách theo đúng quy định. Chỉ tính riêng từ năm 2021 đến hết năm 2024, toàn huyện được giao và thực hiện giải ngân gần 1,5 tỷ đồng tổ chức các hội nghị cung cấp thông tin; tổ chức đoàn đi nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh; thăm hỏi, tặng quà dịp lễ, tết, hỗ trợ người có uy tín gặp khó khăn, hoạn nạn… UBND huyện duy trì tổ chức gặp mặt, biểu dương, khen thưởng người có uy tín có thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực”.
Được cấp ủy, chính quyền quan tâm, thăm hỏi kịp thời trong khi ốm đau, nằm viện và chúc tết người có uy tín, hộ đồng bào nghèo và gia đình chính sách tại huyện Sìn Hồ, do đó người có uy tín luôn phát huy vai trò, trách nhiệm, họ là “đầu tàu” bảo đảm sự vận hành của cộng đồng dân cư, là những điển hình tích cực duy trì phong tục, tập quán, ổn định trật tự, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội ở địa bàn dân cư. Ngày 08/4 vừa qua, UBND huyện Sìn Hồ tổ chức Hội nghị gặp mặt, biểu dương người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2025. Tại Hội nghị, 185 người có uy tín được nhận quà, trong đó khen thưởng 19 cá nhân người có uy tín tiêu biểu.
Chủ động trong các phong trào ở cơ sở
Anh Lò Văn Dũng - Trưởng bản Hua Cuổi, xã Nậm Cuổi kể lại: Phía đỉnh đồi sau bản trước đây từng xuất hiện nhiều vết nứt sâu có nguy cơ sạt lở cao, rất nguy hiểm đến tình hình an toàn của bản. Tháng 5/2023, UBND huyện có quyết định phê duyệt phương án bố trí tập trung di chuyển các hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao. Để đảm bảo nhanh tiến độ di chuyển, tôi xác định công tác tuyên truyền, vận động đặc biệt quan trọng, không phải hộ dân nào cũng sẵn sàng di chuyển do tâm lí ngại thay đổi, muốn ở gần khu vực sản xuất và phần nhiều là kinh phí làm nhà. Tôi bàn với cấp ủy bản phát động gia đình đảng viên tiên phong thực hiện trước. Quá trình di chuyển, huy động lực lượng tại chỗ giúp các gia đình tháo dỡ, di chuyển vật liệu và dựng nhà tại nơi ở mới… Nhờ đó, đến tháng 10/2023, các hộ bắt đầu di chuyển và sớm hoàn thành dựng nhà, ổn định cuộc sống. Đến nay, bản Hua Cuổi đã có những dãy nhà ở kiên cố; hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ; điểm trường mới được xây dựng khang trang, phục vụ tốt cho việc dạy và học của các con em tại bản.
Ông Nguyễn Danh Phương - Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh bản Mao Sao Phìn, xã Sà Dề Phìn dù đã ngoài 70 tuổi, cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông vẫn luôn phát huy phẩm chất người lính Cụ Hồ tiên phong đổi mới phương thức sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao; sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, cây giống với hội viên, nhân dân. Ông chủ động chuyển đổi đất nông nghiệp đang trồng lúa và chăn nuôi gia súc, gia cầm hiệu quả thấp sang trồng 2ha đương quy, đan sâm, lộ đẳng sâm… tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động, vào thời vụ cao điểm lên tới 25-30 lao động. Không chỉ bán sản phẩm, ông Phương còn nghiên cứu ươm, gieo thành công cây giống sâm đương quy và bán ra thị trường. Từ hiệu quả mô hình kinh tế của gia đình, ông tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong bản, xã trồng và phát triển vùng cây dược liệu; hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch; thu mua sản phẩm của bà con. Từ đó, hỗ trợ nhiều hộ gia đình có việc làm, tăng thu nhập, góp phần tích cực vào sự thay đổi của bản.
Đánh giá vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021-2025 nêu rõ: Những người có uy tín luôn giữ mối quan hệ chặt chẽ, thường xuyên nắm bắt tình hình an ninh trật tự và động viên nhắc nhở nhân dân trong bản, xã thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham gia phát triển kinh tế, giúp nhau thực hiện xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Tích cực tham gia vận động đồng bào trên địa bàn thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, không để các thế lực thù địch mua chuộc và kẻ xấu lợi dụng, thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình; an ninh trật tự được tăng cường và giữ vững. Cùng cấp ủy, chính quyền địa phương hướng dẫn nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ an ninh trật tự gắn với các phong trào như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; “Thi đua sản xuất kinh tế giỏi, giúp nhau làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo”; Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát. Gương mẫu và nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong gia đình, dòng tộc, cộng đồng nơi cư trú, tích cực vận động đồng bào các dân tộc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình; khuyến khích con cháu phấn đấu được đi học và đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện Sìn Hồ đạt 57,6%. Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực; giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục ở 22 xã. 100% xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế; 98,2% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm còn 5,33%.
Bên cạnh những thành quả đã xây dựng đội ngũ người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Sìn Hồ nhiều năm qua vẫn còn tồn tại một số vấn đề như: Một số cấp ủy, chính quyền xã chưa nhận thức đầy đủ, chưa thấy hết vai trò, vị trí của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số nên chưa quan tâm chỉ đạo thường xuyên thực hiện vai trò của người có uy tín trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự; việc bình chọn người có uy tín ở một số cơ sở vẫn còn nhiều bất cập như: độ tuổi, thành phần dân tộc; phần lớn những người có uy tín đều sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn nên việc tiếp xúc, gặp gỡ chưa thường xuyên, kịp thời...
Để phát huy vai trò, ảnh hưởng của đội ngũ người có uy tín thực sự là những người tiêu biểu, gương mẫu, là “điểm tựa” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm xây dựng, thực hiện đồng bộ các giải pháp như: tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của người có uy tín trong việc phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số; các cấp, các ngành cần sử dụng linh hoạt các hình thức vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trên các lĩnh vực của đời sống xã hội gắn với thực hiện nhiệm vụ tại địa phương; thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách cho người có uy tín, như cập nhật thông tin, tập huấn, bồi dưỡng trang bị kiến thức; thăm hỏi, gặp gỡ, tặng quà nhân các ngày lễ, tết; hỗ trợ vật chất khi ốm đau, gặp khó khăn, hoạn nạn; tham quan học tập kinh nghiệm; biểu dương khen thưởng người có uy tín tiêu biểu... bảo đảm kịp thời, đúng người, đúng chế độ, cần đặc biệt quan tâm bảo vệ người có uy tín và gia đình, không để “phần tử xấu” lợi dụng, lôi kéo; động viên người có uy tín tham gia hoạt động, phát huy vai trò của họ với cộng đồng.