Trong khi cả nước rợp trời cờ đỏ Sao Vàng, tưng bừng tổ chức lễ hội thống nhất, thì trên một số trang mạng phản động, lại xuất hiện những giọng điệu lạc lõng, hằn học. Chúng xuyên tạc rằng: “Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm để khoe khoang, phung phí tiền bạc”, thậm chí còn trắng trợn gọi ngày 30/4 là “ngày quốc hận”. Một số bài viết bịa đặt rằng sự kiện này là “xát muối vào lòng dân tộc”, hay “tát vào mặt người Mỹ”.
Đặc biệt, những thế lực này còn lợi dụng mối quan hệ quốc tế để kích động tâm lý bài Trung, chống Mỹ, xuyên tạc rằng việc có mặt của đại diện tiêu binh Trung Quốc là “bán nước”, rằng chính quyền Mỹ “cay cú” vì Việt Nam tổ chức lễ lớn. Những ngón đòn cũ kỹ ấy không thể đánh lừa được ai, càng không thể cản bước Việt Nam trên hành trình khẳng định bản lĩnh quốc gia trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động.Ngày 30/4/1975 không chỉ là dấu mốc kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mà còn là thắng lợi lịch sử của chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Đại lễ 30/4/2025 đã được tổ chức với quy mô hoành tráng, trang nghiêm, tạo nên không khí đoàn kết, tự hào từ lòng dân đến bạn bè quốc tế. Những màn diễu binh, diễu hành, lễ hội văn hóa - nghệ thuật không chỉ mang tính hình thức mà còn chất chứa nội dung sâu sắc về một dân tộc biết ơn quá khứ, tự tin ở hiện tại, và khát khao chinh phục tương lai.
Bài diễn văn của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi lễ là một điểm nhấn nổi bật. Với tầm nhìn chính trị và chiều sâu lịch sử, Tổng Bí thư khẳng định: “Ngày 30/4 không chỉ là ngày chiến thắng, mà còn là ngày đoàn tụ và hòa hợp dân tộc”, một tuyên ngôn nhân văn, bao dung nhưng không mềm yếu, thể hiện rõ bản lĩnh của một dân tộc đã từng chiến thắng kẻ thù mạnh hơn gấp bội lần bằng tinh thần tự lực, tự cường và đại nghĩa.
Trái ngược với các luận điệu xuyên tạc của thế lực xấu, bạn bè quốc tế từ Mỹ, Pháp, Đức đến các nước láng giềng ASEAN đều gửi thư chúc mừng, cử đại diện tham dự, thậm chí đưa tin nổi bật về không khí Lễ kỷ niệm 30/4 tại Việt Nam. Điều đó thể hiện vị thế ngày càng lớn mạnh của đất nước trên trường quốc tế, cũng là sự thừa nhận khách quan rằng, Việt Nam là quốc gia yêu chuộng hòa bình, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước.
Ngay cả nhiều người Mỹ tiến bộ cũng công khai nhìn nhận cuộc chiến tranh Việt Nam là sai lầm lịch sử, và cảm phục tinh thần bất khuất của Nhân dân Việt Nam. Sức mạnh dân tộc đã kết hợp với sức mạnh thời đại để tạo nên một thắng lợi mang ý nghĩa toàn cầu, thắng lợi của công lý, của phẩm giá con người.
Sự sụp đổ của chính quyền ngụy Sài Gòn như chính ông Nguyễn Tiến Hưng, cựu trợ lý Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu cay đắng thừa nhận không phải do súng đạn, mà do phi nghĩa. Không một chính quyền tay sai nào có thể tồn tại lâu dài khi quay lưng lại với Nhân dân, làm tay chân cho ngoại bang.
Việt Nam hôm nay không sống trong quá khứ nhưng luôn ghi nhớ và biết ơn những người đã ngã xuống cho nền hòa bình, độc lập. Từ lớp người cao niên từng cầm súng giữ nước đến những em thơ trong màu áo đỏ sao vàng đều đang tiếp nối ngọn lửa yêu nước bằng tinh thần kiến tạo, phát triển, đổi mới. Ngày đại lễ 30/4 không chỉ nhắc nhở về một trang sử vàng, mà còn là lời hiệu triệu hành động cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Từ ánh hào quang chiến thắng 1975 đến hào khí 2025, Việt Nam đang từng bước vững chắc tiến tới tương lai hùng cường, khẳng định chân lý lịch sử bằng chính sự phát triển, thịnh vượng và uy tín của mình.Tác giả: CM