Góp ý Hiến pháp: Trách nhiệm, vinh dự của mỗi công dân
Từ ngày 6/5 đến 5/6/2025, cả nước bước vào một sự kiện chính trị - pháp lý có ý nghĩa đặc biệt: lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Không đơn thuần là thủ tục hành chính, đây chính là dịp để khơi dậy mạnh mẽ tinh thần dân chủ, lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm và quyền làm chủ của mỗi người dân Việt Nam.
Lần sửa đổi này tập trung vào hai nhóm nội dung lớn: (1) vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; (2) tổ chức chính quyền địa phương. Dù phạm vi sửa đổi không lớn về số lượng điều khoản, nhưng đều là những vấn đề thiết thân, tác động trực tiếp đến đời sống người dân, đặc biệt là ở cơ sở - nơi vận hành trực tiếp bộ máy nhà nước gắn với đời sống hằng ngày.
Thực tế đã chứng minh, trong bất kỳ bản Hiến pháp tiến bộ nào, quyền tham gia của người dân luôn là nền tảng vững chắc để bảo đảm tính dân chủ và hợp hiến. Chính người dân, những chủ thể đang trực tiếp sống, lao động, sáng tạo ở mọi vùng, miền mới là người hiểu rõ nhất những vấn đề cần điều chỉnh. Góp ý về tổ chức chính quyền, về cách thức tổ chức hành chính hay về vai trò các tổ chức chính trị - xã hội không phải là việc “vĩ mô” xa rời thực tế mà là cách người dân thể hiện trí tuệ, trách nhiệm và tâm huyết xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Mỗi lần sửa đổi Hiến pháp là mỗi lần dân chủ được lan tỏa sâu rộng, nhưng để quá trình đó thực sự đi vào chiều sâu, cần hơn bao giờ hết sự chủ động, tích cực từ cả hai phía: người dân và các cơ quan tổ chức lấy ý kiến.
Theo chỉ đạo của Ủy ban Dự thảo, việc tổ chức lấy ý kiến phải được tiến hành dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, bảo đảm chất lượng, tiến độ và tiết kiệm. Các tầng lớp nhân dân cần được tạo điều kiện thuận lợi nhất để tiếp cận thông tin, thảo luận và bày tỏ quan điểm. Góp ý không chỉ trên diễn đàn chính thức mà cần được lan tỏa qua báo chí, mạng xã hội, các hội nghị chuyên đề, công đoàn, hội đồng hương, nhóm cộng đồng, trường học, doanh nghiệp… Chính đa dạng hóa hình thức sẽ mở rộng không gian cho dân chủ thực chất.
Đặc biệt, góp ý không chỉ dừng lại ở việc "tiếp nhận", mà phải đi kèm "trách nhiệm lắng nghe và phản hồi nghiêm túc". Mỗi ý kiến, dù đến từ ai, thuộc tầng lớp nào đều xứng đáng được xem xét với sự tôn trọng. Người dân có quyền biết ý kiến của mình được tiếp nhận thế nào, có được đưa vào tổng hợp hay không và vì sao.
Một điểm mới nổi bật trong đợt lấy ý kiến lần này là việc sử dụng nền tảng công nghệ số để tiếp nhận góp ý thông qua ứng dụng VNeID. Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Bộ Công an đã thiết lập hệ thống tiện ích trên ứng dụng VNeID từ ngày 6/5/2025, cho phép người dân gửi góp ý trực tuyến đến hết ngày 29/5/2025. Đây là bước tiến quan trọng, hiện thực hóa chuyển đổi số trong quản trị quốc gia, giúp mọi người dân, dù ở thành thị hay nông thôn, miền núi hay biên giới đều có cơ hội bình đẳng tham gia xây dựng Hiến pháp.
Không dừng ở đó, bản cập nhật mới của ứng dụng còn cung cấp toàn bộ nội dung các điều khoản dự kiến sửa đổi để người dân dễ dàng theo dõi, nghiên cứu. Mỗi công dân, chỉ bằng vài thao tác trên điện thoại, đã có thể thực hiện quyền hiến định của mình, điều từng được xem là “xa vời” trong quá khứ, nay trở thành hiện thực trong tầm tay.
Việc sửa đổi Hiến pháp không phải là việc nhỏ. Đây là công việc “thay đổi thiết kế tối cao” của hệ thống pháp lý quốc gia, đòi hỏi sự tham gia trí tuệ, trách nhiệm và đồng thuận cao của toàn xã hội. Một bản Hiến pháp chuẩn mực không thể được hình thành trong phòng kín, mà phải được rèn đúc từ thực tiễn, từ ý chí và nguyện vọng chân chính của Nhân dân.
Lịch sử lập hiến Việt Nam đã cho thấy, mỗi lần lấy ý kiến toàn dân là mỗi lần khối đại đoàn kết được củng cố, lòng tin vào Đảng, vào Nhà nước được nâng lên. Và lần này cũng vậy, là dịp để mỗi người dân không chỉ “được biết”, mà còn “được bàn”, “được quyết định” trên những vấn đề căn cốt của thể chế chính trị - pháp luật đất nước.
Hiến pháp không chỉ là văn bản luật cao nhất, nó còn là biểu tượng của ý chí, nguyện vọng và niềm tin của Nhân dân. Đó là nền tảng cho ổn định chính trị, cho quản trị quốc gia hiệu quả, cho một tương lai phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng.
Góp ý cho Hiến pháp là quyền, nhưng hơn thế nữa, là nghĩa vụ cao cả, là biểu hiện của lòng yêu nước thời đại mới. Mỗi lời góp ý, mỗi dòng phản biện đều là viên gạch góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Hãy góp một lời để làm nên một bản Hiến pháp của thời đại.
Hãy biến đợt góp ý này thành “một cuộc vận động chính trị sâu rộng trong lòng dân”, đúng như tinh thần Nghị quyết đề ra. Hãy để bản Hiến pháp mới không chỉ đúng với thực tiễn hôm nay, mà còn mở đường cho ngày mai. Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, đó là cách tốt nhất để mỗi người dân góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới.