Đảng cộng sản Việt Nam 91 năm lãnh đạo và tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Từ nửa cuối thế kỷ XIX đến những thập niên đầu thế kỷ XX, phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam phát triển mạnh mẽ, liên tiếp nổi dậy chống ách thống trị tàn bạo của chủ nghĩa thực dân, nhưng đều không thành công vì thiếu một đường lối đúng đắn, chưa tập hợp và phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc, thiếu một phương pháp đấu tranh thích hợp và nhất là chưa có được một tổ chức lãnh đạo đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp đấu tranh.
Trong hoàn cảnh lịch sử đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đi tìm con đường giải phóng dân tộc, cứu nước, cứu dân. Từ chủ nghĩa yêu nước truyền thống, Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tìm thấy ở học thuyết cách mạng đó con đường cứu nước đúng đắn. Người đã truyền bá lý luận Mác - Lê-nin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, từng bước chuẩn bị những điều kiện về tư tưởng, lý luận, chính trị và tổ chức để thành lập một đảng cách mạng chân chính. Ngày 3-2-1930 Ðảng Cộng sản Việt Nam được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 tổ chức Đảng trong nước (Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn). Sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam đánh dấu bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam.
Kể từ ngày thành lập đến nay, Ðảng Cộng sản Việt Nam đã kết hợp đúng đắn mục tiêu đấu tranh của phong trào công nhân và phong trào yêu nước, lợi ích giai cấp và lợi ích dân tộc, thật sự là đội tiên phong lãnh đạo của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Với Cương lĩnh chính trị đầu tiên được thông qua tại Hội nghị thành lập Ðảng và các Cương lĩnh tiếp theo, với phương pháp đấu tranh cách mạng thích hợp và sáng tạo, với sức mạnh tổ chức, kỷ luật, năng lực tổ chức thực tiễn và sự chiến đấu ngoan cường, hy sinh anh dũng của nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên, luôn luôn được nhân dân tin yêu, hết lòng bảo vệ, đùm bọc, Ðảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân giành được những thắng lợi vĩ đại có ý nghĩa lịch sử và thời đại.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã xóa bỏ chế độ thuộc địa nửa phong kiến ở Việt Nam, mở ra kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội và cuộc sống của chính mình. Cách mạng Tháng Tám đã huy động được nguồn sức mạnh vĩ đại của toàn dân tộc, quyết đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Ðó cũng là chiến công vĩ đại, là niềm tự hào của Ðảng Cộng sản Việt Nam, một Ðảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc.
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các thế lực thực dân, đế quốc đã quay lại xâm lược nước ta. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập và đã giành thắng lợi vẻ vang trong các cuộc kháng chiến oanh liệt để giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ và mới, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Tiến lên chủ nghĩa xã hội là con đường phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam đã được đề ra từ Cương lĩnh đầu tiên của Ðảng. Ðó là sự lựa chọn đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Ðảng và nhân dân ta - Sự lựa chọn của chính lịch sử. Sau khi miền Bắc được giải phóng năm 1954, Ðảng đã lãnh đạo đưa miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Với chiến thắng lịch sử mùa xuân 1975, đất nước thống nhất, Ðảng lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước. Kế thừa những thành tựu và kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc khi còn chiến tranh, nghiêm khắc nhìn nhận những sai lầm, khuyết điểm trong thực hiện một số chính sách kinh tế - xã hội những năm đầu sau khi nước nhà thống nhất, trải qua nhiều tìm tòi, khảo nghiệm sáng kiến của nhân dân, Ðảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra và lãnh đạo thực hiện đường lối đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc phù hợp với thực tiễn Việt Nam và bối cảnh quốc tế mới. Trải qua 35 năm thực hiên công cuộc đổi mới và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, nền kinh tế Việt Nam đã có bước phát triển nhanh theo hướng thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu và tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Trong suốt quá trình chuyển mình từ một nền kinh tế lạc hậu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường hiện đại định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã vươn lên thành một điểm sáng tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới với nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Nền kinh tế không chỉ tăng trưởng về quy mô mà chất lượng tăng trưởng cũng được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể. Sau giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990), mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm chỉ đạt 4,4%. Giai đoạn 1996-2000, tốc độ tăng GDP đạt 7%. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quyết liệt và quyết tâm cao của Chính phủ, Việt Nam đã từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, biểu hiện ở việc tốc độ tăng GDP bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt mức 6,8%, đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5% đến 7% của kế hoạch 5 năm 2016-2020. Đặc biệt năm 2020 mặc dù bị tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, nhất là nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng Việt Nam vẫn là điểm sáng, là một trong những nước hiếm hoi có tăng trưởng dương trong khu vực và trên thế giới với nền kinh tế vẫn tăng trưởng gần 3%. Đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân được cải thiện đáng kể. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng và an ninh được giữ vững; đối ngoại được mở rộng, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Như Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay”.
Những thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam trong 91 năm qua bắt nguồn từ nhiều nhân tố. Trước hết, là nhờ Cương lĩnh, đường lối và sự lãnh đạo đúng đắn của Ðảng, dựa trên sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn Việt Nam, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là do sự hy sinh, chiến đấu, lao động sáng tạo của toàn dân dưới ngọn cờ lãnh đạo của Ðảng. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trước đây và xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện công cuộc đổi mới hiện nay, Ðảng Cộng sản Việt Nam đã tổng kết những bài học có giá trị lý luận và thực tiễn. Ðó là bài học phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; bài học về phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất; bài học về xây dựng khối liên minh vững chắc giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; bài học về tăng cường xây dựng nhà nước thật sự của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân; bài học về sự sáng tạo trong phương pháp cách mạng; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại và bài học về không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng.
Đảng bộ tỉnh Lai Châu 72 năm lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng địa phương, cần có sự lãnh đạo trực tiếp của một tổ chức đảng, ngày 10/10/1949 Ban Thường vụ Liên khu uỷ 10 quyết định thành lập Ban Cán sự Đảng tỉnh Lai Châu (tổ chức tiền thân của Đảng bộ tỉnh Lai Châu ngày nay). Từ đây, phong trào cách mạng Lai Châu trở thành bộ phận khăng khít với phong trào cách mạng cả nước, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng và Bác Hồ.
Trải qua gần 72 năm lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương, Đảng bộ tỉnh Lai Châu luôn bám sát và quán triệt, vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam vào điều kiện của tỉnh, lãnh đạo Nhân dân các dân tộc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, vừa kháng chiến, vừa xây dựng cơ sở, vừa đánh địch bảo vệ hậu phương, huy động sức người, sức của cho chiến trường, góp phần quan trọng, trực tiếp cùng quân, dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, Đảng bộ, quân và dân Lai Châu vừa đẩy mạnh sản xuất, vừa nêu cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu, đồng thời huy động sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, góp phần cùng quân dân cả nước giành thắng lợi lịch sử mùa Xuân năm 1975, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và làm tròn nghĩa vụ quốc tế với nước bạn Lào.
Bước vào giai đoạn cách mạng mới, Đảng bộ đã lãnh đạo Nhân dân các dân tộc Lai Châu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc vùng biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc; thực hiện công cuộc đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đặc biệt, sau 16 năm chia tách, Lai Châu đã có những bước phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và khá toàn diện; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2004 - 2020 đạt trên 11%/năm. GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt trên 43 triệu đồng. Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, năm 2020 đạt trên 2.000 tỷ đồng, gấp hơn 62 lần so với năm 2004. Tỉnh đã xây dựng và hình thành được một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Chè, cao su, quế, mắc ca... Kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, nước sạch... tiếp tục được quan tâm đầu tư; công tác quản lý quy hoạch đô thị, xây dựng, chỉnh trang đô thị, xây dựng nông thôn mới; đến nay đã có 02 huyện, thành phố, 39 xã trong tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới... Văn hóa - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực; quy mô, chất lượng giáo dục và chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên, kiểm soát, khống chế tốt dịch bệnh, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục - thể thao, thông tin truyền thông được đẩy mạnh. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời; giảm nghèo nhanh, giai đoạn 2015 - 2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4,75%/năm, đến nay tỉnh còn trên 16% hộ nghèo; văn hóa bản sắc các dân tộc được giữ gìn, bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân các dân tộc được cải thiện. Quốc phòng, an ninh và đối ngoại được tăng cường; thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân được xây dựng vững chắc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng.
Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể có nhiều chuyển biến tích cực. Tăng cường công tác đào tạo, luân chuyển cán bộ, đặc biệt coi trọng củng cố tổ chức cơ sở Đảng yếu kém. Chất lượng tổ chức cơ sở Đảng; chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền từng bước được nâng lên. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, góp phần quan trọng vào thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ.
91 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là trong 72 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh đã đưa phong trào cách mạng của Lai Châu đi lên từ không đến có, từ ít đến nhiều, dựng xây lực lượng từ yếu đến mạnh, lãnh đạo cách mạng địa phương đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới của Tổ quốc; từng bước đưa Lai Châu ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, tình trạng kém phát triển, đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng chung của cả dân tộc.
Mừng Đảng quang vinh 91 mùa xuân, trong niềm vui, phấn khởi trước thành công đại hội Đảng bộ các cấp và thành công Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Mỗi chúng ta càng thêm tự hào, giữ vững niềm tin theo Đảng, đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn thách thức, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, quyết tâm xây dựng Lai Châu phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế, xã hội đạt mức trung bình của cả nước./.