Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (sau đâu gọi chung là Luật) được xây dựng dựa trên quan điểm nhằm bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân để lựa chọn và bầu ra những người ưu tú, đại diện cho các tầng lớp nhân dân tham gia trong cơ quan quyền lực nhà nước ở Trung ương và địa phương; nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Phát huy dân chủ, hoàn thiện cơ chế bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; bảo đảm sự phù hợp của Luật với Hiến pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật để công dân thực hiện đầy đủ quyền bầu cử, ứng cử.
Đánh giá, tổng kết thực tiễn qua các cuộc bầu cử và việc thi hành các văn bản pháp luật về bầu cử; sửa đổi, bổ sung, khắc phục những hạn chế, bất cập. Bảo đảm tính kế thừa, trên cơ sở hợp nhất hai văn bản luật hiện hành về bầu cử, luật hoá một số quy định của các văn bản dưới luật liên quan đến hoạt động bầu cử đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn. Bảo đảm phù hợp với thể chế chính trị, điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn về kinh tế - xã hội của đất nước, có tham khảo chọn lọc kinh nghiệm về bầu cử của một số nước.
Luật được Quốc hội khóa XIII thông qua và ban hành ngày 25/6/2015, tại kỳ họp thứ 9. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/09/2015. Luật gồm 10 chương và 98 điều.
Luật quy định về nguyên tắc bầu cử; tuổi bầu cử; tuổi ứng cử; tiêu chuẩn của người ứng cử; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác bầu cử; dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bố đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; đơn vị bầu cử và khu vực bỏ phiếu; Hội đồng bầu cử quốc gia và các tổ chức phụ trách bầu cử địa phương; danh sách cử tri; ứng cử và hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; danh sách người ứng cử; tuyên truyền, vận động bầu cử; nguyên tắc và trình tự bỏ phiếu; việc kiểm phiếu, kết quả bầu cử ở đơn vị bầu cử, bầu cử thêm, bầu cử lại, bầu cử bổ sung, tổng kết bầu cử; xử lý vi phạm về bầu cử…
Để đảm bảo thực hiện thắng lợi cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 vào ngày 22/5/2016, cử tri cần nắm vững và hiểu rõ Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, đặc biệt cần chú ý đến một số điểm mới của Luật:
1. Thẩm quyền quyết định Ngày bầu cử toàn quốc: Quốc hội được trao thẩm quyền quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; quyết định việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội trong thời gian giữa nhiệm kỳ.
2. Số lượng người dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Hội đồng dân tộc của Quốc hội, bảo đảm có ít nhất 18%tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số.
Sáng suốt lựa chọn những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân bầu vào Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 !
3. Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn chủ tịch Ban Chấp hành trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ.
4. Mở rộng việc cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, đang được giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
5. Tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu Quốc hội đã được quy định tại Luật Tổ chức QH, còn tiêu chuẩn đại biểu HĐND quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trên cơ sở các quy định Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức, đơn vị được quyền giới thiệu người ra ứng cử cần đề cao trách nhiệm, giới thiệu những ứng cử viên tiêu biểu, có độ tuổi thích hợp, có đủ tài, đủ đức để cử tri có điều kiện lựa chọn người thực sự xứng đáng làm đại biểu cho mình để bảo đảm chất lượng từng bước nâng cao hơn nữa năng lực, trình độ của đại biểu.
Việc nắm vững Luật sẽ góp phần nâng cao tinh thần làm chủ, ý thức tự giác tham gia bầu cử để lựa chọn và bầu ra những người hội đủ các yêu cầu, tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, uy tín đại diện xứng đáng cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân tham gia vào Quốc hội, HĐND các cấp. Nêu cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh, thái độ tích cực của cử tri trong việc tham gia xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN./.