Ngày 30-6-2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 42-KH/TU triển khai thực hiện Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016 - 2021, với 7 nhiệm vụ cần tập trung thực hiện:
Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp và công tác cải cách tư pháp; chỉ đạo giải quyết những vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Chú trọng phát huy vai trò của tập thể và cá nhân; tăng cường công tác xây dựng Đảng, giáo dục, quản lý, kiểm tra hoạt động của các tổ chức đảng, đảng viên trong hệ thống các cơ quan tư pháp; tiếp tục thực hiện tốt việc lãnh đạo về chính trị, tổ chức; quan tâm lãnh đạo công tác quy hoạch, đào tạo, tuyển chọn, bố trí, sử dụng cán bộ trong cơ quan tư pháp. Thực hiện tốt quy chế phối hợp trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân. Nhất là các bộ luật, luật về lĩnh vực tư pháp được thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Trong đó, việc tuyên truyền, phổ biến Bộ Luật Hình sự; Bộ Luật Tố tụng hình sự; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật thi hành tạm giữ, tạm giam thực hiện khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành. Tập trung, phối hợp thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp giai đoạn 2016 - 2020; các quy định, chính sách mới trong các luật, bộ luật được Quốc hội thông qua. Tăng cường đưa tin, tuyên truyền các phiên tòa mẫu về hoạt động tranh tụng, phiên tòa xét xử lưu động. Các phương tiện thông tin đại chúng phát huy vai trò, chú trọng phát hiện, đưa tin kịp thời, chính xác, khách quan những tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật và các vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp.
Triển khai thi hành hiệu quả các bộ luật, luật về lĩnh vực tư pháp, nhất là luật hình sự, dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp; tham gia xây dựng pháp luật. Các cấp, các ngành, đặc biệt là các cơ quan tư pháp tiếp tục nghiên cứu, tham gia ý kiến có chất lượng vào việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật; tham gia ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khi có yêu cầu. Thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất cấp có thẩm quyền xây dựng sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với thực tiễn.
Kiện toàn bộ máy và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức bổ trợ tư pháp, các cơ quan tư pháp. Tiếp tục phát triển đội ngũ luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư hoạt động trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện để luật sư tham gia đầy đủ các giai đoạn tố tụng, góp phần đáp ứng yêu cầu tranh tụng công khai, dân chủ tại phiên tòa cải cách tư pháp. Quan tâm củng cố các tổ chức giám định tư pháp theo quy định của Luật Giám định tư pháp năm 2012 nhằm đáp ứng yêu cầu phát hiện, điều tra tội phạm, nhất là đối với tội phạm ma túy, tội phạm giết người. Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020”, ưu tiên việc xã hội hóa hoạt động công chứng, thành lập Văn phòng công chứng ở một số địa bàn đáp ứng được yêu cầu theo quy định. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, bảo đảm các tổ chức công chứng hoạt động đúng pháp luật, bình đẳng, có hiệu quả, đáp ứng kịp thời các yêu cầu của xã hội.
Củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp theo đúng quy định. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cơ quan tư pháp có đủ bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất, đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn giỏi và tinh thần đấu tranh bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, đấu tranh chống mọi biểu hiện tiêu cực. Thực hiện tốt công tác điều động, luân chuyển cán bộ, tăng cường cán bộ cho các cơ quan tư pháp cấp huyện. Phấn đấu đến năm 2020, 100% cán bộ có chức danh tư pháp được tuyển chọn và bổ nhiệm đủ, được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị, cơ bản đáp ứng các yêu cầu thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp.
Cơ quan điều tra đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác phát hiện, điều tra, khởi tố các loại tội phạm xảy ra trên địa bàn tỉnh; hoạt động điều tra phải tôn trọng sự thật, được tiến hành khách quan, toàn diện và đầy đủ; xử lý kịp thời các tố giác, tin báo tội phạm, phát hiện chính xác, nhanh chóng mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.
Viện kiểm sát nhân dân tiếp tục thực hiện tốt việc kiểm sát, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đảm bảo mọi hành vi phạm tội, người phạm tội phải được phát hiện, khởi tố, điều tra, xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm; hạn chế số vụ án trả hồ sơ để điều tra bổ sung, đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì lý do chủ quan; nâng cao chất lượng thực hiện quyền công tố tại phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp.
Tòa án nhân dân hai cấp tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xét xử các vụ án, hạn chế thấp nhất án bị hủy, cải sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán; đẩy mạnh tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng xét xử và chất lượng tranh tụng đáp ứng các quy định mới trong các luật tố tụng; tăng cường xét xử lưu động tại địa bàn xảy ra tội phạm, kết hợp xét xử với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân; thực hiện tốt công tác thi hành án hình sự; nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa theo hướng thực chất, dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật.
Cơ quan thi hành án dân sự đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự; nghiên cứu xây dựng quy chế phối hợp với các cơ quan liên quan để tăng cường phối hợp nhằm thi hành nhanh chóng, dứt điểm các vụ, việc; giảm mạnh số lượng án tồn đọng; xem xét áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với những trường hợp cố ý chây ì, chống đối; quản lý chặt chẽ tiền và tài sản trong công tác thi hành án dân sự.
Tăng cường hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp. Triển khai thực hiện tốt Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn đối với haotj động của các cơ quan tư pháp, trường hợp đặc biệt cần có nghị quyết riêng sau khi nghe báo cáo và trả lời chất vấn; tăng cường giám sát việc chấp hành pháp luật của cơ quan và người đứng đầu các cơ quan tư pháp, trọng tâm là giám sát hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tích cực vận động Nhân dân tham gia phát hiện, kiến nghị khắc phục những sai phạm, hạn chế trọng hoạt động của các cơ quan tư pháp, cán bộ có chức danh tư pháp, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp.
Làm tốt công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân (ảnh: BLC)
Các cấp, các ngành chủ động đề xuất ngành dọc cấp trên sớm giao kinh phí đầu tư xây dựng trụ sở các cơ quan tư pháp (Viện Kiểm sát, Tòa án, Thi hành án dân sự) tại huyện Tân Uyên và Nậm Nhùn; xây dựng kho vật chứng tại các huyện Mường Tè, Nậm Nhùn, Sìn Hồ, Tam Đường, Than Uyên, Tân Uyên đảm bảo đúng quy định; sửa chữa, nâng cấp nhà tạm giữ của công an các huyện, thành phố bảo đảm đạt chuẩn quy định; trang cấp thiết bị, phương tiện làm việc bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch trong hoạt động tư pháp, đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp; tổ chức thực hiện tốt các điều ước quốc tế mà nước ta ký kết hoặc gia nhập. Tăng cường phối hợp chung giữa các cơ quan chức năng trong hoạt động phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm có yếu tố quốc tế và khủng bố quốc tế. Đề cao tinh thần cảnh giác phòng, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch./.