Lai Châu tích cực xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị
Thứ bảy - 11/11/2017 02:251.8960
Đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị là cơ sở để xây dựng tổ chức bộ máy đồng bộ, tinh gọn, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức với số lượng hợp lý, có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới.
Quán triệt và thực hiện Kết luận số 64-KL/TW, ngày 28/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Tỉnh ủy đã ban hành các kế hoạch, kết luận thực hiện: Kết luận số 64-KL/TW; Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; chủ trương sắp xếp, bố trí tổ chức bộ máy của một số cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh và 2 nghị quyết chuyên đề về xây dựng đội ngũ cán bộ, công tác cán bộ và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở; các quy định về chức năng, nhiệm vụ các đơn vị trực thuộc cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy. UBND tỉnh đã kịp thời tổ chức triển khai, cụ thể hóa các văn bản liên quan, xây dựng kế hoạch sắp xếp lại tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện; quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức các cơ quan, đơn vị; cụ thể hóa các quy định về cán bộ, công chức cấp xã đảm bảo sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh.
Thực hiện các nghị quyết, kết luận, hướng dẫn của Trung ương về công tác quy hoạch cán bộ, Tỉnh ủy lãnh đạo cấp ủy các cấp, các sở, ban, ngành, đoàn thể căn cứ kết quả đánh giá cán bộ hàng năm và phương hướng cơ cấu nhân sự cán bộ, xây dựng quy hoạch cán bộ đồng bộ ở cả ba cấp (tỉnh, huyện, xã), lấy quy hoạch cấp dưới làm cơ sở cho quy hoạch cấp trên; quy trình thực hiện công tác quy hoạch cán bộ được tổ chức thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đúng nguyên tắc và thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ. Việc quy hoạch cấp ủy tỉnh, huyện đảm bảo về số lượng nguồn đưa vào quy hoạch từ 1,5 - 2 lần so với cấp uỷ đương nhiệm (riêng cấp xã đạt 1,3 lần); có cơ cấu phù hợp, đồng bộ giữa các ngành, các cấp, đảm bảo tính kế thừa ở các độ tuổi và liên tục trong đội ngũ cán bộ; hàng năm kịp thời bổ sung quy hoạch theo quy định, đảm bảo chất lượng, số lượng, tỷ lệ nữ, tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiếu số (nhiệm kỳ 2015-2020, cấp tỉnh: BCH Đảng bộ tỉnh 86; BTV Tỉnh ủy 27; các chức danh: Bí thư Tỉnh ủy 03, Phó Bí thư Tỉnh ủy 03, Chủ tịch HĐND tỉnh 03, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh 04; Chủ tịch UBND tỉnh 03, Phó Chủ tịch UBND tỉnh 15; Phó Trưởng đoàn ĐBQH 04; trưởng ngành cấp tỉnh 163, phó trưởng ngành cấp tỉnh 226. Cấp huyện: ban chấp hành 516; ban thường vụ 197; các chức danh: bí thư 37, phó bí thư 39, chủ tịch HĐND 26, phó chủ tịch HĐND 20; chủ tịch UBND 26, phó chủ tịch UBND 68. Cấp xã: ban chấp hành 1720; ban thường vụ 669; bí thư 302; phó bí thư 368; chủ tịch HĐND cấp xã 300; chủ tịch UBND cấp xã 300). Chỉ đạo sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế các cơ quan tham mưu giúp việc, đơn vị sự nghiệp của cấp ủy theo đúng quy định (thực hiện giảm 6 phòng, ban trực thuộc các cơ quan tham mưu, giúp việc, sự nghiệp của Tỉnh ủy so với số lượng khung tối đa).
Nâng cao chất lượng ban hành các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch, đề án sát thực tiễn, có tính khả thi cao, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, có sự phân công cụ thể trách nhiệm cho cấp ủy viên, tổ chức đảng, các cấp, các ngành, nhất là vai trò, trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc tổ chức thực hiện; thường xuyên nắm tình hình cơ sở, kịp thời phát hiện những vấn đề mới, khó khăn nảy sinh từ thực tiễn để chỉ đạo; chú trọng sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình, rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Đổi mới nội dung, phương pháp kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng sát với yêu cầu nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng; kết hợp công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với kiểm tra, thanh tra của Nhà nước và giám sát của Nhân dân; chú trọng kiểm tra, giám sát việc cụ thể hóa, thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng, kịp thời kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm; thực hiện đồng bộ kỷ luật đảng với kỷ luật hành chính.
Kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc, quy định về mối quan hệ lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với hoạt động của hệ thống chính trị đảm bảo thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt của Đảng; nội dung quy chế làm việc đã xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân; đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; quy định về mối quan hệ công tác giữa cấp ủy cấp trên với cấp ủy cấp dưới, với các cơ quan trong hệ thống chính trị; đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của cấp ủy các cấp đối với hệ thống chính trị và giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng bộ cơ sở từng bước được nâng lên; nội dung, phương thức lãnh đạo của cấp ủy dần được đổi mới; cơ bản duy trì nền nếp, chế độ hoạt động của cấp ủy, ban thường vụ, thường trực cấp ủy; lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, toàn diện, khắc phục biểu hiện bao biện làm thay hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng (hiện nay đảng bộ cơ sở có 66/108 xã, phường, thị trấn có chi bộ cơ quan).
Triển khai thực hiện mô hình bí thư (phó bí thư) cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND các cấp; bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy, từng bước khắc phục hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhất là cấp phó, tạo sự thống nhất giữa chủ trương, nghị quyết của cấp ủy với hoạt động của chính quyền các cấp; bộ máy gọn nhẹ, tinh giản biên chế, tiết kiệm được một phần ngân sách, phù hợp với chủ trương cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức (nhiệm kỳ 2011-2016 toàn tỉnh có 7 xã, thị trấn thực hiện mô hình bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND; nhiệm kỳ 2016-2021, tỉnh đang thực hiện mô hình Phó Bí thư Tỉnh ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND tỉnh; 5/8 huyện, thành phố thường trực cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND: bí thư kiêm 01, phó bí thư kiêm 04; 49 xã, phường, thị trấn thường trực cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND cấp xã: bí thư kiêm 20, phó bí thư kiêm 29). Thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương (cấp tỉnh: Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Chánh án TAND tỉnh, Viện trưởng VKSND tỉnh; cấp huyện: 7/8 bí thư, 7/8 chủ tịch UBND, 8/8 trưởng công an, 8/8 chánh án TAND, 6/8 viện trưởng VKSND không phải là người địa phương).
Cơ cấu tổ chức chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở được thành lập đảm bảo số lượng tổ chức theo quy định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, tránh chồng chéo, hoạt động có hiệu quả và hiệu lực (tính đến 31/5/2013 thực hiện giảm 7 tổ chức, đơn vị thuộc UBND tỉnh và các sở, ban, ngành tỉnh; tăng 5 tổ chức, đơn vị, trong đó: 1 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, 1 phòng thuộc sở, 3 tổ chức hội cấp tỉnh không giao biên chế do thành lập mới theo yêu cầu nhiệm vụ). Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế của các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập Nhà nước trên địa bàn tỉnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương; kịp thời khắc phục tình trạng chồng chéo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị và giữa các phòng trực thuộc.
Tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngành tòa án, viện kiểm sát theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp (Tòa án nhân dân tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện có 138 biên chế; toàn ngành kiểm sát có 168 biên chế, trong đó cấp huyện 89 biên chế).
Rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy của Mặt trận Tổ quổc và các đoàn thể chính trị-xã hội cấp tỉnh, huyện đảm bảo theo đúng quy định của Trung ương, không vượt quá khung quy định (cấp tỉnh đã thực hiện giảm 04 phòng, ban và tương đương so với số lượng khung tối đa). Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội từ tỉnh đến cơ sở đúng chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác theo quy định và phù hợp yêu cầu thực tiễn.
Thực hiện các nghị định của Chính phủ, thông tư, hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo, ban hành kế hoạch xây dựng Đề án vị trí việc làm; thực hiện nghiêm túc việc tinh giản biên chế (Bộ Nội vụ đã phê duyệt tinh giản 132 biên chế); đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức và cải cách tiền lương (thực hiện cơ chế tự chủ tại các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập); quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức gắn với quy hoạch cán bộ (từ năm 2013 đến nay đã cử đi đào tạo chuyên môn: tiến sĩ 06, thạc sĩ 172, đại học 321; lý luận chính trị: cao cấp 505, trung cấp 3429; bồi dưỡng quản lý nhà nước chương trình chuyên viên cao cấp 27, chuyên viên chính 195). Công tác luân chuyển cán bộ đảm bảo thận trọng, chặt chẽ, công khai, dân chủ, đúng quy trình; từng bước trẻ hóa đội ngũ cán bộ, tăng dần tỷ lệ cán bộ là người dân tộc, cán bộ nữ trong diện quy hoạch, phục vụ hiệu quả công tác nhân sự đại hội đảng bộ các cấp, bầu cử Hội đồng nhân dân, bầu cử các đoàn thể và bổ nhiệm cán bộ khi có nhu cầu (từ năm 2013 đến nay luân chuyển trong toàn tỉnh 180 đồng chí, trong đó: tỉnh về huyện 15, huyện về tỉnh 10, ngành sang ngành 10, huyện sang huyện 02, huyện xuống xã 73, xã lên huyện 32, ngang cấp xã 38).
Công tác bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử được thực hiện nghiêm túc đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình theo quy định; đáp ứng được yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, cơ quan, đơn vị, phù hợp với năng lực, sở trường của cán bộ và yêu cầu nhiệm vụ chính trị (từ năm 2013 đến nay bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử trong toàn tỉnh 835 đồng chí, trong đó: cán bộ diện BTV Tỉnh ủy quản lý 78, trưởng phòng và tương đương 263, phó trường phòng và tương đương 494). Ban hành và thực hiện hiệu quả một số chính sách khuyến khích phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, thu hút nhân tài về công tác tại tỉnh (từ năm 2013 đến 31/12/2016 thu hút 12 người có trình độ chuyên môn cao về công tác tại tỉnh). Thực hiện việc tuyển dụng công chức, viên chức đảm bảo quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật, công khai, minh bạch trong tất cả các khâu (từ năm 2013-2016 tuyển dụng tổng số 1.060 người).
Tuy nhiên, việc đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị trên địa tỉnh vẫn còn một số hạn chế cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục đó là: tổ chức bộ máy của một số cơ quan, tổ chức chưa thật tinh gọn, chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tiễn; chức năng, nhiệm vụ chưa thực sự rõ ràng, còn có việc chồng chéo, bất cập. Việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức theo chuyên môn, vị trí việc làm ở một số cơ quan, đơn vị chưa phù hợp. Công tác nhận xét, đánh giá cán bộ ở một số nơi còn hình thức, chưa thực chất; một số cơ quan, tổ chức thực hiện công tác quy hoạch cán bộ còn khép kín, chưa đảm bảo yêu cầu về độ tuổi, giới tính, dân tộc, chất lượng quy hoạch còn hạn chế. Trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tinh thần, trách nhiệm, thái độ phục vụ chưa cao…nhằm xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế