Sinh hoạt chi bộ giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên; qua đó, nâng cao chất lượng đảng viên, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, trở thành hạt nhân chính trị ở cơ sở. Nhận thức được điều đó, những năm qua, nhiều cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên trên địa bàn toàn tỉnh luôn coi việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là nhiệm vụ thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng. Duy trì nền nếp chế độ sinh hoạt chi bộ, tích cực đổi mới cách làm, phương thức, nội dung sinh hoạt,... từ đó, từng bước khắc phục tính đơn điệu, hình thức trong sinh hoạt chi bộ. Đặc biệt, đa số các chi bộ đã quan tâm nhiều hơn đến tổ chức sinh hoạt chuyên đề, với các nội dung sát thực tiễn công việc và hình thức, phương pháp tổ chức hợp lý. Từ đó, nâng cao nhận thức chính trị, năng lực thực tiễn và ý thức, trách nhiệm của từng đảng viên; tăng cường năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng để hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị.
Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn nhiều chi bộ chưa chấp hành nghiêm túc nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, chế độ sinh hoạt định kỳ chưa được duy trì thường xuyên. Nội dung sinh hoạt chi bộ ở một số nơi còn nghèo nàn, đơn điệu, thiếu hấp dẫn, nặng về công tác chuyên môn và thông báo tình hình. Nhiều chi bộ ở các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp chưa thể hiện rõ vai trò lãnh đạo, giáo dục và tính chiến đấu; thiếu tinh thần tự phê bình và phê bình, chưa chủ động phát hiện, đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đảng viên. Đặc biệt, không ít cấp ủy, chi bộ còn coi nhẹ công tác chính trị, tư tưởng, chưa thể hiện tốt vai trò lãnh đạo, quản lý, giáo dục và giám sát đảng viên; việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng chưa trở thành nội dung thường xuyên trong sinh hoạt chi bộ. Làm giảm tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu và sự đoàn kết, vững mạnh của chi bộ.
Nguyên nhân một phần do nhận thức của một số cấp ủy và một bộ phận đảng viên cùng với trình độ, năng lực, trách nhiệm trong tổ chức sinh hoạt chi bộ của một số bí thư chi bộ còn hạn chế. Nhưng chủ yếu là do thiếu sâu sát, thiếu sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ của một số cấp ủy; chưa quan tâm hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng cơ sở, quản lý, phân công nhiệm vụ cho đảng viên còn hạn chế; thiếu kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về sinh hoạt chi bộ, xử lý chi bộ, đảng viên vi phạm chưa nghiêm.
Để khắc phục những hạn chế, tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong tình hình mới, Ngày 22/9/2017 Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 18-KL/TW; ngày 06/3/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 135-KH/TU thực hiện Kết luận của Ban Bí thư, trong đó yêu cầu:
Các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện đúng Điều lệ Đảng, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị về xây dựng Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng. Qua đó, tạo sự thống nhất, nâng cao nhận thức của từng cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên về vị trí nền tảng, vai trò hạt nhân chính trị của tổ chức cơ sở đảng và của chi bộ.
Thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng chi ủy viên. Lựa chọn nhân sự chi ủy, bí thư, phó bí thư chi bộ phải thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; có năng lực thực tiễn, uy tín trong chi bộ, công chức, viên chức, trong nhân dân; có sức khỏe và điều kiện tham gia các hoạt động của chi bộ và công tác xã hội. Tiếp tục rà soát, củng cố, kiện toàn, sắp xếp tổ chức cơ sở đảng đồng bộ, thống nhất với các tổ chức trong hệ thống chính trị, đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng, nhất là ở cơ sở. Kiện toàn cấp ủy cơ quan theo hướng bí thư chi bộ là thủ trưởng hoặc thành viên lãnh đạo cơ quan, đơn vị để đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất. Đẩy mạnh thực hiện bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản, tổ dân phố. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, kỹ năng xử lý tình huống, năng lực quán triệt và cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên cho đội ngũ chi ủy viên, trước hết là bí thư chi bộ.
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt theo Điều lệ Đảng. Nội dung sinh hoạt phải đảm bảo đúng nguyên tắc về tổ chức và sinh hoạt Đảng; tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu. Thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; đảng viên là lãnh đạo, quản lý phải thực sự gương mẫu trong sinh hoạt để mọi người noi theo; nâng cao ý thức tổ chức, kỷ luật; đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình; kịp thời quán triệt, phổ biến các nghị quyết, chỉ thị và sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình thời sự trong tỉnh, trong và ngoài nước cho đảng viên; tập trung thảo luận và giải quyết những vấn đề cụ thể, thiết thực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của chi bộ, đồng thời phân công nhiệm vụ cho phù hợp với khả năng của đảng viên.
Thường xuyên phân công cấp ủy viên, cán bộ của các ban cấp ủy dự, theo dõi, hướng dẫn sinh hoạt của các chi bộ cơ sở (ảnh: BLC)
Phân công cấp ủy viên, cán bộ của các ban cấp ủy dự, theo dõi, hướng dẫn sinh hoạt của các chi bộ trong đảng bộ cơ sở mình; quan tâm củng cố, giúp đỡ các chi bộ nông thôn vùng khó khăn, chi bộ còn yếu kém, chi bộ trong doanh nghiệp nhà nước. Định hướng nội dung sinh hoạt chuyên đề hằng năm; đưa nội dung tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào sinh hoạt định kỳ của chi bộ. Cung cấp đầy đủ, kịp thời tài liệu sinh hoạt chi bộ hằng tháng; định hướng nội dung sinh hoạt phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Quy định trách nhiệm của đảng viên trong việc chấp hành chế độ sinh hoạt Đảng và thực hiện nhiệm vụ được chi bộ phân công; trách nhiệm của chi ủy, bí thư chi bộ trong việc duy trì và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Ban hành tiêu chí đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ, làm cơ sở để các chi bộ phấn đấu, cấp ủ cấp trên kiểm tra, giám sát. Xác đính rõ việc chấp hành chế độ sinh hoạt và nâng cao chất lượng sinh hoạt của chi bộ là tiêu chí đánh giá, phân loại chất lượng chi bộ, đảng viên hằng năm.
Tập trung làm tốt phát triển đảng viên, nhất là ở nông thôn, nơi có ít đảng viên, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các doanh nghiệp tư nhân, quan tâm phát triển đảng viên là chủ doanh nghiệp; thống nhất với chủ doanh nghiệp tạo điều kiện cho đảng viên thực hiện tốt chế độ sinh hoạt đảng theo quy định. Tập trung rà soát trưởng thôn, bản, tổ dân phố chưa phải là đảng viên đề hằng năm có kế hoạch bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp vào Đảng, phấn đấu trên năm 2020 có trên 80% trưởng thôn, bản, tổ dân phố là đảng viên.
Chú trọng nhân rộng mô hình sinh hoạt chi bộ tốt; xây dựng kế hoạch và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện mô hình sinh hoạt chi bộ mẫu; định kỳ hằng năm sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ để bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp cho năm tới. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nhất là việc chấp hành chế độ sinh hoạt và thực hiện nhiệm vụ của cấp ủy viên, cán bộ khi được phân công theo dõi, dự sinh hoạt chi bộ; việc thực hiện quy định về trách nhiệm của chi ủy, bí thư chi bộ trong việc duy trì và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; gắn kiểm tra, giám sát tổ chức đảng với kiểm tra, giám sát cấp ủy viên và người đứng đâì cấp ủy. Kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, khuyết điểm và xử lý nghiêm túc các trường hợp vi phạm./.