Sau khi Ban Bí thư Trung ương ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW, cùng với lãnh đạo, quán triệt Chỉ thị, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 33-CT/TU, ngày 28/02/2008 “về việc tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”; Đề án "Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết của Đảng"; Đề án “Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tư tưởng của Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2016 - 2020”.
Quán triệt sâu sắc các chủ trương của Trung ương và của Tỉnh ủy về công tác tư tưởng nói chung, công tác tuyên truyền miệng nói riêng, các cấp ủy Đảng trong tỉnh thường xuyên củng cố, kiện toàn và bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, chú trọng việc lựa chọn, xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên theo hướng tinh gọn, chất lượng và hướng về cơ sở. Hiện nay, tỉnh có 04 đồng chí báo cáo viên cấp Trung ương; 49 đồng chí báo cáo viên cấp tỉnh; 552 báo cáo viên cấp huyện, trên 850 báo cáo viên, tuyên truyền viên của MTTQ, các đoàn thể và các ngành; 2.951 báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở, hàng nghìn cộng tác viên hoạt động trên nhiều lĩnh vực.
Cùng với đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã có những hình thức thiết thực tham gia công tác tuyên truyền miệng. Nhiều nơi thực hiện phương châm huyện nắm thôn bản, xã nắm hộ dân; phân công nhiệm vụ cho đảng viên phụ trách các hộ dân, tiếp cận từng đối tượng cụ thể để tuyên truyền vận động việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... Đặc biệt là đã đề cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là những đồng chí giữ vai trò chủ chốt cấp ủy, chi bộ, thôn, bản, khu phố trong công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục quần chúng nhân dân nơi cư trú.
Các cấp ủy Đảng thường xuyên quan tâm đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác báo cáo viên, tuyên truyền miệng. Thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các ngành thực hiện nghiêm Quy định về chế độ cung cấp thông tin phục vụ công tác tuyên truyền miệng của Đảng; ngành Tuyên giáo của tỉnh chủ động biên tập thông tin thế giới, trong nước và của tỉnh để đưa vào cung cấp cho báo cáo viên hằng tháng; đặt và cung cấp Tạp chí báo cáo viên của Ban Tuyên giáo Trung ương cho đội ngũ báo cáo viên của tỉnh. Biên tập, phát hành nhiều tài liệu quan trọng, thiết thực phục vụ đội ngũ báo cáo viên nghiên cứu và tuyên truyền.
Duy trì tốt việc tổ chức hội nghị báo cáo viên định kỳ hằng tháng (trong 10 năm đã tổ chức 108 hội nghị báo cáo viên cấp tỉnh, cho 7.439 lượt người, trong đó có hội nghị trực tuyến của Trung ương). Ở cấp huyện và tương đương, duy trì tổ chức hội nghị báo cáo viên tối thiểu 2 tháng/01 hội nghị; từ năm 2015 đến nay duy trì tổ chức 01 hội nghị/tháng. Nội dung các hội nghị tập trung tuyên truyền, giải thích, làm rõ những vấn đề lớn trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; việc thực hiện các chỉ thị của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; những vấn đề thời sự trong nước và quốc tế nổi bật được cán bộ, đảng viên và Nhân dân quan tâm; về tình hình an ninh chính trị, những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch...; những nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương cần phải có sự tập trung, thống nhất cao như: Xóa đói giảm nghèo, di dân tái định cư các công trình thủy điện, phát triển các loại cây công nghiệp (cao su, chè, quế...), xây dựng nông thôn mới...
Hoạt động đối thoại, giao lưu giữa cấp ủy, chính quyền với các tầng lớp nhân dân được quan tâm tổ chức
Để nâng cao chất lượng tổ chức hội nghị báo cáo viên và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức 02 Hội nghị Báo cáo viên Trung ương khu vực phía Bắc tại tỉnh, qua đó tạo điều kiện cho đội ngũ báo cáo viên của tỉnh được giao lưu, học tập kinh nghiệm nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền miệng. Đồng thời, tổ chức được 02 hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi; 01 hội thi báo cáo viên giỏi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; 01 hội thi báo cáo viên giỏi tuyên truyền nghị quyết của Đảng. Bên cạnh đó một số cấp ủy Đảng, ngành, tổ chức chính trị - xã hội duy trì việc tổ chức Hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi.
Việc tổ chức hội nghị báo cáo viên các cấp đã có sự đổi mới về hình thức, phương pháp, ngày càng đảm bảo chất lượng, hiệu quả hơn. Chú trọng mời báo cáo viên chuyên sâu theo ngành, lĩnh vực; tập trung quán triệt những nội dung trọng tâm, cốt lõi trong từng chuyên đề; nắm bắt nhu cầu thông tin, giải đáp thắc mắc... Nhiều địa phương, đơn vị đã có những cách làm sáng tạo, hiệu quả trong tổ chức hội nghị báo cáo viên và hoạt động tuyên truyền miệng, nhất là việc tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng và thông tin thời sự. Đội ngũ báo cáo viên đã chủ động nghiên cứu, tìm hiểu thực tiễn, bổ sung, làm phong phú thêm nguồn tư liệu phục vụ hoạt động tuyên truyền miệng. Đồng thời, đã kết hợp phương pháp truyền thống (thuyết trình) với các phương tiện kỹ thuật hiện đại, trình chiếu bằng hình ảnh, góp phần tạo sự hấp dẫn, nâng cao tính thuyết phục, hiệu quả trong công tác tuyên truyền miệng.
Cùng với nâng cao chất lượng tổ chức hội nghị báo cáo viên, hoạt động đối thoại, giao lưu giữa cấp ủy, chính quyền với các tầng lớp nhân dân từng bước được quan tâm tổ chức, thông qua các buổi làm việc ở cơ sở, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, đối thoại trực tiếp... Thường trực các đảng bộ trực thuộc tỉnh tổ chức giao ban định kỳ hằng quý với bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác Mặt trận, cán bộ thôn, bản, tổ dân phố. Tại hội nghị báo cáo viên cấp tỉnh đã tổ chức giao ban công tác tư tưởng, phản ánh đầy đủ tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp tham mưu giải quyết kịp thời. Qua đó, đã có sự trao đổi thông tin hai chiều, trực tiếp giải đáp một số vấn đề về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của tỉnh, địa phương, cũng như lắng nghe, giải quyết kịp thời những vấn đề còn bức xúc trong nhân dân, định hướng kịp thời dư luận, không để xảy ra điểm nóng, phức tạp trong nhân dân.
Thường xuyên chỉ đạo, định hướng tư tưởng, chính trị đối với thông tin báo chí, dư luận xã hội; giao cho ban Tuyên giáo các cấp tiếp nhận, xử lý thông tin dư luận xã hội, thông tin báo chí, nhất là những thông tin liên quan đến các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm của đất nước, của tỉnh. Qua đó, những vấn đề nóng báo chí và dư luận quan tâm được trao đổi, giải đáp một cách thấu đáo; góp phần kịp thời điều chỉnh những thông tin và dư luận chưa chính xác, tạo sự cởi mở, gần gũi giữa các cấp ủy đảng, chính quyền và quần chúng nhân dân trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn tỉnh.
Công tác tuyên truyền miệng góp phần tích cực thúc đẩy hoàn thành
thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh
Với những nỗ lực cố gắng, 10 năm qua, công tác tuyên truyền miệng của Đảng bộ tỉnh đã đóng góp tích cực trong việc bảo vệ quan điểm đường lối của Đảng trước các luận điểm sai trái và âm mưu “diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận, tin tưởng trong nhân dân. Thực hiện thành công nhiều chủ trương lớn, đột phá của tỉnh, như: (1) Đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm; (2) Di dân tái định cư các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh; (3) Đẩy mạnh phát triển các loại cây công nghiệp như: cao su, chè,...; (4) Chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; (5) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; (6) Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cấp cơ sở... Góp phần quan trọng thúc đẩy hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh: Kinh tế tăng trưởng khá, GRDP giai đoạn 2011-2015 đạt 7,4%/năm, năm 2016 đạt 24,88%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đạt 22,5 triệu đồng, tăng khoảng 2,5 lần so với năm 2007; thu ngân sách trên địa bàn năm 2016 đạt 1.840 tỷ đồng, tăng khoảng 30 lần so với năm 2007. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, với 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Văn hóa - xã hội phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, công tác đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội, giảm nghèo, cải thiện đời sống của nhân dân đặc biệt được quan tâm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được xây dựng vững chắc; chủ động, tích cực phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch. Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ được nâng lên... Đã cơ bản đưa Lai Châu ra khỏi tình trạng kém phát triển./.