Theo hợp đồng ký kết giữa Sở Khoa học và Công nghệ với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lai Châu, từ tháng 8/2012 đến tháng 7/2014, cơ quan chủ trì và nhóm tác giả đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu đề tài với tinh thần tích cực, nghiêm túc; được Hội đồng khoa học cấp tỉnh đánh giá khá cao, cụ thể:
Các sản phẩm giao được cơ quan chủ trì, chủ nhiệm đề tài giao nộp cho cơ quan quản lý đảm bảo số lượng theo hợp đồng đã ký, gồm có: 01 báo cáo tổng thuật tài liệu nghiên cứu; 01 báo cáo tổng hợp, phân tích số liệu điều tra.
Xây dựng 07 chuyên đề nghiên cứu sâu về các vấn đề: Nguồn gốc lịch sử, địa bàn cư trù và đặc điểm KT - XH của dân tộc Mông ở Lai Châu; văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo của người Mông ở Lai Châu; lễ tết truyền thống, văn nghệ dân gian, tục thờ cúng tổ tiên của người Mông; các nghi thức tang ma, cưới xin truyền thống của người Mông; vai trò của già làng, trưởng bản truyền thống và sự thay đổi vai trò của các thành viên trong gia đình người Mông ở Lai Châu; quá trình xâm nhập, xu hướng phát triển tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc Mông ở Lai Châu; thực trạng văn hóa truyền thống của dân tộc Mông trước sự giao thoa văn hóa; một số giải pháp bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Mông.
02 bộ tài liệu của hai cuộc Hội thảo khoa học “Tín ngưỡng, giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông ở Lai Châu” và “Những giải pháp nhằm phát huy văn hóa truyền thống dân tộc nhằm hạn chế việc tuyên truyền đạo trái pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc Mông ở Lai Châu”. 02 Bộ phim tài liều phục dựng: Giỗ tổ họ của người Mông; Lễ cúng cầu phúc cầu thọ của người Mông. 1 Bộ báo cáo tổng hợp và báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu của đề tài…
Đ/c Trần Đức Vương, UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy,
Chủ nhiệm đề tài trình bày Báo cáo tổng hợp trước Hội đồng
Hội đồng khoa học đánh giá những thông tin, số liệu của kết quả của đề tài khá phong phú, phản ánh sát thực tiễn về đời sống lao động, sản xuất và văn hóa tín ngưỡng của dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Cơ bản đảm bảo tính hệ thống, logic, đầy đủ, lập luận, phân tích rõ ràng của các báo cáo khoa học.
Đặc biệt, báo cáo đã thu thập, tổng hợp nhiều thông tin giá trị về đời sống văn hóa, tín ngưỡng và thực trạng về công tác bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Lai Châu, qua nghiên cứu tác giả đã dự báo những yếu tố tác động đến đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Mông trong thời gian tới, trên cơ sở đó đã đưa ra những giải pháp bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc Mông ở Lai Châu có tính đặc thù phù hợp với điều kiện thực tiễn ở Lai Châu.
Sau khi thảo luận, nhận xét, Hội đồng khoa học đã tiến hành bỏ phiếu đánh giá đề tài đạt loại khá và đề nghị: Cơ quan chủ trì, nhóm tác giả đề tài tiếp thu và chỉnh sửa, bổ sung những nội dung được các thành viên Hội đồng tham gia góp ý theo kết luận của cuộc họp Hội đồng; Sở Khoa học và Công nghệ xem xét công nhận kết quả đánh giá của đề tài, sau khi chủ nhiệm đề tài, cơ quan chủ trì hoàn thiện chỉnh sửa bổ sung nội dung báo cáo, chuyên đề theo các ý kiến góp ý của các Ủy viên trong Hội đồng./.