Tại buổi nghiệm thu, Hội đồng khoa học cấp cơ sở đã đánh giá, nhận xét nhiều ý kiến rất giá trị để cơ quan chủ trì Đề tài bổ sung, hoàn thiện. Trong đó, những mặt mạnh được thể hiện như: Đề tài được xuất phát từ thực tiễn, rất phù hợp với nội dung nghiên cứu; đã xác định mục tiêu nghiên cứu rõ ràng, đầy đủ về cơ sở lý luận và thực trạng văn hóa dân tộc Mông ở Lai Châu hiện nay. Luận giải thành công sự cần thiết, tính cấp bách, ý nghĩa phương pháp luận và thực tiễn. Cách tiếp cận của báo cáo tổng hợp Đề tài rõ ràng, mô tả phương pháp tiếp cận vừa mang tính học thuật, vừa có tính thực tiễn; phương pháp nghiên cứu phù hợp, góp phần giải quyết các mục tiêu nghiên cứu. Trình bày bố cục hợp lý, logic, rõ ràng các chương mục. Với đội ngũ chuyên gia tham gia, kế hoạch thực hiện được xây dựng chi tiết, phù hợp, khả năng nguồn lực đảm bảo thì các kết quả đạt được của Đề tài là khả thi. Là cơ sở quan trọng để các nhà nghiên cứu, các ngành, địa phương đề xuất, xây dựng các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông ở Lai Châu.
Hội đồng cũng đã chỉ ra một số nội dung nghiên cứu còn hạn chế như: một số nhóm giải pháp thiếu cụ thể; nhóm giải pháp kế thừa, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Mông trên địa bàn tỉnh cần bổ sung và nêu rõ việc triển khai thực hiện lưu giữ, bảo tồn, phát huy vốn ngôn ngữ, chữ viết và văn hóa mặc của người Mông…
Ủy viên Hội đồng phản biện tại buổi nghiệm thu
Cơ bản Hội đồng đã đánh giá cao khả năng nghiên cứu, tính nghiêm túc, trung thực trong nghiên cứu của nhóm tác giả trong quá trình hoàn thiện Đề tài; nhất trí thông qua và đề nghị cơ quan chủ trì tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng, các cơ quan chức năng tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung để bảo vệ trước Hội đồng nghiệm thu cấp tỉnh trong thời gian tới./.