Công ty Cổ phần trà Than Uyên: Hiệu quả từ mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất chè Shan an toàn theo VietGap
Sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap là đòi hỏi xu thế tất yếu của thị trường, muốn có sản phẩm xuất khẩu ở những thị trường các nước khác nhau thì sản phẩm phải đạt chất lượng.
Nhận rõ tầm quan trọng của sản phẩm chè sạch, từ cuối năm 2010, với sự giúp đỡ về tư vấn và tài chính của tổ chức phát triển SNV Hà Lan, IPADE Việt Nam, công ty Cổ phần trà Than Uyên đã bắt đầu xây dựng mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap với quy mô 27,4 ha tương ứng sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt trên 500 tấn. Nhằm thực hiện thành công mô hình này công ty đã thành lập tổ kiểm tra, giám sát nội bộ, đầu tư xây dựng bổ sung hệ thống bể chứa nước, bể chứa rác thải trên đồi chè, thuê chuyên gia lấy mẫu đất, nước gửi đi phân tích, đánh giá điều kiện sản xuất chè theo tiêu chuẩn GAP; mở các lớp tập huấn, các lớp đào tạo nâng cao tay nghề cho cán bộ công nhân viên và người lao động. Kết quả, tháng 8/2011 công ty đã được Trung tâm chất lượng Nông-lâm-thủy sản vùng 1 (NAFIQUAD1) công nhận mô hình sản xuất của Công ty đã đạt theo tiêu chuẩn sản xuất chè an toàn VietGap. Để sản phẩm chè búp tươi tiếp tục phát huy hiệu quả, Công ty đã tiếp tục mở rộng sản xuất chè theo VietGap trên toàn bộ điện tích chè đơn vị 7. Đến tháng 12/2011, 105,4 ha chè của công ty đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Sản lượng chè búp tươi hàng năm từ 1.300-1.450 tấn.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm của Công ty không những ở trong nước mà còn ở nước ngoài lấy uy tín và chất lượng sản phẩm là mục tiêu phấn đấu nên công ty đã xây dựng thành “chiến lược quản lý vùng nguyên liệu”, “chiến lượng sản phẩm” và “chiến lược tiêu thụ sản phẩm”. Nhằm thực hiện được những mục tiêu mà công ty đề ra được bắt đầu ngay từ quá trình sản xuất chè búp tươi nguyên liệu. Trong những năm qua công ty đã tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất chè an toàn trên toàn bộ vùng nguyên liệu của công ty. Thực hiện tốt các quy trình thâm canh, chăm sóc, thu hái, vận chuyển, bảo quản chè búp tươi nguyên liệu đến khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Đưa chúng tôi đi thăm vùng chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, ông Vũ Ngọc Sang, Giám đốc Công ty chè nói: Với loại chè này công ty đang thu mua 6.000 đồng/kg mà quy trình sản xuất chè an toàn người lao động phải tuân thủ nghiêm ngặt việc thưc hiện như: hái chè đúng tiêu chuẩn, không để chè quá lứa, phun thuốc đúng liều lượng, chủng loại, dẫy cỏ bằng tay thay cho việc phun thuốc trừ cỏ để hạn chế hóa chất độc hại trong búp chè, ngay cả việc bón phân cũng phải bón làm sao cho cân đối, thu hái đến đâu đưa vào chế biến ngay đến đó tránh tình trạng chè bị ôi thối, dập nát, chất lượng kém, đặc biệt là việc thực hiện ghi chép sổ sách theo dõi tình hình sản xuất chè hàng ngày một cách cẩn thận, chi tiết.
Tuy nhiên, sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap thường gặp một số khó khăn: trình độ người lao động còn hạn chế nên việc ghi chép sổ sách có thể không đầy đủ, thường xuyên, đúng nội dung; chưa tuân thủ nghiêm các quy định an toàn lao động trong sản xuất đặc biệt là sử dụng thuốc BVTV, tập quán thả rông gia súc của người dân trong vùng sản xuất chè... Dó đó công tác tuyên truyền về sản phẩm chè được sản xuất từ nguyên liệu chè búp tươi an toàn VietGap cũng như các sản phẩm nông nghiệp thực hiện theo VietGap ở Việt Nam phải được thực hiện thường xuyên liên tục. Từ đó tạo sự quan tâm rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân, hướng tới một mô hình trồng chè sạch điển hình trong thời gian tới.