Lai Châu khai thác và phát huy ngành “công nghiệp không khói”
Chủ nhật - 28/04/2019 05:021.8550
Lai Châu có khí hậu điển hình của vùng nhiệt đới núi cao, nhiều cảnh quan thiên nhiên và 20 dân tộc cùng sinh sống là điều kiện thuận lợi để Lai Châu có thể khai thác, phát triển nhiều loại hình du lịch như: tham quan, sinh thái, nghỉ dưỡng, mạo hiểm và nghiên cứu văn hóa. Song hiệu quả đem lại chưa đạt được như kỳ vọng.
Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới Tây Bắc của Tổ quốc, có các dãy núi hùng vĩ, nằm giữa hai điểm du lịch nổi tiếng là Sapa và Điện Biên Phủ, phía Đông Nam tiếp giáp với tỉnh Yên Bái, phía nam tiếp giáp với tỉnh Sơn La. Lai Châu có diện tích trên 9.000 km2, dân số trên 450 nghìn người, có 265,165 km đường biên giới với Trung Quốc có cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng và nhiều lối mở trên tuyến biên giới Việt - Trung. Đây là một trong những điều kiện tốt để du lịch Lai Châu phát triển.
Lai châu có khí hậu điển hình của vùng nhiệt đới núi cao Tây Bắc, ngày nóng đêm lạnh, nhiệt độ không khí trung bình năm là 19,60c. Có nhiều cảnh quan thiên nhiên như: Quần thể danh thắng hang động Pusamcap rộng gần 600ha được ví là “Tây Bắc đệ nhất động”; động Tiên Sơn gồm 49 khoang, nối tiếp chạy dài thông qua hai sườn núi, càng vào sâu các khoang càng lớn với những khối đá, thạch nhũ kỳ ảo; thác Tác Tình bắt nguồn từ dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, thác cao chừng 130m; thác Trái Tim; thác Trắng; cao nguyên Sìn Hồ với khí hậu mát mẻ; vùng cao Dào San là xứ sở của những cánh rừng xanh ngút ngàn, nhũng dòng suối róc rách chảy, những thửa ruộng bậc thang trải dài...; đỉnh Putaleng cao 3.049m, đỉnh Bạch Mộc Nương Tử (Ky Quan San) cao 3.045 m, đèo Hoàng Liên Sơn (đèo Ô Quý Hồ) nằm trên độ cao hơn 2.000m, dài gần 50km, trong đó 2/3 con đường thuộc địa phận huyện Tam Đường tỉnh Lai Châu và 1/3 còn lại thuộc huyện Sapa tỉnh Lào Cai; Đồi thông Tả Lèng; suối nước nóng Vàng Pó; suối nước nóng Nà Đon; suối nước nóng Hua Chăng; suối nước nóng Nà Ban; suối nước nóng Phiêng Phát nằm trong khu vực quần thể danh lam thắng cảnh Phiêng Phát xã Trung Đồng (Tân Uyên), được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2010, với 2 điểm có nước nóng, lưu lượng nước ổn định đạt 51/s; hồ thủy điện Lai Châu với công suất 1.200MW đứng thứ 3 cả nước, dung tích toàn bộ hồ chứa là 1.215 triệu m3 tạo nên một hồ chứa nước khổng lồ giữa thiên nhiên bạt ngàn với mặt nước hồ trong đẹp như bức tranh thủy mặc; hồ thủy điện Bản Chát; hồ thủy điện Huổi Quảng; Một trong những cảnh đẹp tuyệt vời nữa của Lai Châu đó là ruộng bậc thang, không chỉ đẹp vào mùa lúa chín mà ở mỗi thời điểm, ruộng bậc thang luôn có sức lôi cuốn diệu kỳ....
Lai Châu có 20 dân tộc cùng sinh sống (Thái, Mông, Dao, Kinh, Giáy, Khơ-Mú, Kháng, Xỉnh-Mun, Hà Nhì, Lào, Lự, LaHa, Phù Lá, La Hủ, Lự, Mảng, Cống, Si La...). Đã tạo nên bức tranh văn hóa đặc sắc của Lai Châu từ lễ hội (Gầu Tào, Tú Tỉ, Tủ Cải, Bun Vốc Nậm, Nàng Han, Then Kin Pang, Kin Lẩu Khẩu Mẩu, Xòe Chiêng, Mừng Măng Mọc...); trang phục (mỗi dân tộc đều có trang phục truyền thống riêng, trong đó có những dân tộc có trang phục rất đẹp và độc đáo, mỗi bộ trang phục đều mang những nét đẹp và ý nghĩa khác nhau, in dấu truyền thống văn hóa và phong tục của dân tộc đó, nó là hơi thở, là linh hồn của một dân tộc được thể hiện qua các hoa văn, thố cẩm...); kiến trúc nhà (nhà sàn, nhà trình tường...); văn hóa ẩm thực (thịt trâu sấy, pa pỉnh tộp, cá bống vùi gio, nộm rau dớn, bánh chưng đen...); tâm linh (Đền thờ Vua Lê Thái Tổ có bảo vật quốc gia Bia cổ Hoài Lai, Miếu Nàng Han, Hòn đá Thiêng...). Ngoài ra du khách có thể trải nghiệm những giá trị văn hóa qua các bân du lịch cộng đồng tiêu biểu tại Lai Châu như: Bản Sì Thâu Chải (dân tộc Dao); Bản Nà Khương (dân tộc Thái); Bản Hon (dân tộc Lự); Bản Nà Luồng (dân tộc Lào); Bản Tả Phìn (dân tộc Dao); Bản Gia Khâu 1, bản Gia Khâu 2 (dân tộc Mông); Bản San Thàng (dân tộc Giáy); Bản Vảng Pheo (dân tộc Thái); Bản Sin Súi Hồ (dân tộc Mông); Bản Lao Chải; Bản Phiêng Tiên...
Với tiền tiềm năng, lợi thế đó, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư tạo ra các địa điểm du lịch và các sản phẩm du lịch đặc thù, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là thời gian gần đây, tỉnh đã có những chính sách,, cơ chế thông thoáng thu hút các nhà đầu tư, xây dựng hạ tầng phục du lịch… tạo sự chuyển biến tích cực thu hút khách du lịch đến với Lai Châu. Theo Báo cáo Sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, “Hoạt động du lịch tiếp tục có bước phát triển. Tích cực triển khai công tác thông tin, quảng bá, liên kết phát triển du lịch và các hoạt động trong Chương trình liên kết phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng. Đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng và nâng cao hiệu quả khai thác các tuyến, điểm du lịch sinh thái (công nhận 2 tuyến du lịch và 15 điểm du lịch trên địa bàn tỉnh), du lịch văn hóa cộng đồng kết hợp với việc tổ chức các lễ hội truyền thống của các dân tộc trong tỉnh. Tổng lượt khách và doanh thu hoạt động du lịch bình quân tăng trên 13%/năm”.
Tuy nhiên, công tác đầu tư, phát triển du lịch của Lai Châu còn nhiều hạn chế: thiếu cơ sở vật chất (lưu trú, nhà hàng, điểm mua sắm, vui chơi…), chủ yếu đang làm du lịch theo thời vụ, chưa tạo ra được những sản phẩm du lịch quanh năm; chưa xây dựng bộ sản phẩm du lịch đặc thù mang màu sắc riêng, hình thành chuỗi giá trị cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu từng nhóm du khách nhất định. Giao thông chủ yếu vẫn là đường bộ độc đạo, nhiều đoạn đường hẹp, đèo dốc quanh co, hiểm trở; đặc biệt là mùa mưa có hiện tượng sụt lở, ách tắc gây ảnh hưởng tới những chuyến đi của du khách. Số lượng doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn ít và năng lực hạn chế; việc khai thác thị trường thu hút khách phụ thuộc vào các hãng lữ hành ngoài tỉnh; khách đến Lai Châu phần lớn do thăm thân, hoặc do các cơ, quan, đơn vị, địa phương của tỉnh “làm công tác du lịch”; quy mô du lịch nhỏ… Nên lượng khách đến và nguồn thu từ du lịch của tỉnh còn rất thấp.
So với số các tỉnh Tây Bắc, Lai Châu có điều kiện khó khăn nhất trong phát triển du lịch, là một trong số những tỉnh nghèo nhất, xa xôi, địa hình hiểm trở, trình độ dân trí thấp, không có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như các tỉnh khác..., việc phát triển du lịch đang là một bài toán khó cho cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Điều đó không có nghĩa là Lai Châu không quan tâm phát triển du lịch, những kết quả đạt được của ngành du lịch trong gần 15 năm chia tách, thành lập tỉnh mới là một minh chứng rõ ràng cho sự nổ lực của cấp ủy, chính quyền để ngành “công nghiệp không khói” phát triển. Để tiếp tục đầu tư phát triển lĩnh vực du lịch, thời gian tới, Lai Châu cần tập tục khắc phục những hạn chế như quy mô, cơ sở vật chất, giao thông; tạo ra được những sản phẩm du lịch quanh năm, xây dựng bộ sản phẩm du lịch đặc thù mang màu sắc riêng, hình thành chuỗi giá trị cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu từng nhóm du khách nhất định; nâng cao chất lượng, tăng về số lượng doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn...
Trong đó, tập trung phát triển các loại hình: Du lịch cộng đồng gắn với phát huy giá trị văn hóa di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp; nâng cao chất lượng dịch vụ; kết nối sản phẩm nội vùng, liên vùng; đưa Lai Châu trở thành điểm đến hấp dẫn của khu vực Tây Bắc. Ưu tiên đầu tư phát triển sản phẩm du lịch chủ lực như: Du lịch cộng đồng gắn với phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa danh lam thắng cảnh tại khu vực thành phố Lai Châu, huyện Phong Thổ, huyện Tam Đường. Sản phẩm du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp với các sản phẩm từ chè, cây ăn quả, làng nghề tại khu vực huyện Tam Đường, huyện Tân Uyên, huyện Than Uyên, huyện Sìn Hồ; Sản phẩm du lịch chợ phiên tại khu vực thành phố Lai Châu, huyện Phong Thổ, thị trấn Sìn Hồ với điểm nhấn là sắc màu trang phục truyền thống, văn hóa ẩm thực và sản vật vùng cao. Tiếp tục đầu tư khai thác phát triển sản phẩm du lịch hiện có trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, ngành du lịch Lai Châu cần quán triệt và thực hiện tốt phương châm phát triển du lịch của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị du lịch miền Trung - Tây nguyên vào tháng 2/2019 vừa qua: “cần tư duy phát triển du lịch theo nguyên lý lấy cụm ngành làm trung tâm chứ không phải lấy tài nguyên du lịch làm trung tâm” và cũng tại Hội nghị này, Thủ tướng đã đặt ra 5 câu hỏi cho ngành du lịch: Thứ nhất, làm thế nào để du khách tìm đến Việt Nam đông hơn. Thứ hai, làm thế nào du khách ở lại lâu hơn thay vì đòi về sớm hơn. Thứ ba, làm thế nào để du khách tiêu tiền nhiều hơn thay vì không có gì để chi tiêu. Chủ tịch, Bí thư phải ngồi ở sân bay, bến xe quan sát khi người khách đến tỉnh của mình mua cái gì, sắm cái gì. Thứ tư, làm thế nào để khách kể lại câu chuyện du lịch thú vị với người thân, với bạn bè một cách đầy hứng khởi, thay vì chê bai, kể cái xấu gì đó ở Việt Nam. Thứ năm, làm thế nào du khách quay trở lại sớm nhất có thể chứ không phải một đi không trở lại./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế