Trước khi tổ chức gặp gỡ, đối thoại, Hội Nông dân tỉnh nhận được 132 câu hỏi, ý kiến phản ánh, đề xuất của cán bộ, hội viên nông dân, sau khi thẩm định đã phân loại 7 nhóm với 39 câu hỏi thuộc lĩnh vực, thẩm quyền một số sở, ngành và lãnh đạo UBND tỉnh. Tại hội nghị đã lựa chọn 18 câu hỏi liên quan về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, thị trường cho sản phẩm nông nghiệp, vốn đầu tư và công nghệ cho nông nghiệp; chính sách bảo hiểm, đào tạo nghề, lao động nông thôn; quy hoạch nông thôn, đất đai, hàng giả, phân bón giả..., với những vấn đề cụ thể như: tình trạng chè tươi bị ùn tắc, chế biến không kịp và giá thu mua không ổn định ảnh hưởng hộ trồng chè; cần có chính sách giải pháp để doanh nghiệp liên kết với nông dân trong chăn nuôi cá lồng hồ thủy điện; tình trạng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả kém chất lượng; quyền lợi, trách nhiệm của doanh nghiệp và người dân trong liên kết nuôi thỏ làm nguyên liệu sản xuất vacxin; vấn đề đầu ra giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; cách làm du lịch cộng đồng và chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng…
Phát biểu kết luận tại buổi gặp gỡ, đối thoại, đồng chí Trần Tiến Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao các ý kiến, câu hỏi của cán bộ, hội viên, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đối với những câu hỏi chưa được trả lời, UBND tỉnh sẽ có văn bản trả lời cụ thể. Đồng thời đồng chí đề nghị, hằng năm Hội Nông dân tỉnh nên có 2 cuộc gặp gỡ, đối thoại để lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, hội viên, nông dân; các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với các cấp hội nông dân trong tỉnh hỗ trợ cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân kịp thời giải quyết vướng mắc; các công ty, doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng với nông dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm…/.