Dân tộc Mường
Các tên gọi khác: Mol, Mual, Moi bi, Au tá, Ao tá
- Các tên gọi khác: Mol, Mual, Moi bi, Au tá, Ao tá
- Số hộ 40; số dân 116 người chiếm tỷ lệ 0,03% dân số của tỉnh.
- Địa bàn cư trú: Phân bố rải rác chủ yếu ở 4 huyện: Mường Tè, Sìn Hồ, Tam Đường, Than Uyên, thuộc ngôn ngữ Việt - Mường.
- Phương thức canh tác: Lúa nước là cây lương thực chủ yếu. Trước đây, đồng bào trồng lúa nếp nhiều hơn lúa tẻ và gạo nếp là lương thực ăn hàng ngày. Nguồn kinh tế phụ đáng kể của gia đình người Mường là khai thác lâm thổ sản như nấm hương, mộc nhĩ, sa nhân, cánh kiến, quế, mật ong, gỗ, tre, nứa, mây, song... Nghề thủ công tiêu biểu của người Mường là dệt vải, đan lát, ươm tơ.
- Tục cưới: có các bước chạm ngõ, ăn hỏi, xin cưới, đón dâu, các nghi thức thách cưới, lại mặt. Tục ở rể, ngày nay đã được bãi bỏ.
- Tang ma: Thi hài người chết được liệm nhiều lớp vải và quần áo theo phong tục rồi để vào trong quan tài làm bằng thân cây khoét rỗng, bên ngoài phủ áo vẩy rồng. Tang lễ do thầy mo chủ trì. Con cháu trong nhà phải chịu tang trong 3 năm, tuy nhiên con dâu, cháu dâu chịu tang ông bà, cha mẹ còn có bộ trang phục riêng gọi là bộ quạt ma.
- Lễ hội: Đồng bào Mường có nhiều ngày hội như hội xuống đồng (Khung mùa), hội cầu mưa (tháng 4), lễ rửa lá lúa (tháng 7, 8 âm lịch), lễ cơm mới...
- Nhà ở: Nhà sàn khung gỗ có ngoàm để kết nối rui, mè bằng tre, lợp ngói hoặc lá gồi và có 4 mái.
- Trang phục: Nam mặc áo cánh xẻ ngực, cổ tròn, cúc sừng vai, hai túi dưới hoặc thêm túi trên ngực trái. Quần lá tọa ống rộng dùng khăn thắt giữa bụng còn gọi là khăn quần. Nữ: áo mặc thường ngày có tên là áo pắn (áo ngắn). Đây là loại áo cánh ngắn, xẻ ngực, thân ngắn hơn so với áo cánh người Kinh, ống tay dài, áo màu nâu hoặc trắng. Hoa văn chủ yếu tập trung ở cạp váy của người phụ nữ.