Bước phát triển công tác dạy nghề cho lao động nông thôn ở Lai Châu
Thứ tư - 15/11/2017 23:195360
5 năm qua, thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 05/11/2012 của Ban Bí thư (khóa XI) về "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn", cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, đạt được những kết quả tích cực góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động của tỉnh.
Ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 19-CT/TW, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức phổ biến, quán triệt sâu rộng; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức sáng tạo, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và triển khai Chỉ thị của Đảng trong thực tế. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 20 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm 13 cơ sở công lập và 07 cơ sở ngoài công lập. Các cơ sở đào tạo đã được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng tập trung, trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với yêu cầu thực tế từng địa phương, của tỉnh. Tổng số giáo viên tham gia đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 đến nay là 218 người, trong đó: 104 giáo viên cơ hữu, 114 giáo viên thỉnh giảng.
Chú trọng thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Các chương trình, giáo trình đào tạo nghề được rà soát, xây dựng mới theo quy định, tổ chức chỉnh sửa, bổ sung 41 bộ chương trình, giáo trình đào tạo sơ cấp và đào tạo thường xuyên cho lao động nông thôn áp dụng trên địa bàn toàn tỉnh; trên cơ sở đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã căn cứ vào tình hình thực tế bổ sung cho phù hợp. Cơ cấu ngành nghề đào tạo gồm 35 nghề, trong đó có 15 nghề nông nghiệp và 20 nghề phi nông nghiệp, tập trung chủ yếu vào một số nghề như: kỹ thuật chăn nuôi phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; trồng lúa chất lượng cao, trồng rau an toàn; nuôi trồng thủy sản; trồng nấm, trồng chè, trồng rừng; sửa chữa xe máy; sửa chữa máy nông nghiệp; điện dân dụng; kỹ thuật xây dựng... Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn chủ yếu đào tạo trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng, vì vậy các cơ sở đào tạo nghề lựa chọn hình thức vừa học vừa làm, địa điểm đào tạo đặt trực tiếp tại các bản, dạy theo phương pháp "cầm tay, chỉ việc".
Đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn luôn được tỉnh quan tâm thực hiện, trên cơ sở các mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra, giai đoạn 2013 - 2017, đã huy động 11 cơ sở có đủ điều kiện tham gia dạy nghề cho 5.000 thanh niên. Hằng năm, tổ chức tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho đoàn viên thanh niên tập trung vào "Tháng Thanh niên"; "Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè", trong 5 năm đã tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho 25.000 lượt đoàn viên thanh niên và học sinh, toàn tỉnh có 300 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi trị giá từ 50 triệu đồng trở lên, trong đó 20 thanh niên được nhận giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Các cơ sở đào tạo nghề đã triển khai có hiệu quả các chương trình, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong 5 năm đào tạo cho 23.968 người trong đó: khuyết tật 147 người; dân tộc thiểu số 23.928 người; lao động nữ 12.535 người; lao động thuộc hộ nghèo 1.095 người. Các đối tượng tham gia các lớp đào tạo nghề được hưởng đầy đủ các chế độ chính sách theo quy định.
Đã chú trọng hơn đến việc gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm. Trong giai đoạn 2013-2017, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau của Trung ương và địa phương, đã hỗ trợ, tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động. Năm 2016, giải quyết việc làm mới cho 6.845 lao động. Các cơ sở đào tạo nghề đã triển khai có hiệu quả các chương trình đào tạo, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong số 23.968 người đã được đào tạo, có 19.895 người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn, đạt 83,01%. Kết quả này góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật của tỉnh từ 40,5% năm 2011 đến tháng 9/2017 đạt khoảng 43,9%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề chiếm khoảng 32%. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển đổi tư duy, phương thức sản xuất ở khu vực nông thôn, tạo điều kiện đưa khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đẩy nhanh xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn tồn tại một số yếu kém. Một số cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là ở cơ sở chưa quan tâm đúng mức, thiếu chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Công tác tư vấn học nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả chưa cao, một số nghề đào tạo chưa xuất phát từ nhu cầu thị trường lao động, một số lớp đào tạo nghề nông nghiệp chưa gắn với mùa vụ sản xuất. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở đào tạo nghề còn thiếu, đầu tư chưa đồng bộ, hiệu quả sử dụng thấp, chưa thu hút được học viên đến học tập tại các trung tâm. Cơ cấu đội ngũ giáo viên dạy nghề còn bất cập, trình độ tay nghề, kỹ năng còn hạn chế; thiếu cán bộ, giáo viên cơ hữu ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; chưa thu hút được các nghệ nhân, chuyên gia giỏi tham gia đào tạo nghề. Chương trình, giáo trình giảng dạy một số nghề chất lượng chưa cao, mô hình thực hành chưa rõ nét, khả năng ứng dụng nhân rộng sau học nghề còn hạn chế. Công tác tuyển sinh học nghề còn khó khăn, số lượng tuyển sinh chưa phản ánh đúng nhu cầu thực tế; lực lượng lao động trẻ tham gia học nghề còn ít, giải quyết việc làm sau đào tạo gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các nghề phi nông nghiệp.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, nhiệm vụ quan trọng là cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, Đề án 1956 về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”; gắn đào tạo nghề với triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững...
Đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chú trọng nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến. Tăng cường quản lý nhà nước về đào tạo nghề; phối hợp chặt chẽ giữa đào tạo nghề với nhu cầu của các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ về vốn, ứng dụng khoa học, công nghệ, tiêu thụ sản phẩm và giới thiệu việc làm sau khi học nghề. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo nghề. Nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác đào tạo nghề; đổi mới chương trình, giáo trình và phương pháp đào tạo theo hướng tăng cường bài giảng tích hợp, phát huy năng lực, tính chủ động, tích cực của người học; gắn học nghề với thực tiễn sản xuất và nhu cầu của địa phương, doanh nghiệp.
Rà soát, điều tra, xác định nhu cầu học nghề của lao động nông thôn; tư vấn, định hướng nghề theo điều kiện thực tế của người lao động, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thực hiện hiệu quả mục tiêu giải quyết việc làm. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân trong công tác giám sát, phản biện đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế