Lai Châu: Kết quả nổi bật 10 năm triển khai thực hiện Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam
Thứ tư - 02/05/2018 03:087320
Xác định Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam có ý nghĩa thiết thực trong đời sống của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 10 năm qua tỉnh Lai Châu đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể và đạt được những kết quả nổi bật.
Các cấp ủy, chính quyền quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá thông qua việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao thiết thực chào mừng, hưởng ứng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4), lồng ghép với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, mở các chuyên trang, chuyên mục trên Báo Lai Châu, Đài Phát thanh - Truyền hình, các website, ấn phẩm văn hóa… qua đó nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, nhân dân các dân tộc trong tỉnh về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, góp phần nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở. Lựa chọn, giới thiệu các nét văn hóa các dân tộc thiểu số tiêu biểu của tỉnh tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam, Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (từ năm 2008 đến nay, tỉnh đã tham gia 10 cuộc): dân ca dân tộc Lào, Lự, Si La, Hà Nhì; dân vũ dân tộc Thái, Hà Nhì, Cống; nhiều nghi thức sinh hoạt văn hóa được tái hiện như: “Nghi thức đón năm mới” của người Thái trắng, “Tết Hồ Sự Chà” của người Hà Nhì, “Cúng rừng” của người Lự, La Hủ, Dao, “Lên nhà mới” của người Mảng, “Lễ đón dâu” của người Si La… được du khách trong nước và quốc tế đánh giá cao. Tham gia nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa cấp khu vực, toàn quốc (Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc, Liên hoan dân ca, Liên hoan Múa không chuyên, Liên hoan Hát Then - Đàn tính, Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông, Dao...).
Tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao nhân dịp các sự kiện chính trị, kỷ niệm của đất nước, địa phương phục vụ nhu cầu giao lưu, hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân (từ năm 2008 đến nay đã tổ chức trên 3.000 buổi tuyên truyền lưu động, gần 15.000 buổi chiếu phim, 50 cuộc trưng bày triển lãm ảnh, hiện vật, 60 buổi biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, trên 20 cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng cấp tỉnh; sản xuất trên 40 phim tài liệu, hội diễn, lồng tiếng Thái, Mông, Dao, Hà Nhì cho 8 phim). Hệ thống thư viện luôn đáp ứng yêu cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho bạn đọc trong việc sử dụng vốn tài liệu thư viện và tham gia các hoạt động do thư viện tổ chức (đến nay, tổng số sách hiện có trong thư viện 112.951 bản, mỗi năm phục vụ trên 20 nghìn lượt bạn đọc; hằng năm thực hiện luân chuyển về 3 thư viện huyện, 12 tủ sách thuộc lực lượng vũ trang, Sở Giáo dục và Đào tạo, 15 điểm bưu điện văn hóa xã, với khoảng 1.500 bản sách/năm). Tính đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 700 nhà văn hóa, trong đó có 75 nhà văn hóa cấp xã (đạt 69%), 625 nhà văn hóa cấp bản (đạt 53,6%); 787 đội văn nghệ quần chúng.
Chú trọng công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn làn điệu dân ca truyền thống các dân tộc (dân ca Thái, Lự, Mông, Hà Nhì hoa, Si La); các điệu múa truyền thống dân tộc Thái; Trường ca Xa Nhà Ca, Sử thi Phùy Ca Na Ca, Tết năm mới “Khù sự chà” (dân tộc Hà Nhì); các lễ, lễ hội truyền thống của các dân tộc (tục xăm cằm dân tộc Mảng, lễ cúng bản dân tộc La Hủ và Si La, tết mùa mưa dân tộc La Hủ, lễ hội “Lùng Tùng” dân tộc Thái..). Nghiên cứu, đề xuất đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (nghệ thuật xòe Thái, kéo co người Thái được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia); phối hợp xây dựng hồ sơ khoa học nghệ thuật xòe, then dân tộc Thái trình UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (đến nay, toàn tỉnh có 25 di tích được xếp hạng, trong đó 05 di tích cấp quốc gia, 20 di tích cấp tỉnh và 01 bảo vật quốc gia). Quan tâm đãi ngộ đối với các nghệ nhân, hoàn thiện hồ sơ đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân (tỉnh có 04 nghệ nhân được công nhận; năm 2018 đã lập 10 hồ sơ nghệ nhân đề nghị Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ, Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú).
Tuy nhiên, việc tổ chức các hoạt động hường ứng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam chủ yếu mang tính chất tuyên truyền, lồng ghép với các hoạt động khác; hệ thống các thiết chế văn hóa còn hạn chế, thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng thấp, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới; công tác tổ chức xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở chưa đi vào chiều sâu; một bộ phận người dân ở vùng sâu, vùng xa đời sống văn hóa tinh thần còn nhiều hạn chế; việc tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng.
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả của Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam trên địa bàn tỉnh cần thực hiện một số giải pháp trọng tâm như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, Nhân dân các dân tộc về mục đích, ý nghĩa của Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, góp phần nâng cao đời sống tinh thần lành mạnh, phong phú; tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, Trung ương trong tổ chức các hoạt động văn hóa, lồng ghép việc tổ chức các hoạt động, chính sách văn hóa với các chương trình dự án khác; có cơ chế, chính sách để khuyến khích, hỗ trợ, động viên việc sáng tạo các tác phẩm có giá trị, nhất là đối với những nghệ nhân nhằm bảo tồn, phát triển các giá trị văn hoá dân tộc thông qua việc trao truyền cho thế hệ sau; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá, nhất là ở cơ sở; nâng cao năng lực trong việc tham mưu, đề xuất, thẩm định, quản lý các hoạt động văn hóa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế