Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới, có đường biên giới tiếp giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia; có 8 đơn vị hành chính cấp huyện (7 huyện, 1 thành phố), 4 huyện biên giới; Dân số trên 49 vạn người với 20 dân tộc cùng sinh sống, tỉ lệ dân tộc thiểu số trên 84%, dân số nữ trên 20 vạn người. Xác định bình đẳng giới là nhiệm vụ chính trị quan trọng, Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2025 sát hợp với tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội học tập, quán triệt, tuyên truyền Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư về “tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới”gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27/4/2017 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và các chương trình hành động của Tỉnh ủy về công tác phụ nữ, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Bám sát chỉ đạo, định hướng của Trung ương và Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh ban hành Kế hoạch số 329/KH-BTV về thực hiện Chiến lược quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2021-2025; hội LHPN các cấp phát động và triển khai thực hiện các phong trào thi đua nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong toàn tỉnh.
Triển khai chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp, các cấp hội phụ nữ tổ chức triển khai tuyên truyền, phổ biến Luật Bình đẳng giới, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo liên quan đến bình đẳng giới bằng nhiều hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng, đơn vị, địa phương, như: Thông qua các lớp tập huấn, nói chuyện chuyên đề, hội thi, sinh hoạt câu lạc bộ, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, internet, mạng xã hội, các fanpage, nhóm zalo của các cấp hội,… Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới được các cấp hội quan tâm, triển khai thực hiện hiệu quả; Hội LHPN tỉnh và các cấp Hội đã tổ chức triển khai 50 buổi về Ngày pháp luật, Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực gia đình trên cơ sở giới cho hơn 600 lượt cán bộ, công chức; cấp phát 3.750 tờ rơi và 1.000 sổ tay liên quan đến bình đẳng giới. Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ về vai trò, vị trí về Luật bình đẳng giới trong đời sống xã hội.
Các cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; các cấp hội tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội tại địa phương; qua đó kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các chính sách liên quan đến phụ nữ, công tác phụ nữ, hoạt động công tác, từ đó kiến nghị, đề xuất với cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng liên quan xử lý. LHPN tỉnh tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh phê duyệt danh mục các tập quán về hôn nhân và gia đình được áp dụng trên địa bàn tỉnh Lai Châu; tổ chức cho hội viên, phụ nữ thảo luận tham gia các ý kiến đóng góp vào 500 văn bản dự thảo Luật, chương trình, kế hoạch, đề án của Trung ương, của tỉnh và địa phương cụ thể như: Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Đất đai; Luật phòng chống Bạo lực gia đình…
Chú trọng việc bố trí và sử dụng đội ngũ cán bộ nữ vào các vị trí lãnh đạo quản lý; đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ nữ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực; thực hiện chế độ chính sách đối với nữ công chức, viên chức, người lao động; tạo điều kiện cho họ hoàn thành nhiệm vụ được giao và có cơ hội phát triển... Thông qua các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới góp phần tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia ban chấp hành đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025, cụ thể: Cấp tỉnh 14,89% (tăng 0,89%), cấp huyện 19,64% (tăng 1,4%), cấp xã 20,44% (tăng 4,43%). Tỷ lệ nữ tham gia Đại biểu Quốc hội khóa XV là 16,67%; tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026: Cấp tỉnh là 36%; cấp huyện là 34,75% (tăng 6,75%); cấp xã là 34,75% (tăng 4,35%); tỷ lệ đảng viên nữ 10.005, chiếm 33%.
Với vai trò là tổ chức đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho phụ nữ và trẻ em gái, các cấp Hội đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phụ nữ. Đẩy mạnh việc thực hiện Luật Bình đẳng giới gắn với phong trào thi đua, các cuộc vận động và các nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội, đặc biệt là phong trào “Phụ nữ tích cực học tập lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Thành lập 403 tổ truyền thông cộng đồng với 3.454 thành viên; 62 địa chỉ an toàn với 615 thành viên; tổ chức 16 hội thi “Các mô hình sáng tạo và hiệu quả trong xoá bỏ định kiến giới về phát huy tập tục văn hoá tốt đẹp của các dân tộc thiểu số” với 1.443 thí sinh tham dự; 132 lớp/hội nghị tập huấn, truyền thông, cuộc thi về giám sát, nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em, nâng cao nhận thức xoá bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới, phòng, chống bạo lực giới... với 6.247 người tham gia; hỗ trợ 494 phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ an toàn...
Các cấp Hội phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức hoặc giới thiệu việc làm đưa thông tin đến với người lao động, triển khai tư vấn, giải ngân nguồn vốn vay tạo việc làm cho 3.452 người tham gia các lớp đào tạo nghề. Tích cực hỗ trợ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững thông qua các hoạt động “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, tập trung các giải pháp, nguồn lực, phát huy nội lực của hội viên, phụ nữ lồng ghép với các chương trình, đề án, dự án; mở rộng hỗ trợ kết nối, liên kết các chương trình vay vốn thông qua các ngân hàng, đặc biệt là nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Tổ chức các hoạt động Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ với 2500 người tham dự. Phối hợp tuyên truyền trên các trang mạng xã hội của Hội, các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh và Trung ương về gương điển hình phụ nữ.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Luật bình đẳng giới, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số những hạn chế, khó khăn cần khắc phục, như: Một số cấp ủy chưa thực sự quan tâm đến công tác bình đẳng giới, công tác đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ nữ. Công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng, công tác tổ chức học tập nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới nhất là về công tác cán bộ nữ còn chậm; tỷ lệ hội viên, phụ nữ không biết tiếng phổ thông và chữ viết gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận thông tin, …
Để khoảng cách về giới ngày càng được thu hẹp, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, cần tập trung triển khai thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, trách nhiệm quản lý của chính quyền các cấp trong việc nâng cao nhận thức, triển khai thực hiện và hoàn thiện thể chế về bình đẳng giới; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định về bình đẳng giới; hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật bảo đảm các nguyên tắc bình đẳng giới trên các lĩnh vực có liên quan; lồng ghép nội dung bình đẳng giới vào chương trình văn hóa, giáo dục; nâng cao khả năng tiếp cận thông tin, dịch vụ pháp luật, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ vùng sâu, xa, biên giới, tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới; đưa nội dung về bình đẳng giới vào hệ thống bài giảng chính thức trong các cấp học; phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; nâng cao năng lực về bình đẳng giới cho cán bộ làm công tác pháp chế, tăng cường lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo quản lý; ứng dụng công nghệ số như xây dựng nền tảng “Cẩm nang pháp luật dành cho phụ nữ”; …