Những đóng góp của quân và Nhân dân các dân tộc Lai Châu trong chiến thắng lịch sử 30-4

Thứ tư - 28/04/2021 23:19 3.906 0
Cách đây 46 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam và ngày 30/4/1975 Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đi đến thắng lợi cuối cùng, non sông Việt Nam thu về một mối. Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu tự hào đã có những đóng góp vào thắng lợi chung của toàn dân tộc
10 giờ 45 phút ngày 30/4, xe tăng ta húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập, bắt sống toàn bộ Ngụy quyền Sài Gòn
10 giờ 45 phút ngày 30/4, xe tăng ta húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập, bắt sống toàn bộ Ngụy quyền Sài Gòn
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Hiệp định Geneve được ký kết. Cuộc chiến tranh kết thúc, quân Pháp rút về nước, miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng. Theo Hiệp định Geneve, sau 2 năm sẽ tổ chức tổng tuyển cử thống nhất nước Việt Nam. Nhưng đế quốc Mỹ với ý đồ xâm lược Việt Nam từ lâu, đã lợi dụng cơ hội, gạt Pháp ra, nhảy vào tổ chức, chỉ huy nguỵ quân, nguỵ quyền tay sai, viện trợ kinh tế, quân sự, biến miền Nam nước ta thành thuộc địa kiểu mới và chia cắt lâu dài. Cả dân tộc ta lại bước vào chiến đấu chống xâm lược mới.

Trải qua 21 năm đấu tranh anh dũng, kiên cường, hy sinh, gian khổ, bền bỉ của nhiều thế hệ người dân Việt Nam. Với những cách đánh thông minh, mưu trí, dũng cảm quân và dân ta lần lượt đánh bại âm mưu và các chiến lược lớn của Mỹ, Ngụy: chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" (1961-1965); "Chiến tranh cục bộ" ở miền Nam -chiến tranh phá hoại lần 1 của Mỹ ở miền Bắc (1965-1968) và chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” - chiến tranh phá hoại lần 2 của Mỹ ở miền Bắc (1965-1973). Tạo thế và lực mới để tiến hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Vào cuối năm 1974, đầu năm 1975, nhận thấy tình hình so sánh lực lượng ở Miền Nam có sự thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn Miền Nam trong hai năm 1975 và 1976. Bộ Chính trị nhấn mạnh “cả năm 1975 là thời cơ” và chỉ rõ “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng hoàn toàn Miền Nam trong năm 1975”. Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh cần tranh thủ thời cơ đánh thắng nhanh để đỡ thiệt hại về người và của cho nhân dân, giữ gìn tốt cơ sở kinh tế, công trình văn hóa, giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh. Sau chiến thắng của quân ta ở chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Bộ Chính trị đã nhận định: “thời cơ chiến lược đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng Miền Nam”. Ngày 25/3/1975, Bộ chính trị Trung ương Đảng khẳng định "Thời cơ chiến lược mới đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam và hạ quyết tâm tập trung lực lượng giải phóng xong trước mùa mưa. Lập Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định và đặt tên cho chiến dịch là chiến dịch Hồ Chí Minh. Cả nước ra quân với tinh thần "đi nhanh đến, đánh nhanh thắng", tư tưởng chỉ đạo là thần tốc, táo bạo, bất ngờ và chắc thắng". Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, quân - dân đồng lòng, đúng 10h45 phút ngày 30/4/1975, xe tăng ta tiến thẳng vào Dinh Độc Lập, bắt sống ngụy quyền, tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện; 11h30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng đã tung bay trên nóc phủ tổng thống Ngụy báo hiệu chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng.

Đại thắng mùa xuân 1975 đã chứng minh trí tuệ và tài thao lược của Đảng ta trong lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh cách mạng, cũng như chứng minh tinh thần quật khởi của người dân Việt Nam trong đấu tranh chống ngoại xâm. Chiến thắng đã chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc và chế độ phong kiến ở nước ta, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước, đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc, cả nước cùng tiến lên CNXH. Thắng lợi này đã đi vào lịch sử nước ta và của thế giới, như một trang sử chói lọi ở những năm 70 của thế kỷ XX, mang tầm quốc tế, tầm thời đại sâu sắc. Đánh giá tổng quát ý nghĩa thắng lợi của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội toàn quốc lần thứ IV khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ 20, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu phát huy tốt truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Điện Biên Phủ anh hùng, quán triệt và triển khai thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược được Đảng xác định: vừa kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam; vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, thực hiện khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và các phong trào “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược”... Đặc biệt, hưởng ứng lời kêu gọi kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Lai Châu đã nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, vừa sản xuất, vừa chiến đấu đánh trả cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đóng góp sức người, sức của chi viện cho chiến trường lớn miền Nam; thanh niên Lai Châu hăng hái lên đường tòng quân đánh Mỹ với quyết tâm “giết hết giặc Mỹ mới về mường ta”.

Trên mặt trận sản xuất, trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn, do hậu quả của chiến tranh để lại và thiên tai, dịch bệnh, cùng với sự đánh phá bằng không quân của đế quốc Mỹ, phá hoại của biệt kích, thổ phỉ của địch, song với tinh thần “phất cờ Điện Biên, quyết thắng vụ mùa, thi đua thắng Mỹ”, quân, dân Lai Châu vừa sản xuất, vừa chiến đấu, chủ động địch đến thì đánh, địch rút thì sản xuất; tăng cường thâm canh tăng vụ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; phong trào làm thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh, năng suất từng bước được nâng cao. Phong trào “Ba đảm đang” đã lôi cuốn hàng vạn phụ nữ các dân tộc tham gia luôn nêu cao khẩu hiệu “Quyết tâm bám đồng ruộng, không rời tay súng” và thực hiện khẩu hiệu “Địch bắn phá ban ngày, ta cày cuốc ban đêm”. Trong cuộc vận động “Lai Châu - Kon Tum, Đông xuân thắng Mỹ”, nhiều địa phương điển hình về phong trào thâm canh đạt năng suất cao, góp phần giải quyết tình trạng thiếu đói, từng bước tự túc lượng thực và đóng góp nghĩa vụ với Nhà nước. Vì vậy, mặc dù đời sống của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tuy còn không ít khó khăn, nhưng vì tiền tuyến lớn miền Nam, Lai Châu với tinh thần“thóc không thiếu một cân” đã đóng góp đầy đủ nghĩa vụ lương thực với Nhà nước, điển hình năm 1974, ngành thương nghiệp Lai Châu được Chủ tịch Tôn Đức Thắng tặng lẵng hoa về thành tích thu mua thịt lợn hơi vượt kế hoạch trên giao. Thực hiện lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 01/9/1966 Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc Lai Châu đón đoàn công tác và tổ chức lễ kết nghĩa với Nhân dân tỉnh Kon Tum, trong không đậm đà tình cảm ruột thịt Bắc - Nam, cùng chung sức đánh đuổi giặc Mỹ xâm lược.

Để chi viện cho chiến trường miền Nam, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc Lai Châu đã động viên hàng vạn con em lên đường ra mặt trận chiến đấu tại các chiến trường B, chiến trường C theo tinh thần “quân không thiếu một người”; thanh niên các dân tộc Lai Châu thực hiện tốt phong trào “Ba sẵn sàng”. Trên mặt trận chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân Lai Châu đã phát huy truyền thống đoàn kết, nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu đánh bại mọi âm mưu phá hoại của kẻ địch, bảo đảm trị an trong mọi tình huống, xây dựng “Lai Châu từng bước thành căn cứ vững chắc, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc chiến tranh du kích toàn diện và lâu dài, đồng thời tích cực giúp đỡ cách mạng Lào”. Từ cuối năm 1965 đến năm 1968 máy bay Mỹ liên tục đánh phá, gây nhiều tội ác với đồng bào các dân tộc Lai Châu, song với tinh thần “không có gì quý hơn độc lập tự do”, không khuất phục trước kẻ thù, quân và dân Lai Châu sẵn sàng chia lửa với quân và dân miền Nam, tổ chức đánh máy bay Mỹ hàng trăm trận, bắn rơi 14 chiếc và làm bị thương nhiều chiếc khác. Chỉ tính riêng năm 1966 quân và dân Lai Châu đã bắn rơi 4 chiếc máy bay Mỹ và bắn bị thương 11 chiếc. Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, tỉnh còn huy động được hàng chục vạn ngày công mở các tuyến đường chiến lược, vận chuyển lương thực, vũ khí ra chiến trường, giúp bộ đội đào hầm, hào, di chuyển trận địa pháo.

Cùng với đánh địch trên không, nhiệm vụ đánh địch mặt đất cũng được đẩy mạnh. Nhằm ngăn chăn sự vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm của hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường miền Nam của ta, đế quốc Mỹ thường xuyên tung những toán gián điệp, biệt kích vào địa bàn để chỉ điểm bắn phá và phá hoại các kho tàng, cầu cống, đường xá. Quân và dân Lai Châu luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động đấu tranh có hiệu quả, diệt và bắt sống nhiều tên địch. Nổi bật như mùa khô năm 1966, bộ đội địa phương đánh bại các hoạt động phỉ ở sát biên giới Việt Nam - Lào, đập tan âm mưu thả gián điệp, biệt kích xâm nhập nội địa của ta; ngày 20/6/1967 lực lượng dân quân hai xã Mường Nhà và Hạnh phúc (nay là xã Phình Giàng, huyện Điện Biên Đông) đã tiêu diệt và bắt gọn toán biệt kích 12 tên khi vừa đặt chân xuống địa bàn; từ năm 1968 đến năm 1972 hằng năm quân và dân Lai Châu đã chiến đấu tiêu diệt và bắt gọn những toán biệt kích, gián điệp hàng trăm tên xâm nhập vào địa bàn và khu vực biên giới Việt - Lào. Cùng với đó, tỉnh tích cực chủ động đặt quan hệ hợp tác với hai tỉnh Luông Phrabăng và PhongSaLỳ của đất nước bạn Lào; thường xuyên cử cán bộ, chiến sỹ giúp đỡ cách mạng Lào với tinh thần sẵn sàng hy sinh xương máu vì sự nghiệp cách mạng nhân dân Lào anh em. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng vũ trang Lai Châu đã phối hợp với lực lượng vũ trang Lào đánh 71 trận, tiêu diệt và gọi ra hàng 600 tên địch, thu 400 khẩu súng các loại và nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng khác; Nhân dân các dân tộc Lai Châu đã giúp bạn 19 vạn ngày công phục vụ chiến đấu.

Từ những thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước quân và dân Lai Châu đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương và tặng nhiều phần thưởng cao quý. Trong đó, có 4 tập thể, 5 cá nhân được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 12.119 tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ các hạng (Nhất, Nhì, Ba); 7.167 tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, hạng Nhì và 2.173 chuyên gia quân tình nguyện Việt Nam giúp cách mạng Lào thời kỳ 1945 - 1975 được khen thưởng.

Kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2021), chúng ta mãi tự hào và biết ơn sự hy sinh to lớn của các anh hùng, các thế hệ cha ông ta đã chiến đấu anh dũng vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc; càng thêm tự hào, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới đất nước do Đảng lãnh đạo. Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Lai Châu tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết; chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường, quyết tâm vươn lên thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, sớm đưa nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa./.

Tác giả: Thái Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Văn bản mới

Số: 47/2024/TT-BTC

Thông tư Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ

lượt xem: 5220 | lượt tải:109

Số: 46/2024/TT-BTC

Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế

lượt xem: 4878 | lượt tải:113

Số: 72/2024/NĐ-CP

Nghị định Quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29 tháng 6 năm 2024 của Quốc hội

lượt xem: 5864 | lượt tải:162

Số: 43/2024/TT-BTC

Thông tư Quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh

lượt xem: 5811 | lượt tải:127

Số: 54/2024/NĐ-CP

Nghị dịnh Quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

lượt xem: 7040 | lượt tải:261
  • Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Lai Châu lần thứ V (2020-2025)

    Trong 2 ngày (27-28/7/2020) Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Lai Châu lần thứ V...

hienphapvn
  • Đang truy cập64
  • Hôm nay20,934
  • Tháng hiện tại592,609
  • Tháng trước668,260
  • Tổng lượt truy cập34,984,695
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down