Trong những năm qua, THTK-CLP luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành trong tỉnh đặc biệt quan tâm; công tác THTK-CLP đã có những chuyển biến tích cực, góp phần mang lại hiệu quả trong sử dụng nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, công tác THTK-CLP vẫn còn những hạn chế, ý thức, trách nhiệm của một số cơ quan, tổ chức, cá nhân về công tác này chưa đảm bảo, nên thực hiện còn hình thức; chống lãng phí chưa được xác định là khâu trọng tâm, then chốt để có giải pháp quyết liệt. Một số địa phương, cơ quan, đơn vị thiếu giải pháp cụ thể THTK-CLP, cộng với thiếu kiểm tra, đôn đốc nên kết quả chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác giám sát của các cơ quan dân cử, của các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là giám sát của Nhân dân chưa được phát huy, hiệu quả thấp.
Thủy điện Lai Châu cán đích sớm một năm so với kế hoạch
tiết kiệm cho ngân sách 5.000 tỷ đồng
Để đạt được mục tiêu, nhiệm vụ THTK-CLP trong những năm tới các cấp, các ngành cần tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Đề án tổng thể của Chính phủ tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và các đề án cơ cấu ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả; cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, thực hiện chính sách tài chính chặt chẽ... Đặc biệt là Chương trình THTK-CLP giai đoạn 2016-2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Theo đó, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các cấp, các ngành trong tỉnh chỉ tham mưu, đề xuất ban hành thêm các chính sách mới làm tăng chi ngân sách nhà nước khi thật sự cần thiết và có nguồn đảm bảo. Triệt để tiết kiệm chi ngân sách, lồng ghép các chính sách, xây dựng phương án tiết kiệm để thực hiện ngay từ khâu phân bổ dự toán và cả trong quá trình thực hiện; không tăng chi thường xuyên ngoài lương, phụ cấp và các khoản có tính chất lương. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn kinh phí cải cách tiền lương. Tăng cường giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách Nhà nước, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, lãng phí. Quản lý chặt chẽ tiết kiệm chi ngân sách nhà nước để giảm chi thường xuyên. Các cơ quan, đơn vị dự toán sử dụng ngân sách nhà nước phải phấn đấu tiết kiệm tối thiểu 12% chi hội nghị, hội thảo, tọa đàm; cử cán bộ, công chức, viên chức đi công tác; tiếp khách, khánh tiết, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm; sử dụng điện, nước, văn phòng phẩm, sách, báo, tạp chí... Hạn chế mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền. Không đề xuất, phê duyệt các đề tài nghiên cứu khoa học có nội dung trùng lặp, không khả thi. Các cơ quan, đơn vị xây dựng chỉ tiêu tiết kiệm trong dự toán, thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo công khai dự toán, công khai quyết toán ngân sách hằng năm.
Quán triệt và thực hiện nghiêm Luật Đầu tư công; thực hành tiết kiệm từ chủ trương đầu tư, cắt giảm các dự án không nằm trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thu hồi đối với các dự án đã được cấp phép đầu tư nhưng quá thời hạn quy định không triển khai thực hiện theo cam kết hoặc theo giấy phép; cắt giảm, tạm dừng các hạng mục công trình chưa thực sự cần thiết hoặc hiệu quả thấp; không để phát sinh thêm và xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản. Hoàn thiện tiêu chuẩn, định mức, chế độ làm cơ sở để thực hiện công tác THTK-CLP. Phân bổ, quản lý sử dụng vốn đầu tư công phải tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, định mức; ưu tiên bố trí đủ vốn để thu hồi các khoản vốn ứng đến hạn phải trả. Nâng cao chất lượng công tác khảo sát, thiết kế, giải pháp thi công, thẩm định dự án để tiết kiệm mức đầu tư. Đồng thời, công khai các dự án tại cơ sở để đẩy mạnh sự giám sát của cộng đồng dân cư và các đoàn thể với các dự án trên địa bàn.
Thực hiện triệt để tiết kiệm năng lượng, vật tư, chi phí đầu vào,
ứng dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng, tăng cường
tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh
Chống lãng phí trong mua sắm tài sản nhà nước thông qua việc đẩy mạnh mua sắm tài sản này theo phương pháp tập trung, áp dụng đối với loại tài sản có lượng mua sắm nhiều, giá trị mua sắm lớn, được sử dụng phổ biến ở nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tiến hành rà soát lại diện tích đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ hiện có để bố trí và sử dụng hợp lý, đúng đối tượng, đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ theo quy định hiện hành đảm bảo THTK-CLP. Các công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước và công ty cổ phần có vốn nhà nước chi phối thực hiện triệt để tiết kiệm năng lượng, vật tư, chi phí đầu vào, ứng dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng, tăng cường tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh; thực hiện tiết kiệm chi phí quản lý, tập trung giảm giá thành sản phẩm; tập trung vốn đầu tư vào ngành nghề sản xuất kinh doanh chính, không đầu tư dàn trải gây lãng phí, thất thoát vốn của nhà nước. Thực hiện kiểm toán bắt buộc và công khai tài chính các doanh nghiệp nhà nước; tăng cường giám sát thực hiện trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu, phát hiện kịp thời, xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với các hành vi gây lãng phí vốn, tài sản, lao động, tài nguyên, thiên nhiên.
Chống lãng phí trong sử dụng nguồn lực lao động, nâng cao chất lượng lao động, tăng hiệu suất, hiệu quả lao động; phấn đấu tinh giảm biên chế hành chính ở mức tối đa trên cơ sở nâng cao hiệu suất, hiệu quả làm việc trong cơ quan nhà nước. Quản lý chặt chẽ thời giờ lao động, kiểm tra, giám sát chất lượng và đảm bảo hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, công sở. Rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến tuyển dụng công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành và xử lý công việc. Các cơ quan, đơn vị phải công khai quy trình, thủ tục thực hiện cải cách hành chính khi giải quyết công việc có liên quan đến tổ chức, công dân; bố trí cán bộ, công chức có năng lực, trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu công việc nhằm tiết kiệm thời gian cho đơn vị, tổ chức và công dân. Thực hiện tốt Đề án vị trí việc làm và cơ cấu công chức theo ngạch trong các cơ quan hành chính, cơ cấu viên chức theo lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Chống lãng phí trong sử dụng tài nguyên thiên nhiên, trong xử lý ô nhiễm môi trường thông qua việc thực hiện tốt các quy hoạch, kế hoạch về sử dụng đất, quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản đã được phê duyệt. Công khai quy hoạch đất cho các tổ chức, cá nhân; quy định trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong việc thẩm định quy hoạch sử dụng đất nhằm khắc phục tình trạng quy hoạch sử dụng sai mục đích, không ổn định dẫn đến lãng phí. Kịp thơi thanh tra, kiểm tra và xử lý, thu hồi các diện tích đất, mặt nước sử dụng sai mục đích, sai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, sử dụng lãng phí, kém hiệu quả, bỏ hoang hóa và đất lấn chiếm trái quy định đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm.
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm góp phần tích cực bổ sung nguồn lực thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế
Mục tiêu, nhiệm vụ công tác THTK-CLP được xác định rất rõ, vấn đề đặt ra là phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong bộ máy hành chính nhà nước, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong THTK-CLP. Từ đó, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức THTK-CLP trên tất cả các lĩnh vực, gắn với công khai giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về THTK-CLP. Đảm bảo Chương trình THTK-CLP của tỉnh đạt hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực bổ sung nguồn lực thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định đời sống, tiêu dùng của Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII Đảng bộ tỉnh./.