Thực hiện Quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về luân chuyển cán bộ
Chủ nhật - 27/05/2018 13:158510
Quán triệt, thực hiện Quy định số 98-QĐ/TW, ngày 07/10/2017 của Bộ Chính trị, ngày 06/3/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định số 07-QĐ/TU về luân chuyển cán bộ, trong đó nêu rõ: Luân chuyển cán bộ là việc cử có thời hạn cán bộ trẻ, có năng lực, triển vọng, trong quy hoạch từ cấp trên xuống cấp dưới và ngược lại; giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của tỉnh nhằm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách cán bộ và làm cơ sở lựa chọn, bố trí, sử dụng cán bộ.
Quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra 6 quan điểm, nguyên tắc trong công tác luân chuyển cán bộ là: (1) Phải đặt dưới sự lãnh đạo thường xuyên, trực tiếp, toàn diện của các cấp ủy, tổ chức đảng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu; giải quyết tốt mối quan hệ giữa luân chuyển với ổn định và xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên sâu; vừa coi trọng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác, vừa coi trọng mục đích bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận.
(2) Phải bảo đảm tổng thể, đồng bộ, liên thông, thường xuyên, liên tục, có luân chuyển dọc, luân chuyển ngang giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh; phải gắn kết chặt chẽ với quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ.
(3) Bố trí cân đối, hài hòa giữa luân chuyển cán bộ với việc phát triển nguồn cán bộ tại chỗ. Nói chung, chỉ luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, không luân chuyển cán bộ làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ (trừ trường hợp nhằm mục đích tăng cường cán bộ cho cơ sở, cho lĩnh vực hoặc địa bàn cần thiết). Không điều động từ tỉnh về huyện, thành phố và ngược lại; từ huyện, thành phố về xã, phường, thị trấn và ngược lại; giữa các huyện, thành phố; giữa các xã, phường, thị trấn; giữa các cơ quan, đơn vị những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm sút, không có triển vọng phát triển.
(4) Cán bộ luận chuyển phải là cán bộ trẻ, trong quy hoạch, có triển vọng phát triển; có phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống và năng lực công tác tốt; quan tâm lựa chọn, phát hiện cán bộ trẻ có năng lực nổi trội.
(5) Việc luân chuyển cán bộ phải có kế hoạch cụ thể và có lộ trình từng bước thực hiện; có chế độ, chính sách phù hợp để tạo môi trường, điều kiện cho cán bộ luân chuyển phát huy năng lực, sở trường, chuyên môn, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, đồng thời quản lý, giám sát đối với cán bộ luân chuyển.
(6) Việc xem xét, bố trí cán bộ luân chuyển phải căn cứ vào quy hoạch cán bộ, yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tiễn; kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của điah phương, cơ quan, đơn vị gắn với trách nhiệm cá nhân của cán bộ được luân chuyển và kết quả nhận xét, đánh giá cán bộ.
Theo Quy định, phạm vi luân chuyển là từ tỉnh về huyện, thành phố và ngược lại; từ huyện, thành phố về xã, phường, thị trấn và ngược lại; giữa các huyện, thành phố; giữa các xã, phường, thị trấn; giữa các cơ quan, đơn vị khối đảng, nhà nước, MTTQ và các đoàn thể CT-XH, lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước.
Đối tượng là cán bộ trẻ, cán bộ có năng lực, triển vọng, trong quy hoạch của địa phương, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị. Cán bộ được luận chuyển để thực hiện chủ trương bố trí cán bộ không phải là người địa phương, cụ thể: Bí thư huyện ủy và tương đương; chủ tịch UBND cấp huyện; cán bộ lãnh đạo cấp trưởng các ngành thanh tra, tài chính cấp tỉnh, cấp huyện. Cán bộ được luận chuyển gắn với thực hiện chủ trương không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan, đơn vị.
Về chức danh bố trí luân chuyển, đối với cán bộ đã giữ chức vụ cấp trưởng 2 nhiệm kỳ liên tục và những cán bộ luân chuyển để thực hiện chủ trương không phải là người địa phương, khi luân chuyển chủ yếu bố trí làm cấp trưởng; đối với cán bộ trẻ luân chuyển để đào tạo, rèn luyện chủ yếu bố trí làm cấp phó.
Cán bộ luân chuyển phải đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện như: Có lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực và triển vọng phát triển; đáp ứng tiêu chuẩn, tiêu chí chức danh luân chuyển theo quy định. Có trong quy hoạch, có trình độ chuyên môn, đủ sức khỏe công tác theo tiêu chuẩn chức danh. Còn thời gian công tác ít nhất 2 nhiệm kỳ (10 năm), tính từ thời điểm đi luân chuyển (50 tuổi đối với nam, 45 tuổi đối với nữ, trừ cán bộ nữ thuộc diện được kéo dài thời gian công tác theo quy định); cán bộ luân chuyển để bố trí không phải người địa phương, không giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp phải đủ thời gian công tác ít nhất trọn một nhiệm kỳ. Thời gian luân chuyển ít nhất là 3 năm (36 tháng) đối với một chức danh (trừ chức danh kiêm nhiệm); trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Cấp có thẩm quyền theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ quyết định luân chuyển cán bộ: Xây dựng kế hoạch luân chuyển, thực hiện quy trình, thủ tục bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; quản lý, đánh giá, nhận xét, bố trí, phân công công tác đối với cán bộ sau luân chuyển; sơ kết, tổng kết công tác luân chuyển cán bộ. Trong đó, kế hoạch phải làm rõ các nội dung cơ bản: Nhu cầu, vị trí luân chuyển; hình thức luân chuyển; địa bàn luân chuyển; thời hạn luân chuyển; chế độ, chính sách cần thiết bảo đảm thực hiện; dự kiến phương án bố trí cán bộ sau luân chuyển...
Cơ quan nơi đi có trách nhiệm nhận xét, đánh giá, đề xuất cán bộ luân chuyển; phối hợp với cơ quan liên quan trong công tác quản lý, giám sát và giữ mối liên hệ thường xuyên với cán bộ luân chuyển; có trách nhiệm tiếp nhận, bố trị hoặc đề xuất bố trí công tác đối với cán bộ sau luân chuyển. Cơ quan nơi đến chấp hành nghiêm quyết định về luân chuyển cán bộ của cấp có thẩm quyền; có trách nhiệm bố trí công tác, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để cán bộ luân chuyển phát huy năng lực, sở trường; quản lý, đánh giá cán bộ; phối hợp với cơ quan liên quan đề xuất hướng bố trí, sử dụng cán bộ sau luân chuyển.
Cán bộ luân chuyển phải chấp hành nghiêm các quy định, quy chế, phân công của cấp có thẩm quyền, cơ quan nơi đi và nơi đến; tu dưỡng, rèn luyện, nỗ lực cố gắng, phát huy năng lực sở trường để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; chịu sự kiểm tra, giám sát, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý; giữ mối liên hệ của cơ quan nơi đi, cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ.
Khi hết thời hạn luân chuyển, cán bộ luân chuyển tự kiểm điểm về quá trình công tác trong thời gian luân chuyển. Ban thường vụ cấp ủy, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị nơi có cán bộ luân chuyển đến nhận xét, đánh giá cán bộ luân chuyển trong thời gian công tác tại địa phương, cơ quan, đơn vị. Cấp có thẩm quyền quyết định luân chuyển nhận xét, đánh giá về cán bộ luân chuyển.
Cũng theo Quy định, cán bộ luân chuyển được bố trí nhà ở công vụ, đối với những nơi không bố trí được nhà ở công vụ thì được hỗ trợ tiền thuê nhà; được hỗ trợ tiền đi lại, sinh hoạt phí; được bảo lưu chế độ, phụ cấp trách nhiệm hiện hưởng trong thời gian luân chuyển nếu chức danh luân chuyển có chế độ, phụ cấp trách nhiệm thấp hơn. Cán bộ luân chuyển có thành tích đặc biệt xuất sắc (có sáng kiến, sản phẩm công tác cụ thể được cấp có thẩm quyền công nhận) được xem xét nâng lương trước thời hạn, được ưu tiên bố trí công tác sau luân chuyển. Nếu cán bộ luân chuyển bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm sút, không có triển vọng phát triển phải kịp thời bố trí công tác khác cho phù hợp.
Quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu công tác luân chuyển cán bộ phải được đổi mới mạnh mẽ, đảm bảo dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng; ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, quan hệ dòng họ, thân quen,... Bảo đảm thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện thực tiễn; tạo nguồn cán bộ lâu dài cho tỉnh, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị. Tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu và cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ. Từ đó, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp của tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế