Nhận thức rõ được ý nghĩa, tầm quan trọng của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động đối với sự phát triển của tỉnh. Để Cuộc vận động được triển khai đồng bộ, thống nhất, với tinh thần quyết tâm, quyết liệt và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ngày 30/9/2016 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ra Quyết định số 239-QĐ/TU về ban hành Đề án tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” giai đoạn 2016 - 2020.
Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã nghiêm túc quán triệt và triển khai thực hiện Đề án, đưa Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trở thành một phong trào rộng khắp trong toàn tỉnh. Nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh sâu sắc, đầy đủ hơn, Cuộc vận động có sức lan tỏa rộng lớn, tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh; khơi dậy, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, yêu thương đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau xây dựng kinh tế, xóa đói giảm nghèo; xây dựng, thực hiện tốt quy chế dân chủ, các quy ước, hương ước, kỷ cương pháp luật được nâng lên.
Trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân phát huy nội lực, đổi mới phương thức sản xuất, tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của địa phương, đẩy mạnh liên kết, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm tạo ra chuỗi sản xuất, kinh doanh có sức cạnh tranh trong sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đến nay đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: vùng lúa đặc sản gần 3.000 ha, chè trên 7.000 ha, cao su trên 13.000 ha, mắc ca trên 4.000 ha, cây quế trên 6.300 ha, cây dược liệu 8.000 ha... Đã có 38 sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng 3 sao, 9 sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng 4 sao trong thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã hỗ trợ, tư vấn các hộ nghèo phát triển sản xuất; vận động xây dựng văn hóa và đạo đức trong sản xuất, kinh doanh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo tồn và phát triển các làng nghề; thực hiện quy hoạch và chỉnh trang lại khu dân cư. Vận động cán bộ, đảng viên, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và Nhân dân ủng hộ đóng góp trên 502 tỷ đồng (tiền mặt), hiến 2.142.500 m2 đất; góp 991.600 ngày công lao động và các vật liệu xây dựng (cát, sỏi, đá…) tương đương 61.923 triệu đồng để xây dựng nông thôn mới.
Các địa phương triển khai thực hiện Đề án gắn với thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Đến năm 2020 toàn tỉnh có 05/12 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, 24/94 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, 85% hộ gia đình, 74% thôn, bản, khu phố, 96% cơ quan, đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn văn hóa. Tập trung xây dựng các mô hình điểm về văn hóa nông thôn mới, duy trì hoạt động có hiệu quả 860 tổ đội văn hoá xã, đội văn nghệ thôn, bản, tổ dân phố; văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được giữ gìn và phát huy; các hủ tục lạc hậu từng bước được đẩy lùi. Lĩnh vực giáo dục - đào tạo được quan tâm, tích cực triển khai phong trào thi đua học tập trong gia đình, dòng họ, đơn vị, cộng đồng, đến nay có gần 79.000 hộ gia đình được công nhận “Gia đình học tập”; trên 1.500 "Dòng họ học tập"; trên 1.300 “Cộng đồng học tập”; 604 “Đơn vị học tập”; giai đoạn 2016 - 2020 đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho 31.739 lao động. Vận động Nhân dân tập luyện thể dục, thể thao; phòng chống các dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đến năm 2020 đạt 96%; tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (thể cân nặng) giảm xuống còn dưới 20%. Tuyên truyền, vận động thực hiện tốt công tác dân số kế hoạch hoá gia đình, không sinh con thứ 3, không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, xây dựng gia đình hạnh phúc, nâng cao chất lượng dân số. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng được đẩy mạnh, trong 5 năm quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” toàn tỉnh đã vận động được trên 5,6 tỷ đồng.
Thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, tuyên truyền, vận động các hộ gia đình và các khu dân cư đăng ký cam kết thực hiện các tiêu chí bảo vệ môi trường (hộ gia đình phấn đấu 4 tiêu chí, khu dân cư phấn đấu 7 tiêu chí); Nhân dân đã tích cực tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khu phố, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp. Ý thức về khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng của Nhân dân được nâng lên, tỷ lệ che phủ rừng trên địa tỉnh hiện nay đạt trên 50%. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh ước đạt 84%; tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh ước đạt gần 80%; 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông thôn đã cam kết giữ gìn vệ sinh môi trường; 100% xã, bản đăng ký xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp; 100% xã, bản đăng ký mai táng phù hợp theo quy hoạch; 100% các hộ dân cư, cơ sở kinh doanh cam kết thu gom rác thải đúng quy định; Tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch đạt trên 44%; số xã đạt tiêu chí về môi trường là 45/94 xã.
Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được đẩy mạnh, tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thực hiện có hiệu quả Đề án “Phát động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hoá giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư"; vận động trên 90% các hộ gia đình và khu dân cư đăng ký và cam kết thực hiện các tiêu chí bảo đảm an ninh trật tự khu dân cư; xây dựng 70 mô hình "Khu dân cư an ninh trật tự nông thôn" và các mô hình "Tổ tự quản", "Dòng họ tự quản", "Gia đình tự quản" làm nòng cốt trong công tác bảo đảm an ninh trật tự khu dân cư. Đến nay đã củng cố, xây dựng được 33/106 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy; 6 xã được Bộ Công an quyết định đưa ra khỏi diện trọng điểm phức tạp về ANTT đáp ứng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, có 92/94 xã đạt tiêu chí quốc phòng, an ninh. Phát huy tốt vai trò nòng cốt của 1.143 tổ hoà giải ở cơ sở, giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, bất hòa trong nội bộ Nhân dân, tạo sự đoàn kết ở khu dân cư. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện tốt phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng"; tích cực tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh; thực hiện Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp với Nhân dân trên địa bàn tỉnh (từ năm 2017 - 2020 đã tổ chức 133 hội nghị đối thoại).
Kết quả 5 năm thực hiện Đề án đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen của người dân tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường và thực hiện xóa đói, giảm nghèo, tình cảm của các gia đình trong khu phố, thôn bản được gần gũi, gắn bó, đoàn kết, tương trợ giúp nhau, hạn chế những mâu thuẫn trong nội bộ; Nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; tạo nguồn lực nội sinh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển nhanh và bền vững, Tỉnh ủy Lai Châu xác định: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động trong giai đoạn mới gắn với thực hiện có chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua “Nhân dân các dân tộc Lai Châu chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư". Huy động, lồng ghép các nguồn lực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc miền núi, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các chính sách hỗ trợ về đất đai, tín dụng,... phát triển sản xuất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; vận động Nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất để không ngừng nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế, tập trung vào các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện từng địa phương, phòng chống thiên tai, dịch bệnh; duy trì, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao; tạo sinh kế, việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho Nhân dân, giảm nghèo bền vững; ưu tiên nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, các thiết chế văn hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Tiếp tục giữ vững và nâng chất lượng, tính bền vững của các tiêu chí tại các phường, thị trấn đã đạt chuẩn văn minh, đô thị. Rà soát các tiêu chí chưa đạt theo quy định để chỉ đạo thực hiện, tập trung vào các phường, thị trấn dự kiến đạt chuẩn theo kế hoạch. Đưa nội dung thực hiện các tiêu chuẩn văn minh đô thị vào quy ước, hương ước của địa phương và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý xây dựng đô thị, quan tâm vệ sinh môi trường, các công trình công cộng, thực hiện nếp sống văn minh, chỉnh trang, đầu tư, cải tạo đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật đô thị,... Phát động phong trào toàn dân tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, xây dựng khu dân cư an toàn về an ninh trật tự, mô hình khu dân cư tự quản. Phấn đấu đến năm 2025 có trên 60% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh, đô thị; 57,5% xã đạt chuẩn nông thôn mới, thêm 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Tiếp tục phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong thực hiện Cuộc vận động; giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân, vai trò già làng, trưởng bản, người uy tín tiêu biểu; tổ chức tham gia đóng góp ý kiến xây dựng đảng, xây dựng chính quyền, nắm bắt, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của Nhân dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở.
Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giải quyết kịp thời các kiến nghị, vướng mắc của Nhân dân theo quy định. Tích cực đấu tranh với những hành vi tham nhũng, lãng phí; đấu tranh với các biểu hiện lợi dụng dân chủ gây rối trật tự xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc./.