Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ để lại cho Đảng ta, nhân dân ta những quan điểm về thi đua yêu nước, mà phong trào thi đua yêu nước do Người và Đảng ta phát động đã để lại những kinh nghiệm quý báu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức phong trào thi đua hiện nay. “Nói yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất" và chính Người cũng là một tấm gương thi đua mẫu mực. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho phong trào thi đua của nhân dân ta mang bản sắc dân tộc Việt Nam. Bản sắc đó là lòng yêu nước được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử, là đạo đức, văn hóa, cốt cách của dân tộc Việt Nam.
Thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong 70 năm qua cả nước đã dấy lên các phong trào thi đua yêu nước rất sôi nổi, hiệu quả và đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử trên con đường đấu tranh giành độc lập, thống nhất Tổ quốc và sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Thấm nhuần Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người, cùng với cả nước, tỉnh Lai Châu thường xuyên phát động, triển khai các phong trào thi đua yêu nước phù hợp với đặc điểm của từ thời kỳ và điều kiện của địa phương; phong trào thi đua ngày càng đi vào thực chất, bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, hưởng ứng Lời kêu gọi thi đua ái quốc, quân và dân Lai Châu tích cực tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên tất cả các mặt trận, vừa kháng chiến, vừa xây dựng cơ sở, bảo vệ hậu phương, động viên sức người, sức của cho chiến trường, góp phần quan trọng, trực tiếp cùng quân, dân cả nước làm nên thắng lợi hào hùng của dân tộc, đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” (7-5-1954).
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân các dân tộc Lai Châu hăng hái thi đua, đoàn kết một lòng, vừa khắc phục hậu quả chiến tranh, tiến hành hợp tác hóa, cải cách dân chủ, đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống nhân dân; vừa chiến đấu thắng lợi chống cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Đồng thời, huy động sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, góp phần cùng quân dân cả nước giành thắng lợi lịch sử mùa Xuân năm 1975, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, và làm tròn nghĩa vụ quốc tế với nước bạn Lào.
Các tầng lớp nhân dân trong tỉnh trong mỗi giai đoạn luôn hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước
Bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, phong trào thi đua tập trung vào các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế, ổn định sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Đồng thời, tập trung lãnh đạo thực hiện tốt công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh.
Đặc biệt, từ khi chia tách, thành lập cùng với những chủ trương, quyết sách, việc làm cụ thể, kịp thời và đồng bộ để phát triển của Đảng bộ tỉnh, các phong trào thi đua yêu nước được phát động sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, trên tất cả các lĩnh vực với nhiều hình thức phong phú, chủ đề rõ ràng, tiêu chí cụ thể, nội dung thiết thực, triển khai có hiệu quả. Nhờ vậy, sau gần 15 năm, Lai Châu đã có những bước phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá nhanh, GRDP năm 2017 đạt 11,66%, cơ cấu kinh tế các ngành chuyển dịch đúng hướng. Năm 2017, thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 2 nghìn tỷ đồng, tăng 54,8 lần so với năm 2004; tổng sản lượng lương thực đạt 215 nghìn tấn, tăng 75% so với năm 2004, bình quân đạt 488 kg/người, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 25 triệu đồng, tăng 9,6 lần so với năm 2004. Văn hóa - xã hội có nhiều khởi sắc, chất lượng giáo dục, đào tạo, hoạt động y tế, khám, chữa bệnh cho nhân dân được nâng lên rõ nét; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 60,57% năm 2006 xuống còn 29% năm 2017, đời sống vật chất và tình thần của đồng bào các dân tộc được nâng lên. Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, quan hệ đối ngoại mở rộng, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.
Thành công nổi bật của các phong trào thi đua trong những năm qua là từ một tỉnh kết cấu hạ tầng, đô thị hầu như chưa có gì khi mới thành lập, đến nay hệ thống hạ tầng giao thông, các thiết chế văn hóa, xã hội được đầu tư xây dựng khá đồng bộ; đã hình thành hệ thống đô thị mang bản sắc văn hóa dân tộc như: thành phố Lai Châu, các thị trấn Phong Thổ, Tam Đường, Tân Uyên. Từ một địa phương có nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu, manh mún, khép kín đến nay đã quy hoạch các vùng sản xuất lớn, hình thành phương thức sản xuất, kinh doanh mới với hơn 13 nghìn ha cây cao su, phát triển hơn 5 nghìn ha cây chè, trên 4 nghìn ha cây quế, trên 1,6 nghìn ha cây sơn tra, trên 5,3 nghìn ha cây ăn quả các loại... Hoàn thành di dân tái định cư gắn với thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới gần 10 nghìn hộ dân cho các công trình thủy điện lớn của đất nước trên địa bàn tỉnh. Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới phát triển rất mạnh mẽ, đến nay toàn tỉnh có 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới... Công nghiệp phát triển khá nhanh, nhất là thủy điện; hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu phát triển trên địa bàn; các thiết chế du lịch được quan tâm đầu tư, từng bước thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Lai Châu.
Những kết quả trên khẳng định, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Lai Châu luôn quán triệt sâu sắc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thấm nhuần Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; vận dụng sáng tạo, linh hoạt vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của tỉnh. Các phong trào thi đua đã tập trung hướng vào những trọng tâm, trọng điểm với tinh thần quyết tâm cao, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Phong trào thi đua trong những năm qua đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh
Tuy nhiên, Lai Châu vẫn còn là một tỉnh nghèo, điều kiện kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng và đời sống của nhân dân các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn. Đó vẫn là trăn trở của từng cấp, từng ngành, từng cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị và mỗi cán bộ, đảng viên phải làm thế nào để vượt qua, phải nỗ lực thi đua để đưa Lai Châu phát triển toàn diện, nhanh và bền vững; làm cho phong trào thi đua ái quốc trong toàn tỉnh thực sự “ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân" như lời Bác Hồ dạy.
Để làm được điều đó, đòi hỏi mỗi chúng ta phải thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về “Thi đua là yêu nước. Yêu nước thì phải thi đua”, “Thi đua ái quốc, hiện tại và tương lai vẻ vang của nước ta” và “Tưởng lầm rằng thi đua là một công việc khác với những công việc làm hằng ngày. Thật ra, công việc hằng ngày chính là nền tảng thi đua”,v.v.. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về vị trí, vai trò, tầm quan trọng và tính tất yếu của phong trào thi đua yêu nước đối với sự nghiệp đổi mới đất nước; qua đó, nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến trong hành động của mỗi tổ chức và cá nhân khi tham gia các phong trào thi đua yêu nước, nhất là đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị.
Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, gắn thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh, cơ quan, đơn vị với Chỉ thị 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tổ chức các phong trào thi đua thiết thực, sâu rộng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, bảo đảm tính phong phú, đa dạng, phù hợp và có chiều sâu, nhất là các phong trào thi đua nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh,... chú trọng vào việc xây dựng các mô hình mới, nhân tố mới.
Kịp thời lựa chọn, phát hiện, bồi dưỡng các mô hình điểm, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong các phong trào thi đua ở địa bàn cơ sở; các gương người tốt, việc, tốt, gương điển hình tiên tiến, nhân tố mới trong các phong trào thi đua yêu nước để tuyên truyền động viên, cổ vũ và nhân rộng, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Lồng ghép, gắn các phong trào thi đua yêu nước với rèn luyện đạo đức cách mạng, phát huy sáng kiến, thực hành tiết kiệm, chống quan liêu, tham ô, tham nhũng, lãng phí; chống chủ nghĩa hình thức, chạy theo số lượng, bỏ qua chất lượng; gắn khen thưởng nghiêm minh với xử phạt kịp thời, đúng người, đúng việc.
Phát huy kết quả đạt được trong 70 năm thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc, tiếp tục đưa các phong trào thi đua bám sát vào các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của tỉnh, nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo chủ quyền biên giới quốc gia, mở rộng quan hệ đối ngoại; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Góp phần xây dựng Lai Châu thành tỉnh trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc./.