Đảng bộ Lai Châu: 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thứ hai - 19/08/2019 05:181.1520
Trải qua 50 năm quán triệt và triển khai thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc Lai Châu đã phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời cho dân tộc Việt Nam và nhân loại. Ngày 2/9/1969, Người đã vĩnh biệt chúng ta, nhưng Người đã để lại cho Đảng ta, dân tộc ta di sản vô cùng to lớn và quí giá, đó là: tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; cùng với nhiều tác phẩm có ý nghĩa thời đại và giá trị tư tưởng, nhân văn sâu sắc; đặc biệt trong đó có bản Di chúc đã tác động sâu sắc tới mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Như Người viết đơn giản chỉ là “mấy lời để lại”, “tóm tắt vài việc”, nhưng sự đơn giản ấy lại chứa đựng những điều lớn lao, vĩ đại của người Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất. Đó là những vấn đề về xây dựng và chỉnh đốn Đảng cầm quyền, đạo đức cách mạng của cán bộ đảng viên; vấn đề Đảng phải có kế hoạch thực hiện các chính sách xã hội, phát triển kinh tế văn hóa, nguồn lực con người nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân; vấn đề xây dựng bồi dưỡng lực lượng cách mạng cho đời sau; về mục tiêu và động lực cách mạng; cuộc chiến đấu chống những cái cũ kỹ hư hỏng xây dựng những cái mới mẻ, tốt tươi; về đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân và đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại...
Thấm nhuần những tư tưởng nhân văn sâu sắc trong Di chúc của Người, 50 năm qua Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc Lai Châu đã luôn quán triệt và thực hiện nghiêm túc, với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, không quản khó khăn, gian khổ, hy sinh và giành được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực trong từng giai đoạn cách mạng của địa phương.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được quan tâm phát triển cả về lượng và chất. Các cấp ủy đảng luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Những chủ trương lớn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng triển khai thực hiện đồng bộ, bằng những biện pháp thiết thực. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng được chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên có sự đổi mới, phù hợp với yêu cầu trong từng giai đoạn cách mạng, chất lượng, hiệu quả từng bước được nâng lên. Công tác xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đảng viên được quan tâm, chú trọng phát triển đảng viên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 1970 toàn Đảng bộ tỉnh chỉ có 7000 đảng viên, đến tháng 3/2019 sau 15 năm chia tách, thành lập tỉnh mới, Đảng bộ Lai Châu đã có 13 Đảng bộ trực thuộc, 665 tổ chức cơ sở đảng, 2.029 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở, với trên 28.000 đảng viên, trong đó đảng viên thuộc Đảng bộ xã, phường, thị trấn có trên 18.500 đồng chí; năm 2015 Đảng bộ tỉnh đã hoàn thành mục tiêu 100% thôn, bản, tổ dân phố, trạm y tế, trường học có chi bộ. Chất lượng đảng viên từng bước được nâng lên; thực hiện tốt công tác quản lý đảng viên; chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; đổi mới kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên hằng năm đảm bảo nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy trình; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng, gắn với thường xuyên rà soát, sàng lọc đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Kết quả đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, đảng viên được nâng cao qua từng năm; năm 2018, toàn Đảng bộ có trên 90% tổ chức cơ sở Đảng và trên 93% đảng viên được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, không có tổ chức đảng yếu kém kéo dài. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên được nâng lên. Bản lĩnh chính trị của các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên ngày càng được nâng lên, quyết tâm vượt mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ; luôn quan tâm đến lợi ích của Nhân dân, được Nhân dân đồng tình ủng hộ, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, chăm lo nâng cao đời sống Nhân dân các dân tộc. Đảng bộ tỉnh luôn bám sát chủ trương, nghị quyết của Trung ương, căn cứ điều kiện đặc thù của địa phương cụ thể hóa thành các nghị quyết, chương trình, đề án về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội phù hợp trong từng giai đoạn cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với tinh thần vừa “sản xuất, vừa chiến đấu”, “tiếng hát át tiếng bom”... dù còn nhiều khó khăn, song đời sống của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh từng bước được cải thiện. Trong công cuộc đổi mới Đảng bộ xác định được hướng đi đúng trong phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu kinh tế theo hướng: nông - lâm - công nghiệp khai khoáng, chế biến và dịch vụ, tập trung đầu tư vào một số vùng trọng điểm nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế tại chỗ, gắn với tăng cường khối đoàn kết các dân tộc, tạo ra những chuyển biến quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt sau 15 năm chia tách, thành lập tỉnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt gần 12%/năm; năm 2018 thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 2000 tỷ đồng, tăng gấp 62 lần so với năm 2004, thu nhập bình quân đầu người tăng 12,7 lần; tỷ lệ hộ đói nghèo giảm nhanh, chỉ còn gần 25%. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng với tốc độ khá nhanh. Đến nay, 100% xã có mặt đường cứng hóa đến trung tâm xã; 100% xã, phường, thị trấn và 93% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 80,5% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 87% dân số đô thị được sử dụng nước sạch. Tỉnh đã có 29/96 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Giáo dục - Đào tạo phát triển; hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở được củng cố; chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân được nâng lên. Các hoạt động thông tin, báo chí, phát thanh - truyền hình, văn hoá, văn học - nghệ thuật, thể dục - thể thao từng bước được phát triển; đời sống văn hóa tinh thần Nhân dân các dân tộc được nâng cao; các tập quán, hủ tục lạc hậu từng bước được đẩy lùi.
Về bồi dưỡng xây dựng lực lượng cách mạng cho đời sau, được Đảng bộ quán triệt sâu sắc và luôn quan tâm thực hiện. Thường xuyên giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lôi sống, lòng yêu nước lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ. Trong từng giai đoạn cách mạng, tổ chức triển khai nhiều hoạt động, phong trào cách mạng để đoàn viên, thanh niên rèn luyện, phấn đấu, xung kích, tình nguyện. Đặc biệt là sau khi chia tách, thành lập tỉnh mới, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức vừa thiếu về số lượng, một bộ phận cán bộ trẻ còn hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ, năng lực, thiếu kinh nghiêm thực tiễn, Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cả về lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ. Sau 15 năm, tỉnh đã mở lớp đào tạo, bồi dưỡng và cử cán bộ đi học tại các trường trong cả nước được 137.132 lượt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Cùng với đó, công tác giáo dục - đào tạo trong các trường phổ thông cũng được chú trọng. Tỉnh ủy đã ban hành các chương trình, nghị quyết, đề án về phát triển giáo dục - đào tạo trên địa bàn tỉnh như: Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của BCH Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Đề án về nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020... cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư, đội ngũ cán bộ, giáo viên tăng về số lượng và chất lượng; đến hết năm 2018 toàn tỉnh có 134 trường đạt chuẩn quốc gia; chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên. Công tác chăm lo bồi dưỡng cho thế hệ trẻ đã góp phần quan trọng từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng của địa phương.
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong Nhân dân và đoàn kết quốc tế, Đảng bộ tỉnh luôn quan tâm chăm lo xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ, lãnh đạo Nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn cách mạng; đồng thời là cơ sở xây dựng khối đoàn kết các dân tộc, tuyên truyền, vận động Nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh làm thất bại âm mưu chia rẽ khối đoàn kết dân tộc của kẻ thù, giữ vững an ninh trật tự, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới của Tổ quốc. Xây dựng tốt mối quan hệ với các địa phương các nước láng giềng, xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển. Đặc biệt là sau khi chia tách, thành lập tỉnh, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy truyền thống đoàn kết, khắc phục khó khăn, đẩy lùi các tiêu cực xã hội, các hủ tục lạc hậu, xây dựng Lai Châu ổn định và từng bước ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, tình trạng kém phát triển và thành tỉnh trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc.
Những tư tưởng lớn, những phẩm chất đạo đức trong sáng và chủ nghĩa nhân văn cộng sản tỏa sáng từ Di chúc lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch đường, chỉ lối cho chúng ta. Qua 50 năm thực hiện Di chúc của Người, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc lai Châu đã vận dụng sáng tạo, xây dựng Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, xây dựng Lai Châu ổn định và phát triển toàn diện.
Trước yêu cầu phát triển của tỉnh trong tình hình mới, đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục quán triệt và vận dụng sáng tạo, phù hợp những tư tưởng, định hướng lớn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể của địa phương, quyết tâm xây dựng Lai Châu phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, thành tỉnh trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc vào năm 2020. Góp phần cùng với cả nước xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn theo đúng nguyện ước của Người./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế