Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, Người đã đi xa nhưng người đã để lại cho Đảng ta, dân tộc ta một tài sản tinh thần vô giá đó là tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức Hồ Chí Minh và phong cách Hồ Chí Minh.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là niềm vinh dự và tự hào, trở thành nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên đối với mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân Việt Nam trong quá trình rèn luyện, tu dưỡng để trở thành những công dân tốt, người lao động tốt.
Với tinh thần đó từ năm 2003 đến nay Bộ chính trị, Ban Bí thư đã ban hành các chỉ thị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, việc tổ chức giáo dục, học tập trong thế hệ trẻ được coi trọng; đặc biệt là đối với các trường phổ thông, việc đưa nội dung tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào dạy học là hết sức cần thiết nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.
Bộ Chính trị chỉ rõ: “Tiếp tục chỉ đạo biên soạn chương trình, giáo trình về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân và các học viện, trường chính trị, trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp, bảo đảm phù hợp với từng cấp học, bậc học và với yêu cầu giáo dục, đào tạo. Đối với học sinh phổ thông, dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, học tập về đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với giáo dục công dân, đạo đức nghề nghiệp”. Đây là chủ trương đúng đắn và rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay, nhất là khi chúng ta đang thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Quán triệt tinh thần đó, trong thời gian vừa qua Tỉnh ủy Lai Châu đã quan tâm chỉ đạo việc đưa nội dung về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với nội dung học tập và làm theo lời Bác dặn trong Thư gửi đồng bào và cán bộ Lai Châu vào giảng dạy trong các trường phổ thông. Được thể hiện tại Kế hoạch số 57-KH/TU về thực hiện Chỉ thị 05 giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch thực hiện chỉ thị 05 hằng năm của Tỉnh ủy.
Trên cơ sở chỉ đạo của Tỉnh ủy, ngành giáo dục - đào tạo tỉnh đã quán triệt và triển khai nghiêm túc trong toàn hệ thống các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo đưa tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo biên soạn; cùng với tài liệu “Làm theo lời Bác dặn trong Thư gửi đồng bào và cán bộ Lai Châu” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo biên soạn vào giảng dạy cho học sinh từ lớp 2 đến lớp 12 trong các trường phổ thông. Trong đó, đã có nhiều trường Trung học phổ thông và giáo viên tích hợp lồng ghép giảng dạy một số câu chuyện gần gũi kể về Bác trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người trong các môn học ngữ văn, lịch sử, giáo dục công dân... Nhiều giáo viên đã chú trọng thực hiện tích hợp nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo các phương pháp dạy học tích cực, giáo viên tổ chức, hướng dẫn tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia các hoạt động học tập, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân, rèn luyện thói quen và khả năng tự học, phát huy tiềm năng sáng tạo và những kiến thức, kỹ năng đã tích lũy được để phát triển. Ngoài ra nhiều trường còn tổ chức lồng ghép trong các hoạt động ngoại khóa như: chào cờ đầu tuần (đọc những câu chuyện, bài thơ, kể chuyện về Bác...); sinh hoạt lớp; hoạt động đoàn, đội...; một số trường tổ chức các cuộc thi viết, thi kể chuyện về Bác Hồ tạo ra không khí sôi nổi và khuyến khích học sinh tích cực tìm hiểu về Bác Hồ. Cùng với đó, đoàn thanh niên trong các trường học gắn việc học tập và làm theo Bác với các hoạt động, các phong trào đoàn “Thanh niên làm theo lời Bác”, “Thiếu nhi Việt Nam thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy”; “Tuổi trẻ Lai Châu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè”... thu hút các học sinh là đoàn viên, thanh thiếu niên tham gia; vai trò xung kích của đoàn viên được phát huy trong các phong trào thi đua học tập tốt; xây dựng trường, lớp xanh, sạch, đẹp.
Trong các trường tiểu học, nhiều trường đã tổ chức giảng dạy tích hợp nội dung bộ tài liệu trong môn học đạo đức, giáo dục công dân, các môn học có liên quan và tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, các buổi sinh hoạt lớp, hoạt động đoàn, đội. Đặc biệt đối với hệ mầm non, một số trường đã chỉ đạo và nhiều giáo viên cũng đã tích hợp và lồng ghép nội dung giáo dục cho trẻ về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, về Bác Hồ kính yêu. Với những hình thức, nội dung hết sức linh hoạt theo hướng tích hợp trong tất cả các lĩnh vực về giáo dục phát triển thể chất, giáo dục phát triển nhận thức, giáo dục phát triển ngôn ngữ, giáo dục phát triển thẩm mỹ. Nhất là trong lĩnh vực giáo dục phát triển tình cảm và kỹ năng xã hội, được tổ chức lồng ghép trong chế độ sinh hoạt hằng ngày của trẻ về hình ảnh của Bác với các cháu thiếu nhi, các địa danh gắn liền với các hoạt động của Bác như: lăng Bác Hồ, ao cá, nhà sàn Bác Hồ... và qua các bài hát, bài thơ, câu chuyện kể về Bác, đã hướng đến hình thành ở trẻ những tình cảm tốt đẹp đối với Bác và bước đầu hướng cho các cháu làm theo 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng.
Những kết quả trên đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách cho học sinh và thúc đẩy động cơ phần đấu, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cho cán bộ, giáo viên và các em học sinh trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn một số cán bộ quản lý và giáo viên ngành giáo dục chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này, do đó chưa thực sự quan tâm chỉ đạo; chưa thực sự tâm huyết, đầu tư, nghiên cứu tìm hiểu, nắm vững về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để đưa vào giảng dạy; hình thức, nội dung giảng dạy chưa phong phú, thiếu sinh động. Một số trường, một số giáo viên mới chỉ thực hiện theo tài liệu, không có sự mở rộng, chất lượng, hiệu quả không cao.
Để tiếp tục tăng cường và nâng cao chất lượng giáo dục về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho học sinh trong thời gian tới, ngành giáo dục - đào tỉnh xác định: tiếp tục nắm vững và chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục - Đào tạo và của Tỉnh về việc đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào giảng dạy trong hệ thống các trường học. Hướng dẫn cụ thể việc tích hợp nội dung, hình thức, phương pháp, dung lượng tích hợp để có sự thống nhất trong toàn tỉnh và đảm bảo phù hợp với từng cấp học (phù hợp với từng đối tượng học sinh). Tiếp tục tập trung chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức giáo dục bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp; khuyến khích giáo viên, học sinh tích cực, tự giác tìm hiểu về Bác Hồ, về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (tổ chức các cuộc thi, hội thi, lồng ghép trong các hoạt động ngoại khóa sinh hoạt đoàn, đội, sinh hoạt lớp, lồng ghép trong chào cờ đầu tuần....). Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào giảng dạy trong các trường học; kịp thời phát hiện biểu dương nhân rộng những điển hình, cách làm hay, sáng tạo, chấn chỉnh, phê bình những trường học thực hiện không nghiêm túc, không hiệu quả để tránh việc tổ chức hình thức...
Đặc biệt, quan tâm việc tiếp tục triển khai cuộc vận động lớn của ngành: “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” vừa khuyến khích cán bộ, giáo viên tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu vươn lên, vừa làm gương cho học sinh noi theo./.