Sau chia tách tỉnh năm 2004 đến nay, Lai Châu đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế và cơ bản đã đưa địa phương ra khỏi tình trạng kém phát triển. Dù địa phương đã ban hành nhiều chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, tích cực tổ chức gặp gỡ đối thoại, chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng vẫn chưa thu hút được đầu tư và nhiều năm liền chỉ số năng lực cạnh tranh PCI luôn đứng ở tốp dưới bảng xếp hạng. Cụ thể, năm 2014 chỉ số PCI của tỉnh đứng thứ 62/63 tỉnh thành trong cả nước, với 50,60 điểm, trong các chỉ số thành phần như: gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí thời gian, hỗ trợ doanh nghiệp… Lai Châu đều đạt thấp.
Hiện nay, Lai Châu đang huy động tối đa các nguồn lực để phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, đến năm 2020 trở thành tỉnh trung bình của khu vực miền núi phía Bắc. Một trong những nguyên nhân, cản trở Lai Châu phát triển là môi trường sản xuất kinh doanh, môi trường cạnh tranh, năng lực công tác toàn diện của tỉnh. Do đặc thù của một tỉnh miền núi, xuất phát điểm thấp, cộng với giao thông khó khăn nên chỉ số PCI của tỉnh vẫn đạt thấp. Để cải thiện các chỉ số thành phần, tiến tới cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh PCI, tỉnh Lai Châu đang quyết tâm yêu cầu các sở, ngành, địa phương xác định rõ trách nhiệm, chủ động thực hiện quyết liệt các giải pháp.
Đồng chí Đỗ Ngọc An, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Để cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh của tỉnh, Lai Châu tiếp tục thực hiện tốt ba giải pháp đột phá chiến lược là xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ chỉ đạo làm quy hoạch một cách đồng bộ ở các địa phương, các ngành, các lĩnh vực, từ đó mời gọi các nhà đầu tư trên địa bàn. Để lam được điều này, các cấp chính quyền, từ người đứng đầu đến đội ngũ cán bộ công nhân viên chức phải thể hiện tinh thần trách nhiệm, tận tụy trong làm việc, trong mối quan hệ với các doạnh nghiệp, tạo môi trường thật sự cở mở, công khai, minh bạch với các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn.
Tại Hội thảo, đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, các chuyên gia kinh tế, cũng như các sở, ngành tỉnh Lai Châu đã tập trung phân tích, làm rõ kết quả chỉ số PCI những năm qua của địa phương, nhất là năm 2014; đồng thời đưa ra kinh nghiệm của một số cách làm thiết thực, hiệu quả của nhiều địa phương trong cả nước. Các chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương cũng đã phân tích những nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến các chỉ số thấp, đề xuất giải pháp nâng cao chỉ số PCI của tỉnh. Trong đó, tập trung phân tích, đánh giá, môi trường kinh doanh của Lai Châu từ kết quả điều tra PCI của tỉnh những năm qua, nhất là kết quả điều tra PCI năm 2014; cũng như đánh giá, đưa ra các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Lai Châu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế cao cấp, nguyên Viện trưởng Viên Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương trình bày tại Hội thảo
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế cao cấp, nguyên Viện trưởng Viên Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương vui mừng cho biết: Lai Châu tổ chức Hội thảo này là đã muốn thể hiện quyết tâm, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới. Đường hướng của Chính phủ đã chỉ rõ là phải cải cách các thể chế, cải cách các thủ tục, giảm bớt thời gian và tiền bạc mà doanh nghiệp cần để mà kinh doanh. Ví dụ như số thủ tục về thuế, số thủ tục về hải quan, rồi các thủ tục khác như là về đất đai, về xây dựng phải giảm đi và sự tiếp cận đối với điện cũng phải được cải thiện. Tôi rất mừng là các đồng chí lãnh đạo của Lai Châu đã nhận thức đầy đủ yêu cầu đó và đang hết sức đẩy mạnh để có thể phát triển.
Với sự tư vấn của các chuyên gia kinh tế và sự quyết liệt vào cuộc của các cấp chính quyền tỉnh Lai Châu, tin rằng môi trường đầu tư và chỉ số năng lực canh tranh PCI tỉnh Lai Châu sẽ sớm được cải thiện./.