Thực hiện trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng sang xây dựng các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh, các cấp, ngành, địa phương và Nhân dân đã tích cực vào cuộc. Qua đó chung sức phấn đấu trồng rừng thay thế bằng hoặc vượt diện tích đã chuyển đổi, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng, tạo điều kiện người dân tham gia chăm sóc, quản lý bảo vệ, hưởng lợi từ rừng.
Với vị trí đầu nguồn sông Đà, những cánh rừng của tỉnh ta có vai trò đặc biệt quan trọng, cung cấp, điều tiết nguồn nước, phòng hộ đầu nguồn, chống bồi lắng lòng hồ cho các công trình thủy điện lớn như: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu và một số thủy điện vừa, nhỏ khác. Đến hết năm 2014, trên địa bàn tỉnh ta có 9 công trình thủy điện được phê duyệt, hiện đã hoàn thành và đang thi công xây dựng gồm thủy điện: Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát, Nậm Na 1, Nậm Na 2, Nậm Na 3, Nậm Nghẹ, Nậm Mở 3 với khoảng 2.425,11ha rừng bị ảnh hưởng. Theo quy định tại Thông tư số 24/2013/TT-BNNPTNT, ngày 6/5/2013 của Bộ Nông nghiệp & PTNT thì chủ đầu tư các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng có trách nhiệm tổ chức trồng bì lại diện tích rừng đã sử dụng. Tuy nhiên, khi xây dựng phương án, các chủ đầu tư đều nêu khó khăn không thể tự thực hiện trồng rừng được và đề xuất xin nộp tiền về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh ta để điều tiết trồng rừng thay thế. Dự tính tổng số tiền các chủ đầu tư phải nộp khoảng 123 tỷ đồng (số tiền đã thu 21,2 tỷ đồng, số còn lại 101,8 tỷ đồng).
Ông Nguyễn Văn Biển - Chi cục Trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh cho biết: “Để thực hiện tốt công tác trồng rừng thay thế, chúng tôi phối hợp các huyện, thành phố chỉ đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ chủ động khảo sát, xây dựng hồ sơ thiết kế kỹ thuật dự án. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách tới tổ chức, toàn thể Nhân dân nhằm nâng cao ý thức bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng, đất lâm nghiệp. Cùng đó, tổ chức tập huấn, tuyên truyền, tham quan thực tế làm thay đổi nhận thức người dân tích cực tham gia thực hiện dự án”.
Trong năm 2015, các địa phương đã khảo sát trồng rừng thay thế trên diện tích đất quy hoạch rừng sản xuất để tạo điều kiện cho bà con trực tiếp tham gia thực hiện trồng, chăm sóc, quản lý. Nhiều hộ gia đình có đất cũng tiên phong làm đơn đăng ký để trồng rừng. Các thôn, bản, khu phố ngoài việc tham gia trồng rừng thay thế còn thành lập tổ xung kích phòng cháy chữa cháy rừng, phối hợp cán bộ kiểm lâm tuần tra, bảo vệ rừng. Đồng thời, họp bàn xây dựng hương ước, quy ước trong công tác bảo vệ, phát triển rừng. Các ngành chức năng thực hiện đầy đủ, nghiêm túc việc thanh, quyết toán nguồn vốn của các chủ đầu tư để người dân gắn bó hơn với trồng, chăm sóc rừng.
Ngoài ra, Cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố cũng huy động hệ thống chính trị vào cuộc quyết tâm tổ chức thực hiện công tác trồng rừng thay thế tại tỉnh. Tân Uyên được biết đến là huyện đi đầu trong công tác trồng rừng nói chung và rừng thay thế nói riêng. Theo đó, Huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng Ban để tổ chức triển khai, đồng thời họp bàn đưa ra giải pháp thực hiện chỉ tiêu trồng rừng thay thế với cây có giá trị kinh tế cao. Các thành viên Ban Chỉ đạo và UBND xã, thị trấn phối hợp phòng chuyên môn của huyện xuống thôn bản hướng dẫn cách trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng.
Ông Bùi Huy Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên chia sẻ: “Thực hiện kế hoạch trồng rừng thay thế, năm 2015, 500 hộ thuộc 2 xã: Nậm Cần, Nậm Sỏ trồng 586ha quế. Đến nay, 446ha có tỷ lệ cây sống đạt trên 85%, 140ha có tỷ lệ sống đạt từ 50-85%. Đây là điều kiện giúp huyện khai thác tiềm năng quỹ đất, giải quyết việc làm cho người lao động để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới bền vững”.
Kết thúc trồng rừng thay thế năm 2015 toàn tỉnh trồng được 1.518,45ha, trong đó huyện Tân Uyên trồng 586ha, Than Uyên 263ha, Sìn Hồ 368ha, Mường Tè 70ha, Phong Thổ 117,95ha; đặc biệt Thành phố Lai Châu và huyện Tam Đường không được giao kế hoạch trông rừng thay thế nhưng vẫn xin đăng ký trồng được 113,5ha. Cơ cấu giống chủ yếu trồng cây có giá trị kinh tế cao, cây đa mục đích, cây gỗ lớn như: Quế, Sơn Tra, Thông Mã Vĩ, Sấu, Lát, Giổi… với kinh phí ước giải ngân năm 2015 là 32 tỷ đồng (hiện đã tạm ứng, thanh toàn 5,3 tỷ đồng cho các huyện, thành phố); tỷ lệ cây sống đạt trên 90%.
Có thể nói, với sự đoàn kết, nỗ lực và sự vào cuộc tích cực các cấp, ngành, địa phương, Nhân dân đã, đang góp phần hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng thay thế. Đây là tiền đề để tình tiếp tục thực hiện phủ xanh diện tích rừng đã chuyển mục đích sử dụng sang xây dựng các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh trong những năm tiếp theo. Tương lai không xa, trên diện tích đất trống, đồi núi trọc sẽ phủ màu xanh của rừng, tạo điều kiện người dân có thêm thu nhập từ việc khoanh nuôi, chăm sóc, bảo vệ rừng; góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh năm 2020 đạt trên 50%./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế