Hiệu quả sau đầu tư của các công trình nước sinh hoạt đã phát huy được tác dụng
Thứ hai - 09/05/2016 00:154380
Đó là một trong những ý kiến kết luận của đồng chí Phạm Văn Huỳnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh tại buổi thông qua kết luận giám sát việc quản lý và sử dụng sau đầu tư đối với các công trình nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh (ngày 06/5).
Báo cáo kết quả giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh nêu rõ: Tổng số công trình cấp nước sinh hoạt hiện có trên địa bàn tính đến hết năm 2015 là 803 công trình, trong đó 508 công trình cấp nước sinh hoạt được đầu tư mới, sửa chữa, nâng cấp đưa vào sử dụng từ năm 2011 đến năm 2015. Trong 2 năm 2014 - 2015 Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Sở Tài chính bước đầu rà soát, xây dựng báo cáo kê khai lần đầu, nhập, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu được 801 công trình vào phần mềm quản lý các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn và rà soát hiện trạng đã tổng hợp, xây dựng dữ liệu 179 công trình có thay đổi hiện trạng, bổ sung báo cáo lần đầu 29 công trình, xóa dữ liệu 15 công trình và đang thực hiện nhập, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu về công trình. Tổng số công trình cấp nước sinh hoạt hiện có trên địa bàn toàn tỉnh: 803 công trình, cấp nước sinh hoạt cho nhân dân 96 xã, thị trấn với 1.025 thôn, bản, tổ dân phố. Số hộ dân, nhân khẩu ở nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt từ công trình cấp nước tự chảy là 37.686 hộ/71.885 hộ bằng 52,4% tổng số hộ, với 191.659 khẩu /359.401 khẩu bằng 53,3% tổng số khẩu.
Báo cáo cũng nêu ra một số tồn tại trong việc quản lý sử dung các công trình như: Hiệu quả đầu tư một số công trình chưa cao, số công trình cấp nước sinh hoạt được đầu tư mới, sửa chữa, nâng cấp đưa vào sử dụng từ năm 2011 đến năm 2015 trên địa bàn tỉnh cấp nước sinh hoạt cho 28.361 hộ/41.292 hộ bằng 68,7% so với thiết kế. Số các công trình hoạt động kém hiệu quả và không hoạt động 121 công trình chiếm 23,8% tổng số công trình. Công tác khảo sát, tính toán thủy văn ở một số dự án chưa tốt dẫn đến công trình không đáp ứng nhu cầu nước về mùa khô, nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, có sự tranh chấp về sử dụng nguồn nước. Chất lượng nước ở một số công trình không cao, hệ thống bể lọc không có tác dụng, nước được lấy từ kênh thủy lợi. Công trình đầu tư manh mún không đáp ứng hài hoà nhu cầu lợi ích dùng nước của nhân dân dẫn đến công trình bị phá và xuống cấp.
Trong số 508 công trình cấp nước sinh hoạt được đầu tư mới, sửa chữa, nâng cấp đưa vào sử dụng từ năm 2011 đến năm 2015 có 306 công trình có hồ sơ xây dựng. Hầu hết các công trình chưa có những tài liệu, hồ sơ khác theo quy định tại Thông tư số 54/2013/TT-BTC ngày 04/5/2013 của Bộ Tài chính; Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp, chi trả tiền sử dụng nước sinh hoạt chưa được nhiều làm ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý sử dụng, vận hành của các công trình. Công tác phối hợp, theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn đối với các đơn vị quản lý công trình nước sinh hoạt có nơi chưa chặt chẽ, số liệu báo cáo không thống nhất. Các ban quản lý của xã, thị trấn, các tổ quản lý vận hành ở thôn, bản chưa xây dựng được quy trình quản lý, vận hành các công trình, hiệu quả hoạt động không cao.
Tại buổi kết luận giám sát: đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan đồng tình với những tồn tại mà đoàn giám sát nêu. Tuy nhiên, có đại biểu đề nghị cần nêu rõ nguyên nhân của những tồn tại đó là do không chủ động được kinh phí để khắc phục, sửa chữa kịp thời các công trình nước sinh hoạt khi bị hư hỏng; công tác thu phí còn khó khăn do địa hình chia tách, nhiều dân tộc; do tổ chức quản lý vận hành trình độ quản lý không đồng đều. Có đại biểu đề nghị nên kiến nghị với UBND tỉnh tăng cường tuyên truyền cho nhân dân nâng cao ý thức trong quản lý các công trình nước sạch...
Kết luận buổi họp, đồng chí Phạm Văn Huỳnh đánh giá cao công tác chỉ đạo điều hành, vận động nhân dân trong quản lý sử dụng nước; UBND tỉnh đã quan tâm bố trí nguồn vốn đầu tư đáp ứng nguồn nước sinh hoạt cho đồng bào; nhiều công trình đã phát huy được tác dụng, quản lý vận hành tốt; hiệu quả công trình sau đầu tư nhìn chung phát huy tác dụng. Tuy nhiên, đồng chí cũng nêu rõ tồn tại trong công tác tuyên truyền, trách nhiệm quản lý công trình sau đầu tư có lúc chưa được quan tâm đúng mức; công tác lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp quản lý công trình sau đầu tư còn hạn chế; chưa thực hiện hướng dẫn ban hành giá nước theo quy định; công tác quản lý, vận hành công trình ở cơ sở chưa được theo dõi, triển khai theo đúng quy định tại thông tư 54/2013 của Bộ Tài Chính. Đồng chí chủ trì đề nghị, UBND tỉnh cần chỉ đạo UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc quy định tại Thông tư 54/2013; chỉ đạo các chủ đầu tư sớm hoàn thiện quyết toán công trình hoàn thành; làm rõ trách nhiệm của các chủ đầu tư các công trình hoạt động không hiệu quả; có kế hoạch bố trí vốn để sửa chữa các công trình; chỉ đạo các ngành liên quan tham mưu ban hành khung giá nước sinh hoạt theo quy định./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế