Được biết, 17 giờ chiều ngày 4/7, đơn vị thi công đã mở được đường công vụ tạm thời (tại km 46+450) thông tuyến cho các phương tiện tham gia giao thông và người đi bộ qua lại. Tuy nhiên, những ngày gần đây, lượng mưa to tiếp tục kéo dài, nước trong lòng đồi ùn ra, đẩy bùn, đất sạt xuống, làm ảnh hưởng lớn đến việc đảm bảo an toàn giao thông. Trước thực trạng trên, Sở Giao thông Vận tải tỉnh đã chỉ đạo Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng Cầu đường 3 huy động hơn 30 công nhân, 8 máy xúc, ủi đất đá để thông đường và đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực sạt lở. Sở đã quy định thời gian (chặn xe 2 đầu đường) thi công 3 ca/ngày (sáng từ 9 giờ đến 11 giờ; chiều từ 14 giờ đến 17 giờ và tối từ 22 giờ đến 4 giờ sáng). Theo đó, thời gian thông tuyến sáng từ 4 giờ đến 9 giờ; trưa từ 11 giờ đến 14 và tối từ 17 giờ đến 22 giờ. Với quy định trên, ngành giao thông vận tải tỉnh khuyến cáo người dân tham gia giao thông tại tuyến đường này cần biết được thời gian thông tuyến đến đi lại thuận lợi, không tốn thời gian chờ đơn vị thi công thông tuyến.
Ông Đặng Trấn Quốc - Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng Cầu đường 3 cho biết: “Sau khi gạt hết lớp bùn, đất, Công ty phải đổ hơn 800m3 đá hộc xuống nền đường công vụ (dài hơn 100m) để các phương tiện tham gia giao thông không bị lún. Tuy nhiên, cốt đường yếu, một số xe trở máy nặng đi qua làm lún sâu nền đường, gây ách tắc giao thông. Đơn vị đã phải dùng máy xúc kéo xe trở máy ra khỏi đoạn lún. Đồng thời, khắc phục tuyến đường để nhanh chóng thông tuyến. Nhờ đó, Công ty luôn hoàn thành tốt thời gian thông tuyến do Sở Giao thông Vận tải tỉnh quy định và đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực sạt lở”.
Công nhân Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng Cầu đường 3
khắc phục sạt lở
Công ty đã khắc phục được 1/3 khối lượng bùn, đất sạt lở xuống km 46+450. Đến nay, đơn vị đang đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm đảm bảo thông đường hoàn toàn vào đầu tháng 8 sắp tới. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của đơn vị là thời điểm hiện nay đang giữa mùa mưa. Khi mưa to, bùn, đất tiếp tục sạt xuống, gây ách tắc giao thông. Anh Nguyễn Thế Tuyền - Chỉ huy Trưởng công trình sạt lở đất tại km 46+450 (Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng Cầu đường 3) tâm sự: “Khó khăn lớn nhất của chúng tôi trong quá trình thi công là mức độ sạt lở lớn, nền đường yếu, lưu lượng ôtô, xe máy qua lai đông. Chúng tôi đã từng bước khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra như: bố trí công nhân thi công theo ca, kíp; san gạt hàng chục nghìn khối bùn, đất; mở đường công vụ thông tuyến tam thời. Tuy nhiên, sau mỗi trận mưa to, bùn, đất tiếp tục sạt xuống làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ thông tuyến hoàn toàn”.
Kiểm tra viên Thanh tra Giao thông Sở Giao thông Vận tải tỉnh điều tiết giao thông tại khu vực sạt lở
Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải tỉnh còn chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông điều phối giao thông hai đầu Quốc lộ 4D tại khu vực sạt lở. Đến giờ thông xe, thanh tra giao thông có nhiệm vụ ra tín hiệu cho các phương tiện tham gia giao thông (ôtô, xe máy) vượt qua đoạn sạt lở. Đây là khâu quan trọng, tránh tình trạng chen lấn, gây tai giao thông, thiệt hại tính mạng của nhân dân.
Người dân ở bản Sín Chải xã Giang Ma (huyện Tam Đường) chuyển hàng thuê cho hành khách qua đoạn sạt lở
Ông Phạm Ngọc Phương - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh đánh giá: “Hiện nay, Sở Giao thông Vận tải tỉnh đang chỉ đạo các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ san gạt bùn, đất, thông đường và đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực sạt lở. Với khối lượng đất, đá lớn, các đơn vị phải thi công cả ngày, đêm. Làm xong đến đâu, đơn vị thi công phải thu dọn gọn gàng đến đó nhằm đáp ứng tiến độ, đảm bảo không để ách tắc giao thông kéo dài. Nhât là việc điều tiết công nhân đẩy nhanh tiến độ thông tuyến hoàn toàn trong thời gian sớm nhất”.
Xe có trọng tải nặng đi qua đoạn sạt lở