Thực hiện "Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015 của tỉnh" tính đến 31/5/2013 toàn tỉnh đã kiểm tra công nhận mới 38 đơn vị cấp xã và 3 đơn vị cấp huyện đạt 100% kế hoạch đề ra. Nâng tổng số đơn vị đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi cấp xã 82/108 và cấp huyện 4/8 đơn vị được công nhận.
Năm học 2012 - 2013 vừa qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức song quy mô trường, lớp bậc học mầm non ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Toàn tỉnh có 137 trường, 1.659 nhóm lớp; 33.987 trẻ mầm non ra lớp (tăng 8 trường, 41 nhóm lớp, 1.767 học sinh so với năm học 2011 - 2012); riêng trẻ 5 tuổi huy động được 10.707/10.805 cháu ra lớp, đạt tỷ lệ 99,1%.
Để đạt được những kết quả đáng mừng trên là do nhận thức về giáo dục mầm non của người dân đã có sự chuyển biến tích cực. Chế độ hỗ trợ ăn trưa cho trẻ 3, 4 và 5 tuổi được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Đề án quy hoạch mạng lưới trường, lớp của tỉnh được triển khai kịp thời. Chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ được nâng lên. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học được quan tâm đầu tư.
Các trường học thực hiện nghiêm túc các nội quy, quy chế chuyên môn chương trình chăm sóc giáo dục trẻ mầm non đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ. Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức nuôi, dạy trẻ tới các bậc cha mẹ trẻ và cộng đồng như: vệ sinh ăn uống, phòng bệnh theo mùa, bệnh có nguy cơ lây nhiễm thành dịch... được thực hiện thường xuyên.
Trẻ được tiêm phòng vắc-xin, uống vitamin; khám sức khỏe định kỳ 1 lần/học kỳ. 100% bếp ăn tại các trường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các đơn vị đã có những giải pháp phù hợp để chăm sóc, giảm tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng. Trong năm học qua có 33.987/33.987 trẻ được theo dõi sức khỏe bằng biểu đồ phát triển, so với đầu năm học trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thể thấp còi ở nhà trẻ, mẫu giáo đều giảm.
Các trường mầm non thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục mầm non mới vào giảng dạy, thực hiện Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi, tăng cường tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo dân tộc thiểu số vào chương trình, lồng ghép tích hợp giáo dục về an toàn giao thông, pháp luật, bảo vệ môi trường... trong các tiết dạy và các hoạt động ngoài giờ với các hình thức đa dạng, phong phú, hấp dẫn. Qua đó giúp trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách và kỹ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi mầm non... Năm học qua, toàn tỉnh có 1.484 nhóm lớp 30.298 trẻ thực hiện chương trình giáo dục mầm non. Trong đó, 100% các lớp mẫu giáo 5 tuổi và trẻ 5 tuổi được học chương trình giáo dục mầm non (so với năm học 2011 - 2012 tăng 23 trường, 295 lớp, 5.600 trẻ). 17 trường, 55 lớp mẫu giáo 5 tuổi thực hiện sử dụng chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi. Chị Nguyễn Thị Thúy (phường Tân Phong, thị xã Lai Châu, có con học tại Trường Mầm non Tân Phong) vui mừng chia sẻ: “Khi tham gia giao thông cùng con, tôi luôn được cháu nhắc phải đội mũ bảo hiểm, dừng lại khi có đèn đỏ, khi có đèn xanh mới được đi... Tôi rất vui vì ở lớp các cháu đã được trang bị những kiến thức cơ bản không chỉ về Luật Giao thông đường bộ mà còn cả kỹ năng ứng xử trong cuộc sống hằng ngày”.
Không những vậy, các trường còn triển khai hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và chỉ đạo. Nhiều cán bộ quản lý khai thác truy cập sử dụng Internet, ứng dụng chuyển, tiếp nhận văn bản qua hộp thư điện tử. Đa số các trường mầm non có máy vi tính phục vụ cho công tác quản lý. Phần lớn giáo viên soạn giáo án trên máy vi tính và biết truy cập mạng, khai thác thông tin ứng dụng vào công tác chăm sóc giáo dục trẻ. Đặc biệt trên địa bàn tỉnh có 10 trường đã có máy tính dành riêng cho trẻ được làm quen với phần mềm Kidsmart.
Để nâng cao chất lượng giáo dục, một trong những yếu tố quan trọng là nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên. Năm học vừa qua, ngoài tự học, tự nghiên cứu, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực sáng tạo của trẻ, các giáo viên còn tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn, lý luận chính trị, chú trọng dạy học theo đối tượng vùng, miền... Công tác rà soát, sắp xếp, đánh giá cán bộ quản lý, giáo dục được thực hiện nghiêm túc hằng năm theo hướng chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên có tinh thần trách nhiệm, có đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng. Do đó, trình độ chuyên môn của cán bộ và giáo viên đạt chuẩn chiếm tỷ lệ 99%; trong đó trình độ trên chuẩn là 36,9%. Trong năm học có 788 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường và 316 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện.
Công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh nhằm huy động mọi nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học cho các trường mầm non. Năm học 2012 - 2013 đã công nhận thêm 7 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, nâng tổng số trường mầm non đạt chuẩn quốc gia toàn tỉnh lên 16 trường.
Thực hiện "Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015 của tỉnh" tính đến 31/5/2013 toàn tỉnh đã kiểm tra công nhận mới 38 đơn vị cấp xã và 3 đơn vị cấp huyện đạt 100% kế hoạch đề ra. Nâng tổng số đơn vị đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi cấp xã 82/108 và cấp huyện 4/8 đơn vị được công nhận.
Năm học 2012 - 2013 vừa qua với nhiều dấu ấn về sự chuyển biến tích cực trong kết quả giáo dục mầm non về số lượng và chất lượng của bậc học. Đây chính là nền tảng quan trọng cho sự phát triển giáo dục của các bậc học tiếp theo. Để giáo dục mầm non Lai Châu phát triển bền vững, rất cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế