Phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
Thứ tư - 02/05/2018 03:064.5750
Ngày 22 tháng 11 năm 2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 23-KL/TW “về tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Yêu cầu đặt ra đối với cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, nhất là các cơ quan chủ quản báo chí và các cơ quan báo chí cần quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả Kết luận.
Báo chí, truyền thông là vũ khí tư tưởng sắc bén của Ðảng và Nhà nước, là cầu nối giữa Ðảng, Nhà nước với nhân dân, là phương tiện quan trọng tuyên truyền phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị, là diễn đàn để nhân dân tham gia quản lý xã hội, giám sát quyền lực. Đặc biệt, thời gian qua báo chí đã tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị; tham gia đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; cổ vũ nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng và lãng phí. Cùng với đó, công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, xuất bản cũng có nhiều chuyển biến tích cực; việc chỉ đạo, định hướng nội dung chính trị, tư tưởng, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm được quan tâm hơn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Bí thư thì vai trò của báo chí trong ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, chưa đáp ứng yêu cầu. Điều đáng quan tâm hơn là những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có dấu hiệu gia tăng ngay trong đội ngũ những người làm báo. Thực tế cho thấy một số tòa soạn báo đã xa rời tôn chỉ mục đích, vượt quá chức năng, nhiệm vụ, thiếu nhạy cảm chính trị, đưa quá nhiều thông tin tiêu cực, thông tin giật gân câu khách, không thực hiện đúng chỉ đạo định hướng thông tin. Đáng chú ý là, còn có hiện tượng một số báo liên kết để “đánh hội đồng”; phóng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp gây mất uy tín đối với toàn soạn, gây mất niềm tin của người dân, chính quyền các cấp và doanh nghiệp đối với báo chí. Bên cạnh đó, việc đào tạo, bồi dưỡng đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ cho hội viên Hội nhà báo chưa được phát huy đúng mức; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, xuất bản chưa đáp ứng yêu cầu tình hình mới.
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên theo Ban bí thư là do chưa nhận thức đúng đầy đủ về vị trí, vai trò, tính phức tạp của báo chí, xuất bản trong tình hình mới; công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, xuất bản chưa theo kịp được sự phát triển; năng lực nắm bắt, phát hiện vấn đề, chủ động kiểm soát tình hình còn hạn chế; sự phối hợp của các cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản báo chí, xuất bản và các cơ quan liên quan thiếu chặt chẽ, một số trường hợp còn lơi lỏng.
Để tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý báo chí có hiệu quả, phát huy tốt vai trò của báo chí trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, Ban Bí thư đã yêu cầu thực hiện tốt 11 nhiệm vụ, gồm 2 nhiệm vụ chung và 9 nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và của các ngành chức năng.
Trong đó, nhiệm vụ thứ nhất Ban Bí thư chỉ rõ: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong nhân dân để phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đảng lãnh đạo báo chí bằng việc định hướng quy hoạch phát triển và quản lý hệ thống báo chí; định hướng tư tưởng, chính trị trong nội dung thông tin; quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ; giám sát, kiểm tra hoạt động của các cơ quan báo chí và nhà báo; lãnh đạo việc tăng cường quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông. Ban Tuyên giáo Trung ương là quan trực tiếp chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền; Bộ Thông tin và Truyền thông chụi trách nhiệm quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản. Tại các địa phương Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy là cơ quan tham mưu Tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền; Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND tỉnh quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống các quy định của Đảng và các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực báo chí, truyền thông, làm rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, cơ quan chủ quản và từng cơ quan báo chí, truyền thông, các chủ thể truyền thông xã hội trên môi trường mạng In-tơ-nét.
Các cơ quan báo chí phải phát huy tính chủ động, sáng tạo, phát huy dân chủ đi đôi với yêu cầu tuân thủ pháp luật trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, kết hợp “xây” và “chống”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là công việc khó khăn, phức tạp, vì vậy báo chí phải tăng cường tính “bút chiến”, đấu tranh phản bác kịp thời, nhưng phải bảo đảm tính thượng tôn pháp luật, thực hiện đúng tôn chỉ mục đích của các tờ báo, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của mỗi nhà báo.
Trong nhiệm vụ thứ hai, Ban Bí thư yêu cầu: Tăng cường chất lượng thông tin, tuyên truyền, chú trọng tính định hướng chính tri - tư tưởng, tính văn hóa, khoa học. Tập trung tuyên truyền sâu rộng kịp thời, hiệu quả đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cổ vũ thành tựu của công cuộc đổi mới; coi trọng việc phát hiện biểu dương các nhân tổ mới, điển hình tiên tiến. Tích cực đấu tranh, góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và tệ nạn xã hội, nâng cao ý thức trách nhiệm, dũng khí và quyết tâm đấu tranh với quan điểm sai trái, tiêu cực. Yêu cầu đặt ra đối với báo chí cần tiếp tục có sự đổi mới nâng cao chất lượng, mỗi tờ báo, trang tin, kênh truyền hình phải là một địa chỉ có uy tín mà bạn đọc và xã hội gửi gắm niềm tin; mỗi người làm báo phải thật sự là cây bút có lương tri, có trí tuệ, có bản lĩnh chính trị, luôn giữ vững niềm tin vào con đường phát triển đất nước và của địa phương. Vì vậy, mỗi khi cầm bút viết, người làm báo cần coi trọng tính khách quan chân thực, tính chuyên nghiệp, đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp, nhất là trong việc phát hiện, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống và những biểu hiện tiêu cực khác trong đời sống xã hội.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo của Đảng, pháp luật của nhà nước về báo chí đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới. Xác định rõ, rành mạch nhiệm vụ và trách nhiệm giữa các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí; tăng cường hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, quản lý, tạo điều kiện cho báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ. Để phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của báo chí trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo, định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; quản lý nhà nước về báo chí, kịp thời xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động báo chí của Bộ và Sở Thông tin và Truyền thông; thực hiện nghiêm quy định việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước của UBND tỉnh.
Để tạo điều kiện thuận lợi và phát huy tốt vai trò của báo chí trong ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường công tác phổ biến, quán triệt, nâng cao nhận thức các cấp, các ngành và cán bộ, đảng viên, nhân dân về vị trí, vai trò của báo chí trong nhiệm vụ quan trọng này. Đồng thời, báo chí phải bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, củng cố tăng cường sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận của xã hội và lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cần tiếp tục nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền của báo chí; đề cao tính tư tưởng, tính hấp dẫn và mở rộng đối tượng độc giả; coi trọng đúng mức việc phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực và tệ nạn xã hội. Cùng với đó, Ban Bí thư cũng yêu cầu cần tăng cường đấu tranh ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ngay trọng đội ngũ những người làm báo; xây dựng đội ngũ làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ nghề nghiệp ngày càng cao, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, có tinh thần trách nhiệm đối với xã hội, với đất nước.
Các cơ quan chủ quản bảo chí chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả định hướng thông tin của Ban tuyên giáo Trung ương và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đúng tôn chỉ mục đích; giữ vững kỷ luật thông tin; xử lý nghiêm, kịp thời các sai phạm của báo chí. Các cơ quan báo chí nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, năng lực, trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý; nâng cao chất lượng đội ngũ phóng viên, biên tập viên cả về chính trị, tư tưởng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp. Tăng cường công tác xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, đoàn thể trong các cơ quan báo chí. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế quản lý, quy chế hoạt động, quy trình nghiệp vụ chuyên môn, tăng cường tính công khai minh bạch, phát huy dân chủ, xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của từng vị trí công tác, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu…
Đồng thời, Ban Bí thư cũng yêu cầu Ban cán sự đảng Chính phủ, các bộ, ban ngành trung ương; Đảng đoàn Hội Nhà báo, Hội xuất bản và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, tập trung chỉ đạo, đinh hướng và tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động báo chí; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ chỉ đạo, quản lý báo chí và những người làm báo, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả Kết luận số 23-KL/TW của Ban Bí thư, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị TW 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Để Đảng ta thật sự vững vàng về chính trị và tư tưởng, thống nhất cao về ý chí và hành động, trong sạch về đạo đức và lối sống, chặt chẽ về tổ chức, đủ sức lãnh đạo đưa đất nước ngày càng phát triển, xứng đáng với lòng tin yêu của nhân dân./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế