Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của công tác cải cách tư pháp, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 29-KL/TW, ngày 12/3/2014 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Tỉnh ủy Lai Châu đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện công tác tư pháp và cải cách tư pháp: tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt và ban hành kế hoạch thực hiện Kết luận số 29-KL/TW, trong đó xác định các nhiệm vụ trọng tâm về công tác cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; kế hoạch thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp; chỉ đạo các địa phương, các cơ quan Tư pháp xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện tại cấp mình, ngành mình; kiện toàn và ban hành quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh... với những kết quả nổi bật trên nhiều phương diện:
Việc tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp, nhất là việc nghiên cứu, tham gia vào các dự thảo Luật Tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân, Luật Tổ chức Toàn án Nhân dân, Bộ Luật tố tụng hình sự... đảm bảo chất lượng, hiệu quả; đã thực hiện tổng kết Luật Thi hành án dân sự năm 2008, rà soát các thủ tục hành chính về thi hành án dân sự để tham gia xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Thi hành án dân sự; xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định về mức chi hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh, tự kiểm tra, rà soát các văn bản của HĐND, UBND tỉnh và các huyện, thành phố... qua đó kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc của văn bản liên quan đến thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các ngành.
Đồng chí Trương Hòa Bình - Bí thư TW Đảng, Chánh án TAND Tối cao
trao Quyết định bổ nhiệm đối với 2 vị trí Chánh án và Phó Chánh án
TAND tỉnh (ảnh: TT)
Các cơ quan tư pháp của tỉnh tiếp tục được củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy ở 2 cấp, trong đó đảm bảo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ có chức danh tư pháp; tuyển chọn, bố trí cán bộ, quan tâm đội ngũ cán bộ trẻ có năng lực, phẩm chất đạo đức để bồi dưỡng, tạo nguồn đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, chấp hành viên; làm tốt công tác luân chuyển, điều động cán bộ để tăng cường cho cấp huyện (ngành Công an có 304 cán bộ, chiến sỹ làm công tác điều tra tội phạm; ngành Kiểm sát bổ nhiệm và bổ nhiệm lại 8 kiểm sát viên trung cấp, sơ cấp; ngành Tòa án có 28 thẩm phán trung cấp và sơ cấp; ngành Thi hành án dân sự có 24 chấp hành viên...). Căn cứ thực tiễn về nhu cầu, điều kiện thực hiện Chế định thừa phát lại trên địa bàn tỉnh và thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh, các cơ quan chức năng đã tiến hành rà soát, xác minh việc hành nghề luật sư, công chứng viên các Văn phòng công chứng theo quy định ...; Toàn án Nhân dân hai cấp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật các loại tội phạm, việc tranh tụng được thực hiện dân chủ, công khai, chất lượng thẩm vấn được nâng lên, bảo đảm các bản án, quyết định đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không xử oan, bỏ lọt tội phạm...
Nêu cao vai trò hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân đối với các cơ quan tư pháp. Năm 2014, Hội đồng Nhân dân các cấp đã chủ động, tích cực thực hiện giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp, nắm bắt tình hình, kết quả hoạt động thông qua báo cáo của các cơ quan tư pháp, hoạt động chất vấn tại các kỳ họp HĐND; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến cơ sở, qua đó kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, phản ánh của Nhân dân đối với các cơ quan tư pháp và hoạt động tư pháp.
Xét xử lưu động: Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trực tiếp
và hiệu quả tới người dân (ảnh: HT)
Chỉ đạo các cơ quan tư pháp của tỉnh tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày 09/12/2009 của Ban Bí thư (khóa X) về hợp tác với nước ngoài về pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp và các văn bản của Nhà nước về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp (ngành Công an, Biên phòng đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong các hoạt động phòng ngừa và đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm hình sự có yếu tố nước ngoài và khủng bố quốc tế, nhất là với các ngành chức năng của tỉnh Vân Nam - Trung Quốc) góp phần bảo đảm an ninh trật tự ở khu vực biên giới.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng thực hiện tốt việc định hướng lãnh đạo về chính trị, tổ chức và cán bộ đối với hoạt động tư pháp; thường xuyên quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, tuyển chọn, bố trí, sử dụng cán bộ các cơ quan tư pháp; tăng cường tuyên truyền, quán triệt tạo sự đồng thuận trong Đảng và toàn xã hội đối với các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp; tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 07/7/2007 của Bộ Chính trị về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng; giải quyết các vụ án có tính chất nhạy cảm, quan trọng và phức tạp, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.../.