Trước hết, nói về khởi nghĩa vũ trang toàn dân, thực hiện chiến tranh Nhân dân và quốc phòng toàn dân, ngay từ năm 1924 Nguyễn Ái Quốc đã cho rằng: Việc giải phóng đất nước không thể thực hiện bằng cải cách dần dần hay thông qua một sự giải phóng dân tộc từ trên xuống và một cuộc đảo chính đơn giản không thể thực hiện được sự nghiệp giải phóng dân tộc, mà sự nghiệp đó chỉ có thể là cuộc khởi nghĩa vũ trang của toàn dân.
Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, năm 1941 Người về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng của dân tộc Việt Nam, triệu tập và chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8. Hội nghị khẳng định: Cách mạng Việt Nam phải kết thúc bằng một cuộc khởi nghĩa vũ trang. Cùng thời gian này, Hồ Chí Minh đã biên soạn nhiều tác phẩm về quân sự và trực tiếp chỉ đạo, tổ chức nhiều lớp huấn luyện về quân sự. Những hoạt động lý luận và thực tiễn đó của Hồ Chí Minh chỉ rõ: Khởi nghĩa, giải phóng các dân tộc do toàn dân tiến hành, trong đó công nông là nòng cốt. Cuộc khởi nghĩa đó thắng lợi phải trong điều kiện: lực lượng đế quốc thống trị lung lay, bối rối; có một cao trào cách mạng trong quảng đại quần chúng; có một chính đảng lãnh đạo với đường lối đúng đắn và cương quyết; thực hiện khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa; khởi nghĩa thắng lợi phải thiết lập ngay chính quyền cách mạng.
Cách mạng Tháng Tám vừa thành công, Nhân dân ta lại buộc phải đi vào cuộc kháng chiến 30 năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Trong hoàn cảnh đó, tư tưởng khởi nghĩa vũ trang toàn dân của Hồ Chí Minh đã phát triển thành tư tưởng chiến tranh Nhân dân, làm cơ sở cho đường lối kháng chiến của Đảng ta.
Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Hồ Chủ tịch trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyễn Giap nghiên cứu kế hoạch tác chiến và mở chiến dịch Điện Biên Phủ
Ngày 19-12-1946, cả dân tộc đi vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: Cuộc kháng chiến của Nhân dân ta là toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, kháng chiến trường kỳ và tự lực cánh sinh là chính. Ngĩa là bất kỳ đàn ông, đàn bà, người già, con trẻ ai cũng tham gia kháng chiến, mỗi người dân là một chiến sỹ, mỗi làng xã là một pháo đài, mỗi đường phố là một trận địa, mỗi chi bộ là một bộ tham mưu. Kẻ thù đương đầu với không chỉ quân đội mà với cả dân tộc Việt Nam. Trong điều kiện là nước nhỏ đánh đuổi các đế quốc to xâm lược nên phải kháng chiến trường kỳ để ta có đủ thời gian vừa đánh địch vừa xây dựng lực lượng, làm suy yếu địch. Nếu như trong Cách mạng Tháng Tám Người đã chỉ cho Nhân dân ta “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” thì trong kháng chiến là tư tưởng “tự lực cánh sinh là chính”. Hồ Chí Minh khẳng định: Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập.
Tháng 3-1957, tại Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II), Hồ Chí Minh đã chính thức nêu vấn đề xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân là một bộ phận không thể tách rời của toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta. Nền quốc phòng toàn dân mang tính chất vì dân, do dân và của dân; được xây dựng theo phương hướng toàn dân, toàn diện, độc lập tự chủ, tự lực, tự cường và ngày càng hiện đại nhằm bảo vệ lợi ích của Nhân dân, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Tổ quốc và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai, về nghệ thuật quân sự trong khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng, thực chất là nghệ thuật phát huy sức mạnh tổng hợp của một nước nhỏ để chiến thắng kẻ thù lớn hơn. Đó là kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, tiến công địch bằng cả lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị của quần chúng, tiến công địch cả sau lưng và trước mắt, bằng đánh du kích, đánh chính quy, đánh địch cả ba vùng chiến lược - rừng núi, đồng bằng, đô thị; kết hợp đánh lớn, đánh vừa, đánh nhỏ; tiêu hao, tiêu diệt địch gắn với làm tan rã hàng ngũ địch, đập tan ý chí xâm lược của chúng. Đó là quán triệt tư tưởng chiến lược tiến công đi đôi với giành thế chủ động trong chiến tranh. Theo Người: Giữ quyền chủ động là biểu hiện cao nhất của tư tưởng tiến công và giữ được quyền chủ động thì thế nào cũng thắng; “tiến công, phòng ngự không sơ hở”, như vậy tiến công không loại trừ phòng ngự, và phòng ngự đúng là biết đánh quân thù để phòng ngự.
Đó là nghệ thuật “tạo lực, lập thế, tranh thời, dùng mưu” và phát huy các nhân tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Theo Hồ Chí Minh: Lực, thế, thời, mưu có quan hệ chặt chẽ với nhau, tạo điều kiện cho nhau và nó gắn liền với việc phát huy các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” trong đó “nhân hòa” là quan trọng nhất. Đó còn là nghệ thuật biết khởi đầu và kết thúc chiến tranh. Mong muốn của Người là hòa bình, hòa bình trong độc lập tự do thực sự. Khi buộc phải kháng chiến để giữ vững quyền độc lập tự do thì tư tưởng Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: Phải luôn luôn chuẩn bị sẵn sàng để đất nước ở thế chủ động bước vào cuộc chiến đấu; Người dặn, “Bất kỳ hòa bình hoặc chiến tranh, ta cũng phải nắm vững chủ động, phải lấy trước, chuẩn bị trước trên mọi phương diện: chính trị, tư tưởng, quân sự, kinh tế, ngoại giao…”. Trong điều kiện ta thường yếu hơn địch, Người chỉ ra rằng, phải biết đánh lâu dài làm thất bại từng chiến lược chiến tranh của địch, giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Người còn chỉ rõ, phải biết kết thúc chiến tranh một cách có lợi nhất, làm cho đối phương có thể chấp nhận được, mà ta vẫn đạt được mục tiêu chiến lược. Đó là nghệ thuật kết hợp tiến công quân sự, chính trị và ngoại giao để đánh bại ý chí xâm lược của địch, buộc chúng rút quân về nước.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/5/1954)
Thứ ba, về xây dựng lực lượng vũ trang Nhân dân, Hồ Chí Minh chỉ rõ: Xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng phải bắt đầu từ việc xây dựng lực lượng chính trị quần chúng. Các tổ chức và đoàn thể cách mạng càng phát triển, quần chúng đấu tranh chính trị càng mạnh, càng có cơ sở vững chắc để tổ chức lực lượng vũ trang và tiến hành đấu tranh vũ trang.
Người chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang gồm ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Ba thứ quân làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, là hình thức thích hợp nhất để phát huy sức mạnh của cả dân tộc. Người đặc biệt chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang mạnh về chính trị, trong đó vấn đề cốt lõi là tăng cường bản chất giai cấp công nhân, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các lược lượng vũ trang. Người cũng luôn quan tâm xây dựng quân đội ta thực sự là quân đội của dân, do dân và vì dân. Người thường xuyên nhắc nhở: Phải nhớ rằng Nhân dân là chủ; dân như nước, quân như cá, lực lượng bao nhiêu là nhờ ở dân hết; Nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội…
Hồ Chí Minh chỉ rõ nguyên tắc của Quân đội Nhân dân là phải tổ chức vững chắc và nghiêm mật. Theo Người, xây dựng quân đội là lấy việc bồi dưỡng, xây dựng con người là chính, “người trước, súng sau”. Trong xây dựng quân đội, lấy việc bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ là khâu then chốt bảo đảm sức chiến đấu của quân đội.
Xe tăng 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975,
đánh dấu thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng
miền Nam, thống nhất đất nước
Thứ tư, về xây dựng căn cứ địa và hậu phương của chiến tranh Nhân dân, theo Hồ Chí Minh đây là nơi đứng chân làm cơ sở cho lực lượng vũ trang, tiến có thể đánh và phát triển lực lượng, lui có thể đứng và giữ gìn lực lượng, là nhân tố bảo đảm cho khởi nghĩa và chiến tranh giành thắng lợi.
Người chỉ ra rằng, căn cứ hậu phương vững chắc nhất là lòng dân, việc xây dựng căn cứ địa và hậu phương phải toàn diện, ngày càng hoàn chỉnh, vững chắc về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa… Để xây dựng căn cứ địa hậu phương, Người chủ trương dựa vào thực lực cách mạng ở cả nông thôn và thành thị; đồng thời chủ trương phát huy đến mức cao nhất những điều kiện của thời đại đem lại. Để không ngừng mở rộng căn cứ địa hậu phương, đồng thời phải xây dựng chính quyền cách mạng vững mạnh làm điều kiện căn bản để củng cố căn cứ địa và phát triển lực lượng.
Trải qua 85 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam, 25 năm ngày hội quốc phòng toàn dân, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh không ngừng được bổ sung, phát triển và ngày càng hoàn chỉnh, trở thành ngọn cờ chỉ đạo toàn dân chiến đấu đưa đến thắng lợi của cách mạng Tháng Tám, của kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cũng như sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Lễ ra quân huấn luyện năm 2014 của LLVT Lai Châu (ảnh: TT)
Thấm nhuần tư tưởng của Người, những năm qua Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Lai Châu luôn quán triệt thực hiện tốt chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Quan tâm công tác giáo dục quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh. Tổ chức tốt việc diễn tập, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện, thành phố. Năng lực lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền các cấp, khả năng phối hợp của các ngành và lực lượng vũ trang xây dựng Lai Châu thành khu vực phòng thủ được nâng lên.
Quản lý, bảo vệ, giữ vững chủ quyền biên giới lãnh thổ, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Lực lượng vũ trang tỉnh được xây dựng vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Góp phần xây dựng Lai Châu ngày càng ổn định và phát triển./.