Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ giáo dục mầm non 2016 - 2017
Thứ năm - 21/07/2016 05:053300
Ngày 20/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh thành trong cả nước tổng kết năm học 2015 - 2016 triển khai nhiệm vụ giáo dục mầm non 2016 - 2017. Dự và chỉ đạo Hội nghị đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo.
Tại điểm cầu ta có đồng chí Đỗ Văn Hán - TUV, Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo và các đồng chí lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thành phố, một số sở, ngành liên quan.
Năm học 2015-2016 là năm thứ 3 thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, mạng lưới trường lớp trong đó có giáo dục mầm non. Năm học 2015-2016 cả nước có 14.637 trường mầm non (tăng 313 trường), 180.202 nhóm lớp. Mạng lưới trường lớp phát triển, tỷ lệ trường lớp ngoài công lập tăng nhanh, công tác đầu tư phát triển trường lớp mầm non khu công nghiệp, khu chế xuất được quan tâm. Cùng với đó, các địa phương đã chỉ đạo lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án, đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục để xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học, giảm tỷ lệ phòng học tạm, đảm bảo đủ phòng học cho lớp mẫu giáo 5 tuổi. Chương trình giáo dục mầm non được thực hiện tại 100% trường mầm non, đến nay đã có 50/63 đơn vị cấp tỉnh được Bộ giáo dục và đào tạo ban hành quyết định công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi. Đội ngũ giáo viên tăng nhanh về số lượng và chất lượng thông qua các đợt tập huấn, bồi dưỡng dưới nhiều hình thức...
Năm học vừa qua toàn tỉnh có 139 trường mầm non, 1.729 nhóm lớp (giảm 01 trường, tăng 15 nhóm lớp so với năm học trước). Trong đó trẻ nhà trẻ ra lớp đạt 4.538 cháu, trẻ mẫu giáo ra lớp đạt 34.737 cháu; Riêng trẻ 5 tuổi có 817 lớp/11.151 trẻ; (so với năm học 2014-2015 giảm 8 lớp, tăng 147 cháu). 100% bếp ăn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. 100% trẻ được học chương trình GDMN, đánh giá theo Bộ chuẩn PTTENT (Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi), 100% trẻ mẫu giáo 5 tuổi dân tộc được chuẩn bị tiếng Việt trước khi vào lớp 1. Trong năm học kiểm tra công nhận thêm 05 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số lên 31 trường đạt chuẩn (trong đó có 02 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2)…
Năm học 2016-2017 ngành giáo dục cả nước nói chung và Lai Châu nói riêng cần thực hiện tốt 8 nhiệm vụ trọng tâm như: Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả chăm sóc, giáo dục trẻ; tăng tỷ lệ huy động trẻ ra lớp và củng cố nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi; phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và tăng cường xã hội hóa đầu tư cho hệ thống giáo dục mầm non…
Ngoài ra, Hội nghị đã tổng kết việc thực hiện Chuyên đề "Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non, giai đoạn 2013-2016". Trong 3 năm thực hiện, các cơ sở giáo dục mầm non tích cực đầu tư xây dựng và sử dụng có hiệu quả môi trường hoạt động trong lớp và ngoài trời, tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi. Trong đó, tỷ lệ điểm trường có sân chơi ngoài trời đạt 99% (tăng 20%); tỷ lệ điểm trường có bộ đồ chơi liên hoàn đạt 54% (tăng27%), tỷ lệ trường có phòng giáo dục thể chất 26% (tăng 9%)... Công tác tuyên truyền về hoạt động của chuyên đề được các cơ sở triển khai với nhiều hình thức phong phú như: tổ chức các hội thi, hội thảo, triển lãm cho trên 200 nghìn lượt từ cấp tỉnh đến cấp trường. Qua đó tạo được chuyển biến tích cực trong chất lượng giáo dục, tăng sự phối hợp gia đình nhà trường và tạo được hiệu ứng tốt trong cộng đồng...
Kết luận tại Hội nghị Tiến sĩ Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo ghi nhận những cố gắng, nỗ lực hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho bậc 5 tuổi của các tỉnh. Đồng chí cũng nhấn mạnh, thời gian tới các địa phương cần quan tâm hơn đến bậc học giáo dục mầm non; các cơ quan chuyên môn, Sở giáo dục và đào tạo các tỉnh cần đổi mới công tác quản lý, chủ động xây dựng các chủ trương chính sách, tự chủ về nguồn lực để phát triển mạng lưới mầm non phổ thông; quan tâm quy hoạch sắp xếp theo hướng phát triển phù hợp của địa phương; tăng cường huy động trẻ đến lớp, khắc phục khó khăn về trường lớp đảm bảo an toàn cho trẻ đặc biệt là các tỉnh vùng sâu vùng xa; cần tăng cường phối hợp với Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh kiểm tra các cơ sở bán trú, bếp ăn và rà soát tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng để có chế độ điều chỉnh hợp lý...
Tại Hội nghị, Bộ Giáo dục và đào tạo đã triển khai kế hoạch thực hiện Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 02/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tăng cường chuẩn bị tiếng việt cho trẻ mầm non và học sinh tiêu học vùng dân tộc thiểu số". Mục tiêu của Đề án là tập trung tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số, bảo đảm các em có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng giáo dục tiểu học; tạo tiền đề để học tập, lĩnh hội tri thức của các cấp tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và chương trình học tiếp theo; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững các dân tộc thiểu số, đóng góp vào sự tiến bộ, phát triển của đất nước. Đối tượng áp dụng là các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học có trẻ em, học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số thuộc 42 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Với những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như: Đẩy mạnh công tác truyền thông; tăng cường học liệu, trang thết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi; xây dựng môi trường tiếng Việt; nâng cao đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học có trẻ em người dân tộc thiểu số, bồi dưỡng đội ngũ cộng tác viên cho trẻ em người dân tộc tiểu số; nghiên cứu xây dựng và thực hiện một số chính sách đặc thù đối với đội ngũ giáo viên tham gia tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số; tăng cường hợp tác xã hội hóa và hợp tác quốc tế./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế