Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường
Thứ năm - 25/08/2016 05:053770
Sáng ngày 24/8/2016, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị. Tham dự có các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành và 63 tỉnh, thành phố tại các đầu cầu truyền hình trực tuyến.
Tham dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Khắc Chử - Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Đỗ Ngọc An - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan.
Theo báo cáo do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày tại hội nghị, môi trường nước ta đang chịu áp lực lớn từ phát triển kinh tế-xã hội trong nước, theo dòng thương mại quốc tế và tác động xuyên biên giới. Hằng năm, có hơn 2.000 dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trên cả nước có 283 khu công nghiệp với hơn 550.000m3 nước thải/ngày đêm; 625 cụm công nghiệp trong đó chỉ có khoảng hơn 55% có hệ thống xử lý nước thải tập trung; hơn 5.000 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, hơn 4.500 làng nghề, lưu hành gần 43 triệu xe mô tô và trên 2 triệu ô tô. Trên cả nước sử dụng hơn 100 ngàn tấn hóa chất bảo vệ thực vật; phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp; hơn 630.000 tấn chất thải nguy hại. Hiện có 458 bãi chôn lấp rác thải, trong đó có 337 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh…
Tình trạng chuyển đổi đất rừng, khai thác khoáng sản, xây dựng thủy điện, khai thác tài nguyên đa dạng sinh học đã dẫn đến thu hẹp diện tích các hệ sinh thái tự nhiên, chia cắt các sinh cảnh, suy giảm đa dạng sinh học.
Trước thực trạng trên, trong những năm qua, các chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường được bổ sung và hoàn thiện từng bước. Nhìn chung, nhận thức, ý thức của người dân và doanh nghiệp đã được nâng lên; nhiều vấn đề môi trường đã được xử lý; một số khu vực ô nhiễm đã được cải tạo, phục hồi. Xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy giảm chất lượng môi trường đang được kiềm chế chậm lại. Tính từ năm 2006 đến nay, cả nước đã có 2.229 tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và nhiều cơ sở bị buộc tạm ngưng hoạt động để khắc phục sự cố...
Báo cáo cũng nêu lên một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới như: Khẩn trương xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; ban hành hệ thống các tiêu chí đánh giá, sàng lọc, lựa chọn ưu tiên các dự án công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp môi trường...
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu nêu rõ thực trạng tình hình; những tồn tại, thách thức và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời tập trung trao đổi, thảo luận về các giải pháp bảo vệ môi trường trước mắt và lâu dài.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, môi trường là vấn đề sống còn của quá trình phát triển, đồng hành cùng phát triển, không đánh đổi lợi ích kinh tế mà hy sinh môi trường. Đồng chí cũng yêu cầu, trong giai đoạn tới, cần có sự vào cuộc tích cực của tất cả các bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong vấn đề xử lý môi trường. Theo đó, các bộ, ngành cần phân công rõ nhiệm vụ trong thanh tra, kiểm tra về vấn đề môi trường, lưu ý tránh sự chồng chéo. Thủ tướng nhấn mạnh bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm, song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, do đó cần phải thực hiện giám sát đối với các dự án đầu tư, công trình lớn có nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường cao. Đồng thời, các cấp, ngành, địa phương cần coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cần giải quyết. Bộ Tài nguyên và Môi trường phải phối hợp với các ngành, địa phương đề xuất các giải pháp đột phá trong vấn đề xử lý môi trường mang lại hiệu quả tích cực nhất, đặc biệt là quan tâm tới các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường. Sau hội nghị này, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải tiếp thu các ý kiến, giải pháp của các tỉnh, các ngành để đưa vào Chỉ thị một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường đến năm 2020 trình Chính phủ.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra, kiểm tra đôn đốc vấn đề bảo vệ môi trường.
Đồng thời nhấn mạnh, các Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm về môi trường trong lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách; có kế hoạch, chiến lược ngắn hạn, dài hạn về môi trường. Thực hiện nghiêm túc các văn bản pháp luật về môi trường. Tuyên truyền để người dân hiểu và nâng cao nhận thức về môi trường./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế