Ngành giáo dục triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018
Thứ hai - 21/08/2017 23:093610
Sáng 21/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành trong cả nước nhằm Tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018. Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam dự và chỉ đạo Hội nghị.
Dự tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí: Tống Thanh Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các sở: Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động Thương binh và Xã hội; Văn Phòng UBND tỉnh; Chủ tịch công đoàn, các phòng chuyên môn nghiệp vụ Sở Giáo dục và Đào tạo; Trường Cao đẳng Cộng đồng, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Lai Châu.
Năm học 2016-2017, ngành Giáo dục và Đào tạo trong cả nước đã phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, xây dựng kế hoạch triển khai nghiêm túc 9 nhóm nhiệm vụ và 5 nhóm giải pháp cơ bản của ngành và đã đạt được kết quả nổi bật. Cơ sở vật chất của các nhà trường được chuẩn hóa và từng bước hiện đại hóa với số lượng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia là 5.710 trường (tăng 631 trường), tiểu học 8.167 trường (tăng 344 trường), THCS 4.573 trường (tăng 580 trường), THPT 816 trường (tăng 283 trường so với năm học 2015-2016). Số lượng các phòng học bán kiên cố, phòng học tạm, phòng học nhờ, mượn giảm. Việc ứng dụng công nghệ thông tin được tăng cường; hoạt động hợp tác quốc tế được đẩy mạnh; công tác cải cách hành chính được quan tâm… Cả nước đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáp dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Tỷ lệ trẻ mầm non đến trường các độ tuổi đều tăng, vượt kế hoạch đầu năm trong đó tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 90,9% (tăng 1,8%), trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,7% (tăng 0,2%). Việc đổi mới phương pháp học, kiểm tra thi, đánh giá học sinh phổ thông tích cực thực hiện theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Giáo dục thường xuyên đã từng bước đa dạng hóa nội dung chương trình giáo dục, tăng cường thu hút người học tham gia các chương trình học tập. Giáo dục đại học từng bước được siết chặt theo hướng chất lượng, tìm các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội, công tác đào tạo sau đại học được chấn chỉnh.
Đối với tỉnh ta, ngành giáo dục đã tham mưu với tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách về giáo dục. Quy mô trường lớp, chất lượng giáo dục nhờ đó từng bước được mở rộng và nâng cao, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học. Tổng kết năm học 2016-2017, toàn tỉnh có trên 97% học sinh tiểu học hoàn thành chương trình tiểu học, gần 40% học sinh bậc THCS xếp loại học lực khá, giỏi, gần 50% học sinh bậc THPT xếp loại học lực khá, giỏi. Học sinh trong tỉnh đoạt được trên 60 giải học sinh giỏi quốc gia, 3 giải tại Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp quốc gia.
Bên cạnh kết quả đạt được, sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo vẫn còn bộc lộ một số tồn tại như: công tác quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường học ở một số địa phương còn chưa phù hợp; thiếu trường lớp ở các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất; tình trạng thừa, thiếu giáo viên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm; chất lượng chăm sóc, giáo dục mầm non chưa đồng đều giữa các vùng miền; tiến độ thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông còn chậm.
Năm học 2017-2018, ngành Giáo dục và Đào tạo cả nước tiếp tục tăng cường nề nếp kỷ cương, dân chủ trong nhà trường, thực hiện xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Đồng thời, nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo; quan tâm phát triển, phẩm chất năng lực người học… phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết số 44/NQ-CP của Chính Phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội, Quyết định số 404/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Tham gia ý kiến tại Hội nghị, các đại biểu ở trung ương và địa phương nhất trí cao với nội dung, giải pháp trình bày trong Báo cáo tổng kết; chia sẻ khó khăn, kết quả, kinh nghiệm hay trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo học sinh giỏi quốc gia tại địa phương. Một số đại biểu đề xuất: Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản hướng dẫn cụ thể về phân cấp, phân quyền trong quản lý giáo dục mầm non; duy trì cơ chế ưu tiên đối với học sinh giỏi quốc gia; quy định rõ ràng về số lượng sĩ số học sinh tối đa, tối thiểu; có giải pháp đẩy mạnh việc kiểm tra, đánh giá dạy và học ngoại ngữ, sau khóa học cấp chứng chỉ cho học sinh; quan tâm hơn đến chế độ đãi ngộ đối với giáo viên; bổ sung biên chế cho bậc mầm non tại thành phố Hồ Chí Minh; giảm điểm ưu tiên trong xét tuyển đại học đối với các đối tượng vùng miền nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam đã đánh giá cao những kết quả mà ngành Giáo dục và Đào tạo đã đạt được trong năm học vừa qua và chỉ ra những bất cập, những việc cần tập trung thực hiện. Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, ngành Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm nhiều hơn đến việc dạy người toàn diện; phát huy tính sáng tạo, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Nghiên cứu thời gian nghỉ hè, tựu trường hàng năm cho hợp lý với thực tế hiện nay. Bãi bỏ các quy định cứng nhắc, mang tính hình thức. Phối hợp với các bên liên quan giải quyết triệt để tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Các địa phương chủ động quan tâm, bố trí, sắp xếp kinh phí đầu tư cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học của các trường trên địa bàn./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế