Niềm tin bước vào năm học mới 2017-2018

Chủ nhật - 03/09/2017 23:09 365 0
Giáo dục và đào tạo của tỉnh bước vào năm học mới 2017-2018 với mục tiêu chung là nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học; trong đó, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tăng cường tiếng Việt cho cấp học Mầm non, Tiểu học và các môn Ngữ văn, Toán, tiếng Anh cấp THCS, THPT; tiếng Việt, tiếng Anh cấp Tiểu học.
Niềm tin bước vào năm học mới 2017-2018
Năm học 2016-2017, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự tích cực phối hợp của các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các tổ chức, cá nhân, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh đã đạt được những thành tích nổi bật. Năm đầu tham mưu và triển khai thực hiện Đề án số 150 của Tỉnh ủy về Nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020", chất lượng giáo dục chuyển biến tích cực; xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, khắc phục khó khăn, sáng tạo trong công việc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giáo dục tại các trường học vùng khó như: Trường MN số 1 Ta Gia (Than Uyên), Trường PTDTBT TH số 1 Tà Tổng (Mường Tè), Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Luông (Phong Thổ), Trường PTDTBT THCS Hua Bum, TH Nậm Ban (Nậm Nhùn); Trường THCS Tà Mít, TH số 1 Nậm Sỏ (Tân Uyên); Trường TH số 2 Nậm Cuổi (Sìn Hồ)...

Ngành giáo dục đã tăng cường kiểm tra việc điều hành, điều chỉnh thực hiện kế hoạch năm học, đổi mới trong các kỳ thi, kiểm tra, đánh giá. Tập trung chia sẻ kinh nghiệm quản lý, chỉ đạo, giúp đỡ và hỗ trợ các trường về năng lực quản lý. Xây dựng lại, phân phối chương trình, ban hành tiêu chí đánh giá xếp loại chất lượng trường trung học, điều chỉnh kế hoạch, nội dung dạy học phù hợp với từng đối tượng và vừa sức đối với học sinh từng vùng, từng dân tộc. Đổi mới cách thức, thời điểm, thời gian thanh tra; tập trung vào những vấn đề trọng điểm, yếu kém, dễ phát sinh sai phạm như trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục trong thực hiện các quy định của pháp luật; thực hiện đảm bảo theo chương trình, kế hoạch; đánh giá đúng thực trạng đơn vị giáo dục gắn với tư vấn kịp thời cho các đơn vị, đối tượng được thanh tra, ngăn ngừa các sai phạm trong công tác quản lý, triển khai nhiệm vụ giáo dục.

Thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo cho học sinh dân tộc thiểu số; tích cực vận động đưa học sinh từ các điểm bản về học tại trung tâm trường để nâng cao chất lượng học tập, đến nay, có 11.091/31.785, chiếm 35,8% học sinh về trung tâm học; toàn tỉnh có 118 trường có học sinh bán trú, 23.652 học sinh được hưởng chế độ bán trú. Đồng thời, tổ chức và quản lý tốt học sinh nội trú, bán trú, giáo dục học sinh thực hiện nghiêm các nội quy, quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học, ở gia đình và ngoài xã hội. Chất lượng các tiêu chí phổ cập giáo dục tiếp tục được nâng cao; năm 2016 có 60/108 xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) đạt PCGD-THCS mức độ 1, 43/108 xã đạt chuẩn mức độ 2, 05/108 xã đạt chuẩn mức độ 3; 108 xã giữ vững chuẩn PCGDTH mức độ 2 trở lên, trong đó 42 xã đạt chuẩn mức độ 2, 66 xã đạt chuẩn mức độ 3; 108 xã giữ vững PCGDMN-TE5T.

Cải cách hành chính trong trường học được tập trung thực hiện, nhất là việc giảm tải hồ sơ, sổ sách, kiểm soát thủ tục hành chính đúng lĩnh vực, thẩm quyền; ban hành thủ tục hành chính mới theo quy định; cung cấp trực tuyến mức độ 2 thủ tục hành chính trên trang thông tin điện tử của ngành. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên và toàn xã hội về vai trò, vị trí, trách nhiệm của nhà giáo và nhiệm vụ xây dựng đội ngũ nhà giáo giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, trong sáng về đạo đức, tận tụy với nghề nghiệp. Kiểm tra, giám sát các đơn vị đánh giá đội ngũ theo chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; kết quả, có 47,8% cán bộ quản lý giáo dục xuất sắc, 45,66% khá, 4,6% trung bình; 36,9% giáo viên xuất sắc, 51% khá, 10,5% trung bình và 1,3% kém. Cùng với xếp loại, ngành đã tăng cường quy hoạch, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường học linh hoạt, sử dụng hiệu quả biên chế gắn với đảm bảo chế độ, chính sách cho nhà giáo. Hiện toàn ngành có 13.435 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; với 5.410 đảng viên, bằng 40% tổng số, trong đó nhà giáo là đảng viên đạt 44,4%, vượt 5,6% so với chỉ tiêu giao; 100% trường học có chi bộ; 80,9% cán bộ quản lý giáo dục có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên, vượt 5,9%; 3,12% giáo viên được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục, vượt 0,12%; 43,2% nhà giáo thông thạo một tiếng dân tộc thiểu số, vượt 6,9%.
 
11 9 17
Đến nay, toàn tỉnh có 112 trường chuẩn quốc gia,
tăng 18 trường so với năm học trước

Tính đến cuối năm học 2016-2017, toàn tỉnh có 429 trường, 5.950 lớp, 139.250 học sinh. Trong đó, có 407/429 trường được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, chủ động trong việc phân nguồn lực tài chính theo thứ tự ưu tiên phục vụ công tác chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Toàn ngành hiện có 6.712 phòng học, trong đó có 4.198 phòng học kiên cố, bằng 62,5%; 1.389 phòng học bán kiên cố, bằng 20,7%; 1.125 phòng học tạm, chiếm 16,8%; có 4.746 bộ thiết bị dạy học tối thiểu và 85.821 bộ sách giáo khoa. Đến nay, toàn tỉnh có 112 trường chuẩn quốc gia, tăng 18 trường so với năm học trước. Toàn tỉnh đã vận động, ủng hộ quỹ khuyến học, khuyến tài trên 2,75 tỷ đồng, khen thưởng và hỗ trợ cho 929 học sinh giỏi các cấp 1,2 tỷ đồng; trao 3.239 suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học với tổng trị giá trên 1,4 tỷ đồng.

Chất lượng giáo dục các cấp học được nâng lên, huy động học sinh học lớp 1 đạt 99,9%; giáo dục tiểu học có 98,4% học sinh hoàn thành về phẩm chất, 97,7% hoàn thành về năng lực (tăng 0,3%), 97,6% hoàn thành các môn học (tăng 1,2%) và 97,8% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học (tăng 0,2%); học sinh THCS có hạnh kiểm khá, tốt đạt 94,1% (tăng 1,9%), học lực từ trung bình trở lên đạt 92,6% (tăng 3,6%), có 6.307/6.330 học sinh dự xét tốt nghiệp THCS, đạt 99,64%, tăng 1,64%; học sinh THPT có hành kiểm khá, tốt đạt 94,1% (tăng 3,6%), học lực từ trung bình trở lên đạt 94,7% (tăng 6,7%), tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2017 đạt 99,83%, tăng 0,68% so với năm trước, đối với giáo dục thường xuyên đạt 96,47% (tăng 12,8%).

Bên cạnh những thành tích nổi bật, giáo dục đào tạo của tỉnh vẫn còn những hạn chế, khó khăn. Năng lực, quản lý, chỉ đạo, điều hành của một số cán bộ quản lý còn bộc lộ yếu kém, chưa quan tâm đúng mức việc tìm hiểu học sinh, xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo đảm bảo sâu sát, toàn diện. Vẫn còn tình trạng chưa chủ động trong công việc, quản lý học sinh chưa tốt; trong năm học còn 342 học sinh bỏ học. Chất lượng một số môn học chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là tiếng Việt vùng đặc biệt khó khăn, tiếng Anh ở các cấp học. Đến nay, vẫn còn 22 trường chưa giao quyền tự chủ về tài chính; năng lực quản lý tài chính, tài sản một số nơi còn yếu; có 30 trường có quy mô nhỏ dưới 150 học sinh chưa được sáp nhập; còn 950 lớp ghép, trong đó có 815 lớp với 18.090 học sinh Mầm non, 135 lớp với 1.638 học sinh Tiểu học. Vẫn còn một số cán bộ quản lý, giáo viên chưa tâm huyết với nghề, yếu về năng lực quản lý, năng lực chuyên môn, chưa nắm chắc văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch, chương trình, đề án về lĩnh vực giáo dục, đào tạo; tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp với các ban, ngành trong việc huy động học sinh đi học ở một số trường vùng đặc biệt khó khăn chưa hiệu quả. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên còn thiếu, nhất là cấp học mầm non thiếu khoảng trên 400 người; đời sống vật chất, tinh thần còn gặp nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất của nhiều trường xuống cấp, lạc hậu, còn thiếu, chưa đồng bộ, nhất là hệ thống phòng học bộ môn, thư viện, thiết bị, công trình phụ trợ; số lượng phòng học tạm, phòng học nhờ còn nhiều, với 1.125/6.712, chiếm 16,8% tổng số phòng...

Bước vào năm học mới 2017-2018 với tinh thần, khí thế mới quyết tâm thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; trọng tâm là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém của năm học trước, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục và đào tạo; gắn với tích cực phối hợp, góp ý xây dựng, hỗ trợ nguồn lực để phát triển giáo dục toàn tỉnh nói chung, nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn nói riêng.

Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học", "Mỗi ngày đến trường có một đổi mới trong công việc, mỗi giờ lên lớp có một đổi mới trong giảng dạy". Xây dựng tốt nền nếp, kỷ cương trường học. Cấp ủy, chính quyền địa phương, cha mẹ học sinh cần nâng cao trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục, phối hợp chặt chẽ với các nhà trường để huy động học sinh ra lớp, nâng cao tỷ lệ học sinh chuyên cần; thực hiện đảm bảo an toàn, an ninh trật tự trường học; chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh, nhất là học sinh nội trú, bán trú. Xây dựng mô hình trường học gắn với thực tiễn hướng nghiệp nghề nghiệp, giáo dục kỹ năng sống; tổ chức tốt các hoạt động ngoại khóa, trồng rau, chăn nuôi phù hợp để nâng cao chất lượng bữa ăn cho học sinh.
 
12 9 17
Quan tâm xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến, những tấm gương tiêu biểu trong phát triển giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh...

Đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, chỉ đạo, đẩy mạnh phát triển Đảng trong trường học; tăng cường kiểm tra năng lực cán bộ quản lý, giáo viên gắn với công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng và thay thế cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên không đáp ứng được yêu cầu. Điều chỉnh, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách hành chính, điều tra mức độ hài lòng về dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy. Tập trung sắp xếp lại trường, lớp, đặc biệt là các trường có quy mô nhỏ dưới 300 học sinh; có chính sách hỗ trợ cho học sinh mới ra khỏi vùng 135. Cập nhật và cung cấp thông tin về nhu cầu nhân lực trong và ngoài tỉnh phục vụ phân lường, hướng nghiệp học sinh; đổi mới nội dung và phương thức giáo dục chuyên nghiệp.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường chuẩn quốc gia, các trường vùng đặc biệt khó khăn, trường nội trú, bán trú và các trường mầm non, đảm bảo các điều kiện thiết yếu cho công tác giáo dục. Nâng cao chất lượng giáo dục các trường vùng khó khăn, vùng biên giới; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh những đơn vị yếu kém, chậm tiến bộ; tổ chức kiểm định độc lập nhưng đơn vị giáo dục chạy theo thành tích, chất lượng còn yếu kém. Quan tâm xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến; tuyên truyền sâu rộng những tấm gương tiêu biểu trong phát triển giáo dục, nhất là các trường học, tổ chức, cá nhân, các thầy cô giáo và học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn có cách làm hay, sáng tạo trong quản lý, dạy học, dân vận khéo, chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh...

Nhiệm vụ năm học mới đầy khó khăn song cũng hết sức vinh quang, với sự quan tâm lãnh đạo sâu sắc của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, tin tưởng rằng cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng với ngành Giáo dục và Đào tạo của tỉnh sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra./.

Tác giả: Hà Châu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Văn bản mới

Số: 47/2024/TT-BTC

Thông tư Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ

lượt xem: 5191 | lượt tải:107

Số: 46/2024/TT-BTC

Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế

lượt xem: 4850 | lượt tải:112

Số: 72/2024/NĐ-CP

Nghị định Quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29 tháng 6 năm 2024 của Quốc hội

lượt xem: 5836 | lượt tải:161

Số: 43/2024/TT-BTC

Thông tư Quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh

lượt xem: 5783 | lượt tải:126

Số: 54/2024/NĐ-CP

Nghị dịnh Quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

lượt xem: 7012 | lượt tải:259
  • Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Lai Châu lần thứ V (2020-2025)

    Trong 2 ngày (27-28/7/2020) Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Lai Châu lần thứ V...

hienphapvn
  • Đang truy cập66
  • Hôm nay15,325
  • Tháng hiện tại579,808
  • Tháng trước668,260
  • Tổng lượt truy cập34,971,894
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down