Bước vào năm học mới, giáo dục đào tạo Lai Châu vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, toàn ngành vẫn còn trên 1,3 nghìn phòng học tạm, phòng học mượn, chiếm trên 20% tổng số phòng học. Trang thiết bị, phòng thí nghiệm, thư viện phục vụ giảng dạy và học tập chưa đáp ứng được nhu cầu. Tỷ lệ lớp ghép còn cao, với trên 1 nghìn lớp ở cả bậc mầm non và tiểu học...
Vượt qua những khó khăn đó, ngành giáo dục đã và đang quyết tâm đổi mới căn bản, toàn diện. Có thể thấy rõ điều đó từ kết quả của năm học 2015-2016, toàn ngành đã chủ động làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với tỉnh, phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục, đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, kế hoạch của ngành đi vào thực tiễn, nhất là việc nâng cao chất lượng đội ngũ, chất lượng học sinh và tư vấn giúp đỡ các trường vùng khó. Từ đó, phát huy được vai trò tích cực của gia đình, các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc huy động học sinh ra lớp chuyên cần, giảm tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học.
Tích cực đổi mới công tác quản lý giáo dục theo hướng tăng tính tự chủ thực hiện nhiệm vụ và phân cấp quản lý giáo dục cho các trường học; đa dạng hóa các hoạt động chuyên môn, đảm bảo giáo viên phát huy năng lực chủ động lựa chọn nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học phù hợp với đối tượng học sinh. Nhiều cán bộ quản lý đã thể hiện được năng lực, dự báo được tình huống có thể xảy ra, kịp thời đưa ra các biện pháp tác động để phòng ngừa, nên giữ vững được kỷ cương, phát huy dân chủ và nâng cao chất lượng giáo dục.
Trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu; chất lượng đội ngũ chưa đồng đều, ngành đã chủ động lắng nghe và tiếp thu các ý kiến đóng góp của đội ngũ và xã hội; từ đó, chủ động đổi mới với quyết tâm cao, khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần sáng tạo của đội ngũ cán bộ, giáo viên, phát động phong trào làm đồ dùng dạy học; vận động Nhân dân đóng góp ngày công, vật liệu làm phòng học, phòng ở và nấu ăn cho học sinh...
Những giải pháp đó đã mang lại hiệu quả thiết thực cho năm học 2015-2016, học sinh đi học chuyên cần, tỷ lệ học sinh phổ thông bỏ học giảm; công tác nuôi dưỡng học sinh trong các trường bán trú, nội trú có nhiều chuyển biến; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên có tiến bộ về chuyên môn, tâm huyết, trách nhiệm với nghề; tỉnh Lai Châu giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cấp giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn Quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi.
Tiết mục văn nghệ của học sinh tại lễ tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017 của huyện Tân Uyên
Cùng với những kết quả từ các giải pháp được triển khai từ năm học trước, một tín hiệu vui để đặt niềm tin trước thềm năm học mới là Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành các chủ trương, chính sách có trọng tâm để phát triển ngành giáo dục như: Đề án nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020; quy định chính sách hỗ trợ kinh phí tổ chức nấu ăn tập trung cho trẻ em, học sinh ở bán trú tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ tiền cho con em dân tộc thiểu số, gia đình chính sách, hộ nghèo, học sinh vùng sâu, vùng xa thuộc các xã đặc biệt khó khăn dự thi THPT quốc gia...
Ngành cũng đề ra quyết tâm đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, với quản điểm: Quản lý là phục vụ và quản lý phải đúng nghĩa, thực chất, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho hiệu trưởng; quản lý tránh đi sâu vào công tác hành chính, sự vụ; tập trung quản lý chất lượng công việc, chất lượng điều hành kế hoạch đem lại hiệu quả, tránh làm việc với mục đích đối phó; thực hiện “Kỷ cương nghiêm, chất lượng thực, hiệu quả cao” trong toàn bộ hoạt động của ngành. Duy trì cam kết về số lượng, chất lượng học sinh gắn với thi đua, khen thưởng, kỷ luật.
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ngay từ khâu thi tuyển viên chức ngành giáo dục theo hướng tuyển đúng người có năng lực (cả kiến thực chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm); cải tiến thi năng lực giáo viên; bồi dưỡng nâng cao kiến thức và năng lực chuyên môn cho cán bộ quản lý, giáo viên (quan tâm người dân tộc thiểu số địa phương); rà soát, bố trí giảng viên giảng dạy hợp lý trong cùng cấp để nắm bắt được chương trình toàn cấp. Lấy kết quả đánh giá kiểm tra năng lực gắn với chất lượng học sinh; chất lượng giáo dục toàn cấp và kết quả chuyên môn của giáo viên đánh giá cán bộ quản lý. Kiến quyết xử lý những cán bộ quản lý, giáo viên không tiến bộ. Cải tiến hội họp trong các trường học; giảm tải hồ sơ, sổ sách, chương trình nhằm khắc phục tình trạng quá tải, nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành.
Niềm vui ngày khai trường (ảnh: BLC)
Cộng đồng hóa trách nhiệm với cấp ủy, chính quyền địa phương; gia đình và xã hội trong công tác giáo dục và đào tạo; huy động trẻ nhà trẻ ra lớp ở những nơi có điều kiện; vận động toàn dân chăm sóc thế hệ trẻ; phối hợp chặt chẽ giữa giáo dục trong nhà trường với giáo dục ở gia đình và giáo dục ngoài xã hội. Tổ chức tốt các hoạt động tại các trường nội trú, bán trú gắn với tâm lý lứa tuổi, truyền thống văn hóa địa phương; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh.
Tích cực vận động, thu hút các nguồn kinh phí đầu tư từ các chương trình, dự án; triển khai Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học từ nay đến năm 2020; lồng ghép các chương trình, dự án, các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước cho giáo dục. Huy động xã hội hóa giáo dục, vốn đóng góp của tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng trường lớp, xây dựng trường chuẩn quốc gia và nâng cao chất lượng giáo dục...
Với sự quan tâm lãnh đạo sâu sát của Tỉnh ủy, những nhiệm vụ, giải pháp đổi mới và cách làm cụ thể hơn; sự phối kết hợp chặt chẽ của các ngành, sự chăm lo công tác giáo dục của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh; chúng ta đặt trọn niềm tin vào năm học mới 2016 - 2017, giáo dục và đào tạo Lai Châu sẽ hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ bằng quyết tâm, việc làm và kết quả thực chất./.